GƯƠNG NÔNG DÂN SẢN XUẤT GIỎI TỪ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG (12/09/2017)
Ông Nguyễn Thanh Rang bên sân phơi bánh tráng của gia đình
Bánh tráng Phú An là một sản phẩm đặc trưng của làng nghề truyền thống Phú An. Những năm gần đây sự phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra nhanh, cùng với tác động của quy luật thị trường cạnh tranh, nhiều người làm nghề tráng bánh lần lượt bỏ nghề để thay đổi cuộc sống gia đình, làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một dần. Hiện tại trên địa bàn xã Phú An còn 16 hộ bám trụ làm nghề tráng bánh thủ công, năng suất 15 kg/ngày, sản phẩm đầu ra chủ yếu tiêu thụ trong địa phương và một phần giao cho thương lái.
Ông Nguyễn Thanh Răng là người có thâm niên 27 năm làm bánh tráng vẫn nhớ như in về thời hưng thịnh của nghề này. Ông kể, cách đây 10 năm, ở xã có đến hơn 100 hộ tham gia làm bánh; nhà nào ít người thì 1 bếp, nhà nào đông thành viên thì có 3 - 4 bếp hoạt động liên tục từ tờ mờ sáng cho đến quá trưa. Vào lúc giáp tết hoặc có đơn đặt hàng, cả xóm phủ một màu trắng của bánh tráng. Bánh tráng Phú An lúc đó không chỉ được tiêu thụ thị trường trong nước, mà còn được xuất đi Mỹ và một số nước Châu Âu.
Là người tâm huyết với nghề, ông tự tìm tòi học hỏi ở nhiều nơi, năm 2012 ông mạnh dạn đầu tư mua dàn máy tráng bánh bán tự động, sử dụng lò hơi áp suất cao để nấu bánh với giá hơn 700 triệu đồng. Từ khi có máy móc, cơ sở đã giảm bớt chi phí nhân công, tăng sản lượng và chất lượng đầu ra, hiện nay năng suất bình quân 500 kg bánh thành phẩm mỗi ngày, luôn duy trì việc làm cho 20 lao động với mức lương khoảng 200.000 đồng/ngày. Bước đầu khắc phục được một số hạn chế, tuy nhiên sản phẩm đầu ra luôn bị thương lái ép giá.
Được hướng dẫn của Hội nông dân xã Phú An, tháng 10 năm 2014, Ông Răng đã làm thủ tục thành lập tổ hợp tác Bánh tráng Phú An với sự tham gia của 10 thành viên với mục đích trao đổi học tập kinh nghiệm, thống nhất quy trình, đảm bảo chất lượng, chủ động nguyên liệu đầu vào, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, đảm bảo thu nhập cho các hộ thành viên.
Là tổ trưởng tổ hợp tác Bánh tráng Phú An, tôi đã chủ động tìm nguồn nguyên liệu (bột mì làm bánh tráng) bán thiếu cho các thành viên trong tổ hợp tác không tính lãi (trên 20 tấn bột mì), bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, đảm bảo thu nhập cho các thành viên (bình quân thu nhập của thành viên 6.000.000 đồng/người/tháng). Vận động các thành viên tham gia đầy đủ các buổi tập huấn và thực hiện chuỗi vệ sinh an toàn thực phẩm ( 02 cuộc /tháng với 20 lượt người tham dự), phối hợp với Hội nông dân xã xây dựng mô hình trình diễn để các hộ nông dân trong và ngoài địa phương có nhu cầu đến tham quan học tập kinh nghiệm, có 40 lượt người đến tham quan
Bản thân luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội nông dân phát động, là gương Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện nhiều năm liền (từ năm 2014 – 2016). Chủ động tìm tòi học hỏi, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ mọi người. Từ những khó khăn trước đây, tôi rất cảm thông những hoàn cảnh khó khăn, tích cực tham gia vận động, quyên góp, ủng hộ, xây dựng nhà tình thương; giúp đỡ những mảnh đời cơ nhở, đồng bào lũ lụt miền trung, phối hợp với đài truyền hình Bình Dương xây dựng mái ấm tình thương… và hướng dẫn nhiều gia đình cách làm ăn hiệu quả để thoát nghèo, hàng năm phối hợp với Hội Nông dân, Hội chữ thập đỏ xã nhà tặng hàng trăm phần quà cho những gia đình nghèo vui xuân đón tết.
Ngoài việc sản xuất đạt hiệu quả, gia đình tôi luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước. Luôn gương mẫu đi đầu đóng góp thực hiện tốt các phong trào của địa phương như: Đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn, giúp đỡ gia đình chính sách, trẻ em nghèo hiếu học có hoàn cảnh khó khăn…
Có được kết quả như trên đó là nhờ vào sự quan tâm của chính quyền, địa phương, Hội nông dân xã. Đặc biệt là phong trào “ Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng ở nông thôn” do Hội Nông dân phát động những năm qua đã thực sự đi vào chiều rộng lẫn chiều sâu trong địa phương. Dự kiến trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích cơ sở sản xuất, đầu tư thêm máy móc, để góp phần giải quyết việc làm tại địa phương và tạo điều kiện giúp đỡ những hộ nông dân còn nghèo có điều kiện làm ăn để vươn lên thoát nghèo.
Ông Răng cho biết, bánh tráng vừa làm xong đến đâu thương lái đến “gom” hàng đến đó. Thị trường rộng mở, người làm bánh tráng ở đây đều mong muốn có điều kiện mua máy làm bánh hoặc mở rộng quy mô sản xuất nhưng không có nguồn vốn, sân phơi. Đặc biệt, hiện bánh tráng Phú An vẫn để bánh trần, buộc dây bán lẻ tại các chợ, chưa có bao bì bọc ngoài nên vấn đề vệ sinh không được bảo đảm. “Thời gian tới, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm, xây dựng thương hiệu, làm mã vạch... để phát triển thương hiệu bánh tráng Phú An rộng rãi, ổn định và bền vững hơn”. Theo ông Răng, từ khi thành lập tổ hợp tác đến nay, các thành viên chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa các hộ làm bánh, vì hầu như mỗi hộ kinh doanh ở đây đã tạo cho mình những mối làm ăn riêng. Hơn nữa, bánh tráng Phú An chưa được công nhận làng nghề truyền thống nên xã chưa thể kêu gọi sự hỗ trợ.
Bà Nguyễn Kim Chi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú An cho biết, hiện toàn xã còn khoảng 16 hộ làm nghề bánh tráng. Ngoài 10 hộ đã tham gia vào tổ hợp tác, số còn lại đang làm bánh tráng nhỏ, lẻ. Bà Chi nhớ lại, từ hồi bà còn nhỏ đã thấy cả xóm làm bánh tráng phơi khắp sân và nghe cha mình kể lại thì làng nghề đã có từ khoảng 30 năm về trước. Hồi trước, mới 5 giờ sáng những gia đình làm nghề bánh tráng ở Phú An đã thức dậy đỏ lửa tráng bánh, phơi bánh, sau đó gói cẩn thận rồi đem ra chợ bán. “Làng nghề nay vẫn tồn tại đấy thôi nhưng còn ít người theo nghề nên không còn được nổi tiếng như trước. Xã đã có nhiều biện pháp để giữ vững và khôi phục, nhưng làng nghề chưa phát triển đủ điều kiện có thể lập hồ sơ công nhận làng nghề truyền thống”.
Minh Cảnh