Ngưỡng mộ mô hình trồng rau thủy, khí canh công nghệ cao, lãi 7 - 8 tỷ/ha/năm (28/02/2018)
Ngưỡng mộ mô hình trồng rau thủy, khí canh công nghệ cao, lãi 7 - 8 tỷ/ha/năm
Trồng rau theo phương pháp thủy canh, khí canh đang được nhiều nông dân phát triển tại Lâm Đồng. Thực tế sản xuất cho thấy, canh tác trong nông trại công nghệ cao, người dân có thể lãi 7 - 8 tỷ đồng/ha/năm…
Đầu tư lớn
Là một trong những người đầu tiên trồng rau thủy canh, bà Nguyễn Thị Huệ (tổ dân phố Phước Thành, phường 7, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đang sở hữu khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rộng đến 7ha.
Đến thăm trang trại của bà Huệ, chúng tôi không ngớt trầm trồ bởi quy mô hoành tráng và rất hiện đại. Ở đây, quá nửa diện tích được đầu tư các trang thiết bị hiện đại để sản xuất rau thủy canh, số diện tích còn lại mặc dù nông sản vẫn được trồng dưới mặt đất, nhưng kỹ thuật canh tác rất cao.
“Khu vực này là vườn ươm, trên kia là vùng sản xuất rau thủy canh, phía lưng chừng quả đồi trồng cà chua, các loại rau dinh dưỡng cao cấp có xuất xứ từ nước ngoài. Hiện nông trại của tôi có 50 công nhân làm việc, mỗi khu vực sản xuất được bố trí từ 5 - 6 người, đảm đương công việc từ khi gieo trồng đến lúc được thu hoạch.
Ngoài ra còn có bộ phận giám sát, bộ phận kỹ thuật hằng ngày theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, điều chỉnh lượng nước tưới, phân bón, nhiệt độ hợp lý để đảm bảo sản phẩm đưa ra thị trường đạt chất lượng tốt nhất”, bà Huệ hồ hởi giới thiệu.
Theo bà Huệ, để có được 1.000m2 sản xuất rau thủy canh, bà đã phải đầu tư không dưới 1 tỷ đồng, tính ra mỗi ha phải mất chi phí đầu tư lên đến chục tỷ. Các chi phí bao gồm thiết bị phục vụ gieo trồng nhập từ nước ngoài như thanh đựng rau, máy bơm hút nước, các giống rau chất lượng cao, hệ thống tưới tiêu… Ngoài ra, nhà kính cũng phải đảm bảo sự thoáng mát, đúng kỹ thuật...
Cũng theo bà Huệ, khi bắt tay vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì việc mạnh tay đầu tư vốn là dĩ nhiên. Đổi lại, việc gieo trồng rau thủy canh đã được bà tiến hành rất thuận lợi từ nhiều năm qua. Rau cho năng suất cao, không bị sâu bệnh, các chỉ số về chất lượng đều rất tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và được người tiêu dùng đánh giá cao, lợi nhuận ước đạt 7 - 8 tỷ đồng/ha/năm.
Cách trang trại của bà Huệ không xa là mô hình trồng rau khí canh rộng 500m2 của anh Trần Huy Đường ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, cũng đang được nông dân khắp nơi đến tham quan học hỏi.
Vừa dẫn chúng tôi tham quan vườn rau, anh Vũ - hướng dẫn viên vừa giải thích: “Khí canh là phương thức canh tác không sử dụng đất như địa canh và cũng không nhúng rễ cây vào dung dịch như thủy canh mà trồng trong môi trường không khí có chứa các thể bụi dinh dưỡng. Nói cách khác, phun sương loại nước có dưỡng chất làm ướt đều bộ rễ để rau phát triển”.
Hiện vườn rau khí canh nhà kính 500m2 của anh Đường có hơn 10 loại rau phát triển tốt, hàng tuần đều có sản phẩm thu hoạch. Thu hoạch đến đâu xuống giống đến đó. Tất cả đều thực hành theo quy trình khép kín tại chỗ từ phối trộn nén viên giá thể, ươm gieo cây giống, xuống giống và đóng gói sản phẩm chuyển đi tiêu thụ… Trung bình một lứa rau khí canh xuống giống, chăm sóc và thu hoạch trong vòng 25 ngày. Hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Trên bề mặt luống rau treo từng hàng bẫy dính để dẫn dụ, tiêu diệt côn trùng. Bộ rễ bên dưới cách ly nhau trong không khí nên gần như ít xảy ra vi khuẩn lây nhiễm bệnh theo nguồn nước từ cây này sang cây khác như rau thủy canh.
Theo anh Đường: “Trung bình mỗi tháng trang tại thu từ 3 - 4 tấn rau, giá ổn định bán ra trung bình 25.000 đồng/kg, trừ đi chi phí vệ sinh máng, rọ nhựa, kiểm tra bảo dưỡng đường ống phun sương, hệ thống bơm nước từ giếng ngầm… mỗi tháng trang trại có lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/500m2, nhân rộng ra sẽ lên đến 7 - 8 tỷ đồng/ha/năm”.
Thị trường - yếu tố quyết định
Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, hiện diện tích trồng rau thủy và khí canh trên địa bàn tỉnh đã lên tới trên 20ha, được trồng chủ yếu tại Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà. Các loại rau trồng thủy canh chủ yếu là xà lách như lô lô, rô men, xà lách xoăn, xà lách xoong...
Ông Hoàng Sĩ Bích, PGĐ Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, đa số các nông hộ canh tác rau thủy canh trên địa bàn TP Đà Lạt đã có thị trường ổn định. Tuy nhiên, nếu tiếp tục mở rộng thêm diện tích canh tác thì việc nghiên cứu sâu hơn về thị hiếu người tiêu dùng và thị trường mục tiêu là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bởi hiện nay, rau thủy canh không chỉ phát triển ở Lâm Đồng mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước và rất nhiều hộ gia đình ở các thành phố trồng tại nhà.
Tương tự, theo bà Huệ, điều lo lắng nhất đối với người sản xuất nông nghiệp nói chung là làm sao để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu ra ổn định, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Tại trang trại của bà, đến thời điểm này tất cả đã đi vào “quỹ đạo”, năng suất và chất lượng các loại nông sản đạt được rất cao. Kênh tiêu thụ của bà Huệ không hướng vào các siêu thị mà phân phối trực tiếp tới các nhà hàng, khách sạn cao cấp từ Nam ra Bắc, với khoảng 1 tấn nông sản các loại mỗi ngày. Do không phải qua khâu trung gian nên cả người sản xuất và nhà tiêu thụ đều được hưởng lợi về giá.
Còn anh Tô Quang Dũng, GĐ Cty Rau sạch Trường Phúc thì không khỏi trăn trở. Theo anh, hiện nông dân đầu tư sản xuất rau thủy canh rất tự phát, chạy theo hiệu ứng đám đông trong khi chưa tìm hiểu kỹ thị trường thế nào, người tiêu dùng đón nhận sản phẩm mới ra sao... Do đó, bà con nên tìm hiểu kỹ về thị trường, đầu ra cho sản phẩm rồi quyết định đầu tư.
Hiện tại, phân khúc thị trường dành cho rau thủy canh theo anh Dũng còn khá hạn chế. Hiện mỗi ngày, cơ sở của anh xuất đi khoảng 500kg rau cho các siêu thị Big C, Metro, các thị trường khác vẫn đang còn bỏ ngỏ. Muốn cung cấp được cho các hệ thống siêu thị thì cơ sở sản xuất phải có khả năng cung cấp liên tục. Đó lại là vấn đề mà những hộ sản xuất nhỏ lẻ đang gặp phải.
Thanh Sa - Nguồn: NNVN