Đối thoại với Thủ tướng: “Vấn đề chính là con người thôi" (10/04/2018)
Đối thoại với Thủ tướng: “Vấn đề chính là con người thôi"
16:15 - 09/04/2018
Sáng 9-4, tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”.
|
"Muốn tiêu thụ nông sản phải chú trọng liên kết 6 nhà"
|
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội; Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương, Mai Trực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các ban Đảng; các bộ, ngành Trung ương; các ủy ban Quốc hội; đại diện Hội ND 63 tỉnh, thành; các doanh nghiệp và gần 300 nông dân cả nước về dự buổi đối thoại với Thủ tướng.
Khai mạc Hội nghị, đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN đã có bài phát biểu chỉ ra 7 vấn đề còn vướng mắc, cũng như kiến nghị 7 vấn đề căn cơ nhất có liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn
Đồng chí cho rằng, đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo, nông sản hàng đầu thế giới. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hóa với năng suất và chất lượng; xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở sản xuất áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; đáp ứng dồi dào nhu cầu trong nước; xuất khẩu tăng mạnh, nhiều mặt hàng có vị thế cao hơn trên thị trường thế giới.
Nông thôn có những chuyển biến căn bản nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, nhận thức của người nông dân được thay đổi, vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn được phát huy. Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả và trở thành phong trào sâu, rộng trong cả nước, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo bền vững, đời sống nông dân ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, kết quả đã đạt được nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn, cần được Đảng và Nhà nước nghiên cứu, xem xét, giải quyết.
Do vậy, cuộc đối thoại này là một dịp rất quý hiếm để đánh giá toàn diện hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm tháo gỡ các nút thắt (cơ sở pháp lý và vai trò của Nhà nước đối với đầu ra của nông, lâm, thủy sản; xuất xứ nông sản và thương hiệu; phát triển công nghiệp chế biến và bảo quản; phát triển hợp tác xã và chính sách).
Phát biểu tại đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao việc Hội Nông dân Việt Nam và các bộ, ngành, đã tổ chức buổi đối thoại thiết thực, quan trọng này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Nông nghiệp Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, từ nước thiếu ăn Việt Nam không những nhanh chóng đảm bảo đủ ăn mà còn vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản.
Nông nghiệp Việt Nam hiện đang hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tuy nhiên, thành quả lớn cũng như những tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp vẫn chưa được phát huy, một bộ phận nông dân ở vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo vẫn còn khó khăn, đời sống bấp bênh, tình trạng sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần quan tâm đến ứng dụng khoa học công nghệ từ khâu sản xuất giống đến, tổ chức sản xuất, đặc biệt thị trường nâng cao hiệu quả kinh tế. Cần có tầm nhìn về nền nông nghiệp để xây dựng và phát triển nền nông nghiệp Việt Nam toàn diện theo hướng hiện đại nâng cao được khả năng cạnh tranh. Tái cơ cấu một cách thực sự ngành nông nghiệp gắn với đẩy mạnh chế biến sâu, cùng với đó cần chú ý đến chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thủ tướng lưu ý trong sản xuất nông nghiệp thì vấn đề thị trường cần phải được quan tâm từ khâu gieo trồng, đến tổ chức sản xuất. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người nông dân.
"Thành quả lớn nhưng chúng ta chưa phát huy hết thế mạnh của nông nghiệp, một bộ phận nông dân sống nghèo khổ, bấp bênh, năng suất lao động nông thôn thấp kéo theo năng suất lao động người Việt thấp", Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng cũng lưu ý, cần xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng, để làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào. Trước khi gieo hạt xuống phải tính tới việc sản xuất bao nhiêu, bán cho ai?.
|
Các đại biểu đại diện cho nông dân cả nước về dự buổi đối thoại với Thủ tướng Chính phủ
|
Do đó, cần có 6 nhà trong liên kết, đầu tư phát triển nông nghiệp, gồm: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà phân phối. Có như thế, nông sản mới tiêu thụ ổn định và có giá, nâng cao cuộc sống cho người dân
Tổ chức lại sản xuất để phát huy thế mạnh từng vùng, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần ở nông thôn là việc cần làm ngay. Thủ tướng yêu cầu có tầm nhìn để phát triển nông nghiệp có khả năng cạnh tranh. Chủ tịch huyện, xã, tỉnh phải dành thời gian đối thoại với nông dân, giải đáp những thắc mắc của người dân.
“Vì sao cùng cơ chế mà nơi làm được, nơi vẫn loay hoay? Vấn đề chính là con người thôi"- Thủ tướng lưu ý.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử TWHNDVN