UBND THỊ XÃ THUẬN AN TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI ĐỂ THỊ HỘI THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ NĂM 2017 (01/02/2018)
UBND THỊ XÃ THUẬN AN TẠO ĐIỀU KIỆN
THUẬN LỢI ĐỂ THỊ HỘI THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ
NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ NĂM 2017
Mô hình trồng lan Mokara ở phường Thuận Giao
Thị xã Thuận An là một trong những địa phương có quá trình công nghiệp hóa diễn ra khá sớm, nằm vị trí cửa ngõ phía Nam của tỉnh Bình Dương. Trên địa bàn đã hình thành các khu, cụm công nghiệp; các dự án dịch vụ, dẫn đến tăng dân số cơ học, dân cư trong và ngoài tỉnh về sống và làm việc, làm cho tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh.
Trước thực trạng đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Với các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương với các chủ trương của UBND tỉnh tại Quyết định số 3265/QĐ-UBND ngày 25/11/2016 về việc phê duyệt báo cáo Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 – 2020. UBND thị xã Thuận An đã ban hành Kế hoạch số 1216/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động 07- Ctr/TU ngày 15/4/2016 của Thị ủy về đầu tư, phát triển nông nghiệp đô thị; giữ vững và nâng cao chất lượng vườn cây ăn trái gắn phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2015 – 2020.
Nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái. UBND thị xã đã tạo điều kiện Hội Nông dân thị xã Thuận An phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi và thú y, Trạm khuyến nông liên huyện phía Nam tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân; tổ chức hội thảo và tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, các mô hình sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao tại Tp. HCM và các tỉnh lân cận về kỹ thuật trồng hoa lan, cây cảnh; nuôi cá cảnh, nuôi cá nước ngọt; chăm sóc cây bon sai, măng cụt, sầu riêng; trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và trồng rau thủy canh.
Hiện nay, trên địa bàn thị xã Thuận An có khoảng trên 155 hộ đã và đang áp dụng canh tác theo mô hình nông nghiệp đô thị như trồng hoa mai: 50 hộ (9,7 ha); Hoa lan các loại: 24 hộ (2,67 ha); Kiểng các loại: 37 hộ (6,76 ha); Nuôi cá kiểng: 19 hộ (7 hộ nuôi mô hình ao: 1.000 m2 và 12 hộ nuôi mô hình hồ cá: 240 hồ cá bình quân 20 hồ/hộ nuôi); Nuôi trăn và cá sấu: Công ty Cổ phần thương mại đầu tư Trăn - cá sấu Ngọc Sơn - phường Bình Chuẩn (5.000 m2); trồng nấm: 2 hộ (1.200 m2). Ngoài ra một số hộ sản xuất như: trồng rau mầm, trồng nấm ăn, trồng hoa trong nhà lưới, nuôi baba trên cạn, nuôi lươn, ếch, trùn quế, và nuôi côn trùng làm mồi nuôi chim … Đó chính là những dạng hình phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, góp nhiều kinh nghiệm để hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có kết quả và thích ứng với điều kiện sản xuất mới, diện tích nhỏ nhưng giá trị kinh tế cao.
Hội Nông dân thị xã Thuận An phối hợp thực hiện mô hình rau thủy canh với quy mô diện tích 2.000 m2,bước đầu đã tạo những sản phẩm rau chất lượng cao phù hợp với chủ trương của tỉnh về phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.
Thực hiện Chương trình hành động 07-CTr/TU của Thị ủy Thuận An thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XI về đầu tư, phát triển nông nghiệp đô thị; giữ vững và nâng cao chất lượng vườn cây ăn trái gắn phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2015 - 2020 và Quyết định số 63/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh Bình Dương. UBND thị xã chỉ đạo tạo điều kiện Hội Nông dân thị xã phối hợp các ngành với Phòng Kinh tế, Bình Nhâm, An Sơn, Hưng Định và phường An Thạnh triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ vườn cây ăn trái, cấp phát phân bón cho 1.716 hội viên nông dân với diện tích 423,44 ha; tổng kinh phí là 4,494 tỷ đồng bao gồm tiền hỗ trợ chăm sóc mương vườn và tiền phân bón vườn cây. Ngoài ra, phối hợp tổ chức tập huấn chăm sóc vườn cây ăn trái được 8 lớp với khoảng 430 người tham dự và phát 430 tài liệu; tổ chức triển khai nội dung chính sách 63 có 75 người tham dự giải đáp những thắc mắc, tâm tư nguyện vọng và những quy định trong chính sách. Tổ chức 1 chuyến học tập kinh nghiệm mô hình thành lập tổ hợp tác chuyên canh tác theo mô hình VietGAP trên cây Măng cụt cho 42 nông dân tại Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
UBND thị xã giao cho Hội chủ sở hữu quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” nhằm bảo tồn và làm tăng giá trị trái măng cụt Lái Thiêu, trong năm Phối hợp Phòng Kinh tế, Sở Khoa học và Công nghệ tập huấn cho nông dân vườn cây và tham gia tuyên truyền quảng bá trong Lễ hội mùa trái chín hàng năm. Duy trì, củng cố 01 câu lạc bộ “chăm sóc cây ăn trái chất lượng cao” với 25 hội viên nông dân tham gia để duy trì vườn cây ăn trái đặc sản tại xã An Sơn, 01 câu lạc bộ “trồng rau an toàn” có 15 hội viên ở phường An Thạnh theo hướng GAP, bước đầu câu lạc bộ hoạt động đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên của câu lạc bộ. Hỗ trợ tham gia thực hiện dự án chuyển tiếp “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu” thành lập 1 tổ vườn cây măng cụt để triển khai thực hiện mô hình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây măng cụt.
Khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng của cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản… và các sản phẩm xuất khẩu như hoa, kiểng, bonsai… Phát triển một số cơ sở sản xuất nhỏ với công nghệ truyền thống được cải tiến hoặc công nghệ mới thích hợp.
Hội Nông dân thị xã tiếp tục phối hợp với các ngành chuyên môn tiến hành thực hiện một số điểm trình diễn mô hình nông nghiệp đô thị để làm nền tảng nhân rộng ra thực tiễn sản xuất. Đồng thời chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân ứng dụng trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao phục vụ thị trường trong và ngoài thị xã Thuận An. Triển khai hỗ trợ ứng dụng: 16 điểm trình diễn trồng lan (Mokara: 8 điểm, Vanda: 8 điểm) với diện tích 2.500 m2; Hỗ trợ cho nông dân sản xuất rau an toàn với tổng diện tích 25 ha với 135 hộ nông dân; 3 điểm bonsai; 2 điểm nuôi cá chép Nhật, hỗ trợ 8 điểm nuôi các dĩa; 4 điểm nuôi bồ câu Pháp tại các xã phường (An Thạnh, An Sơn, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Bình Chuẩn);
Thực hiện 05 mô hình nhà lưới hở trồng rau an toàn với diện tích 5.000m2 (1.000 m2/mô hình) trên địa bàn phường An Thạnh 03 mô hình và phường Lái Thiêu 01 mô hình, Phường Bình Chuẩn 01 mô hình. Thực hiện 18 điểm nghiên cứu đồng ruộng trên địa bàn 03 phường (An Thạnh, Bình Chuẩn và Thuận Giao). Tổ chức tập huấn và chuyển giao kỹ thuật: Tập huấn 21 lớp chuyên đề về nông nghiệp đô thị cho 849 lượt nông dân tham dự, cấp phát 849 tài liệu cho nông dân các xã, phường.
Mô hình Nông nghiệp đô thị đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập cho nông dân trên diện tích đất không lớn. Để xây dựng và phát triển mô hình Nông nghiệp đô thị trên địa bàn thị xã Thuận An trong thời gian tới, Hội Nông dân phối hợp với các ngành, đoàn thể thị xã Thuận An tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp để hình thành nền nông nghiệp đô thị xanh, sạch và bền vững trên địa bàn Thuận An ngày càng bền vững./.
Trương Công Thạch