Nông dân Phú Giáo sản xuất rau an toàn khẩn trương vào mùa phục vụ Tết (25/12/2017)
Nông dân Phú Giáo sản xuất rau
an toàn khẩn trương vào mùa phục vụ Tết
Nông dân Phú Giáo đang khẩn trương chuẩn bị vụ mùa rau phục vụ Tết
Những ngày đầu tháng 11 âm lịch này, nhiều nông dân sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện Phú Giáo đang khẩn trương cày ải, phơi đất, phân bón, giống để chờ đến thời vụ là xuống, hoặc đã tổ chức việc xuống giống rau để chuẩn bị phục vụ cho dịp Tết sắp tới, với niềm tin vào một mùa bội thu được mùa, được giá khi thời tiết hiện nay khá thuận lợi cho cây rau phát triển.
Anh Lê Văn Tài, thành viên Tổ hợp tác rau an toàn ấp Lễ Trang, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo chia sẻ: Đối với các loại cây rau ăn lá như tổ hợp tác chúng tôi, thì hiện nay chúng tôi đang khẩn trương cày ải đất, phơi đất, chuẩn bị phân bón, cây con giống chờ đến 14,15 tháng 11 âm lịch này sẽ xuống giống để đón vụ Tết. Theo anh Tài chia sẻ thì với các loại rau ăn lá có thời gian sinh trưởng khoảng từ 40 đến 45 ngày kể từ khi xuống giống, do đó, việc đón Tết cho rau cũng được người trồng chúng tôi tính toán kĩ lưỡng. Ngoài việc chuẩn bị rau đón Tết, hiện nay gia đình chúng tôi cũng vẫn xuống giống bình thường theo hướng gối đầu liên tục, đảm bảo tháng nào cũng có rau bán. Với các loại rau đón Tết, chúng tôi cũng phải có xu hướng chuyển sang các loại rau ăn lá phù hợp với nhu cầu Tết, chủ yếu là xà lách, ngò, hành.
Ông Hoàng Thái Hà, Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Vĩnh Hòa cho biết thêm: Thực sự người nông dân chúng tôi sản xuất quanh năm, nên việc đón Tết cho rau cũng là việc bình thường, quan trọng nhất là đảm bảo nguồn cung cấp ra thị trường hàng tháng và cho thu nhập của gia đình đều đặn. Tuy nhiên, để phục vụ Tết, chúng tôi cũng tính toán đến việc chuyển đổi sản xuất từ những cây rau thông thường, sang những loại rau phục vụ Tết. Theo đó, ngay từ bây giờ, gia đình tôi đã chuyển 2/3 diện tích trồng rau của gia đình sang trồng rau gia vị, cùng với đó là rau xà lách. Bởi mùa này rất thuận lợi cho việc trồng cải ngọt, do đó nếu không có chiến lược đúng đắn sẽ có nguy cơ dẫn đến loại rau dư cứ dư, loại thiếu cứ thiếu khi nhu cầu thị trường Tết cũng có những thay đổi. Và hầu hết hiện nay các thành viên trong tổ chúng tôi cũng đã chuyển sang trồng các loại rau phục vụ nhu cầu Tết, tất nhiên cũng chỉ một phần diện tích, còn lại vẫn phải đảm bảo những sản phẩm rau truyền thống vốn có từ trước đến nay. Hiện nay gia đình tôi cũng đang khẩn trương chuẩn bị đất để xuống giống cho kịp thời vụ phục vụ thị trường Tết sắp tới. Đối với cây gia vị thì tôi đã xuống giống, còn đối với cây rau ăn lá hiện vẫn còn sớm, phải 15 đến 20 ngày nữa mới xuống giống.
Ông Lê Đức Hong, Tổ trưởng tổ liên kết sản xuất rau ấp Bàu Cỏ, xã Phước Hòa cho biết: Tổ liên kết sản xuất rau ấp Bàu Cỏ chúng tôi hiện có 21 thành viên, với tổng diện tích sản xuất gần 30 ha, chủ yếu sản xuất các loại rau ăn quả như dưa leo, khổ hoa, bầu, bí, mướp, đậu… Để chuẩn bị cho nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết nguyên Đán sắp tới, hiện tại các thành viên trong tổ đã triển khai xuống giống, chủ yếu các loại cây phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết thường tăng cao như khổ hoa, dưa leo. Đến nay hầu như diện tích của các thành viên đã được xuống giống, chăm sóc cẩn thận, chu đáo đảm bảo đúng quy trình nhằm kịp thời vụ để đưa ra thị trường.
Trước tình hình người dân đang khẩn trương chuẩn bị vụ mùa mới phục vụ Tết nguyên Đán, ngành chức năng huyện Phú Giáo cũng đã có những động thái tích cực cùng với người dân trong công tác quản lý dịch bệnh trên cây trồng của người nông dân. Ông Nguyễn Trường Hải, Trạm trưởng trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Phú Giáo cho biết: Hiện nay Trạm đang cử cán bộ, nhân viên đi thực tế tại các xã, thị trấn, nhất là các địa phương có diện tích sản xuất rau an toàn tập trung như Vĩnh Hòa, Phước Hòa đã thống kê, kịp thời đưa ra những khuyến cáo người nông dân cần có những chiến lược sản xuất các loại rau phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh tình trạng nhiều hộ dân đổ xô trồng một hoặc chỉ vài loại cây rau, sẽ dẫn đến nguy cơ dư thừa nguồn cung loại này, mà thiếu nguồn cung loại kia. Do đó, việc duy trì ổn định diện tích, hoặc chuyển đổi một cách phù hợp là điều mà Trạm rất chú ý và luôn khuyến cáo người nông dân. Cùng với đó, thời điểm hiện nay mặc dù thời tiết rất thuận lợi cho cây rau phát triển, nhưng không vì thế mà người nông dân được chủ quan trong công tác phòng trị bệnh. Thời điểm hiện nay, các loại bệnh thường gặp trên cây rau mà chủ yếu là bọ trĩ hút chích, rệp sáp. Vì vậy người nông dân cần chú ý để phòng và trị bệnh cho hiệu quả. Đi cùng với việc khuyến cáo người nông dân chú trọng công tác phòng trị bệnh cho cây rau màu, Trạm cũng khuyến khích, kêu gọi người dân nên thực hành sản xuất rau theo hướng an toàn sinh học, hướng VietGap để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, đầu tư.
Được biết thời gian qua, hầu hết sản phẩm của người nông dân sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện Phú Giáo đều được thương lái đến tận nơi thu mua, sau đó đem đi phân phối. Với giá bán từ 8 ngàn đồng/kg đối với cải ngọt, dưa leo, bầu, bí. 10 ngàn đồng/kg đối với xà lách. 12 ngàn đồng/kg đối với khổ hoa. 20 ngàn đồng/kg đối với rau gia vị. Theo ông Hoàng Thái Hà, Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất rau an toàn ấp Lễ Trang thì hầu hết rau của các tổ viên trong tổ không vào được cửa hàng, điểm tập kết rau an toàn ở huyện do nhiều yếu tố trong đó có các yếu tố như giá cả, những quy định khắt khe, nhưng không có được sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Nói chung là giữa người nông dân sản xuất rau và nhà quản lý chưa tìm được tiếng nói chung, khiến cho sản phẩm của người nông dân làm ra hầu như mối quen, thương lái chi phối. Thương lái đến tận vườn thu mua, với giá thỏa thuận, còn sau đó họ đem đi đâu, bán giá bao nhiêu chúng tôi không quan tâm. Miễn người nông dân sản xuất rau đảm bảo được lợi nhuận và thu mua ổn định thì chúng tôi bán. Ông Lê Đức Hong, Tổ trưởng tổ liên kết sản xuất rau ấp Bàu Cỏ, xã Phước Hòa cũng cho biết hầu hết sản phẩm làm ra của tổ được thương lái đến tận vườn thu mua, với giá thỏa thuận, chúng tôi thấy có lãi, có nguồn tiêu thụ ổn định thì chúng tôi bán. Thực tế, những người nông dân chúng tôi cũng muốn sản phẩm của mình vào được các cửa hàng hoặc các chuỗi tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn để đến tay người tiêu dùng. Nhưng mong muốn là vậy, còn thực tế giữa nhà kinh doanh, thu mua sản phẩm, với nông dân chúng tôi ít khi tìm được tiếng nói chung. Bao nhiêu năm làm ra sản phẩm tôi chưa thấy có bất kì nhà tiêu thụ, cửa hàng nào đến thu mua sản phẩm của người nông dân “sòng phẳng” như thương lái là những mối quen của chúng tôi từ đó đến giờ./.
Hoài Phương