Vai trò của Hội Nông dân tham gia chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (08/01/2018)
Vai trò của Hội Nông dân tham gia chương trình
sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước, ngành nông nghiệp của Bình Dương đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị, hiệu quả cao, các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đang dần thay thế mô hình sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống. Đặc biệt, sự chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến trong thời gian qua đã góp phần xây dựng và phát triển nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại.
Năm 2017, tình hình sản xuất trên các lĩnh vực của ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo ATTP, chăn nuôi chuyển biến tích cực theo hướng tập trung, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả theo kế hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất tinh thần nông dân ngày càng nâng lên.
Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn như:
Quyết định số 45 ngày 16/10/2012 của UBND tỉnh Ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013 – 2016 nay thay đổi là Quyết định số 63 ngày 20/12/2016 giai đoạn 2017-2021.
Quyết định số 46 ngày 17/10/2012 của UBND tỉnh ban hành Quy định về những giải pháp chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao – nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012-2015 hiện nay thay đổi là Quyết định số 04 ngày 17/02/2016 của UBND tỉnh giai đoạn 2016-202.
Quyết định số 11 ngày 08/4/2014 của UBND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương;
Quyết định số 29 ngày 17/8/2015 của UBND tỉnh về Ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh;
Quyết định số 896 ngày 21/4/2016 của UBND tỉnh ban hành danh mục các lĩnh vực ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Dương theo Nghị định số 210 ngày 19/12/2013 của Chính phủ …
Toàn tỉnh có 30 Hợp tác xã với 1.060 xã viên, tổng vốn điều lệ trên 110 tỷ đồng. Có tổng số 934 trang trại, tổng điện tích đất sản xuất hơn 4.200 ha.
Những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của nông dân Bình Dương thực hiện trong trồng trọt với diện tích trên 2.483 ha, các cây trồng có giá trị như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến: giống năng suất cao, nhà lưới, tưới tự động, tưới phun sương, tưới nhỏ giọt, điều khiển ra hoa … Chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao với chăn nuôi trại lạnh tiếp tục phát triển.
Nông nghiệp đô thị gồm các loại cây trồng như rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây kiểng, cá cảnh … với diện tích gần 144 ha.
Tổ chức Hội thường xuyên phối hợp cùng các Sở, Ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân liên kết trong sản xuất, đầu tư mô hình ứng dụng công nghệ mới, năng suất, chất lượng, cạnh tranh …Hưởng ứng tham gia Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trên địa bàn tỉnh Bình Dương góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo định hướng quy hoạch của tỉnh, phối hợp với các Sở, ngành cùng cấp quan tâm hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn nông dân về khoa học – công nghệ, thương hiệu, các nguồn vốn vay, quảng bá sản phẩm …
Tính đến nay nông dân đã tiếp cận từ các chính sách ưu đãi của tỉnh để đầu tư vào sản xuất, ứng dụng công nghệ cao từ Quyết định số 63 có trên 16.500 lượt nông dân của 5 xã, phường ở TX Thuận An và TX Tân Uyên được hỗ trợ gần 17 tỷ đồng; Quyết định số 46 nay thay đổi là Quyết định số 04 của UBND tỉnh có 13 hộ nông dân tiếp cận vốn vay ưu đãi được 19 phương án với số tiền 73,6 tỷ đồng; Quyết định số 11 của UBND tỉnh có 66 trang trại được chứng nhận VietGap với tổng kinh phí 945 triệu đồng; Quyết định số 29 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, dự kiến cuối năm nay toàn tỉnh có 47/49 xã đạt chuẩn NTM, có huyện Dầu Tiếng đạt chuẩn NTM, thị xã Tân Uyên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; đang trình công nhận thị xã Bến Cát hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Ngoài ra các cấp Hội đã hướng dẫn, đầu tư hỗ trợ từ nguồn Quỹ HTND để thành lập mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác và tổ ngành nghề được 130 tổ; nâng tổng số tổ đang hoạt động đến nay là 269 tổ với số tiền trên 110 tỷ đồng cho trên 4.000 hộ vay;Trong đó, có trên 100 tổ làm ăn hiệu quả giải quyết được nhiều lao động và tăng thu nhập, bình quân hàng năm đạt từ trăm triệu đến tỷ đồng.
Trong thời gian tới, tổ chức Hội tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ và các Nghị quyết của Trung ương Hội NDVN; Chương trình hành động số 77 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn …phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành cùng cấp để triển khai các Chương trình, Đề án, Dự án, chính sách, công nghệ … về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để trang trại, nông dân ứng dụng, thụ hưởng chính sách của tỉnh;Tuyên truyền, vận động trang trại, nông dân an tâm tư tưởng sản xuất, đầu tư công nghệ, tạo mối liên kết cao trong sản xuất theo chuỗi giá trị để sản phẩm năng suất, an toàn, chất lượng, cạnh tranh, thị trường tiêu thụ; Tích cực thực hiện hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn nông dân về khoa học – công nghệ, thương hiệu, các nguồn vốn vay, quảng bá sản phẩm … tập trung phát triển tốt các mô hình kinh tế tập thể của Hội, hỗ trợ, đầu tư các nguồn vốn vay ưu đãi sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, năng suất, ATTP, chất lượng … theo chuỗi giá trị hàng hóa; Tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa lớn đạt năng suất chất lượng cao, an toàn, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh, tăng giá trị và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công ngiệp chế biến và quá trình đô thị hóa theo “Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành Nông, Lâm, Ngư nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 của tỉnh./.
Khánh Minh