NÔNG DÂN SÁNG TẠO TRONG CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG (18/08/2017)
NÔNG DÂN SÁNG TẠO
TRONG CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG
Anh Trần Quang Thái Sơn đang dồn cá đạt 1-1,5 kg để cho ăn đậu tạo độ giò
Với tổng diện tích 50.000M2 anh Trần Quang Thái Sơn ở phường Thái Hoà, thị xã Tân Uyên đã có thu nhập hơn nửa tỷ đồng nhờ xuất bán hàng chục tấn cá chép thịt giòn sần sật như tai lợn.
Hơn 13 năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản, Trần Quang Thái Sơn, ở phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên là người đầu tiên tại địa phương tìm tòi và nuôi thành công giống cá chép giòn.
Năm 2004, anh Sơn cùng gia đình đến Bình Dương lập nghiệp. Gia đình anh đã có nhiều kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt tại Cà Mau nên khi đến Bình Dương, được sự giới thiệu của Hội Nông dân tỉnh, gia đình đã thuê 2 ha đất nông nghiệp ở phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên để tiếp tục nghề nuôi cá. Ban đầu, gia đình anh đào ao nuôi cá rô, vừa làm vừa cải tạo đất, lấy ngắn nuôi dài để đầu tư cải tạo đất và môi trường. Sau nhiều năm, gia đình đào ao nuôi cá, làm đường, kéo điện vào sinh hoạt, nhờ đó mới được như ngày hôm nay.
Vào thời điểm trước năm 2014, phong trào nuôi cá lóc thương phẩm ở phường Thái Hòa phát triển mạnh. Trên diện tích khoảng 1,5 ha với 5 ao cá, trung bình mỗi năm, gia đình anh thu hoạch được gần 300 tấn cá lóc thương phẩm, cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm 2014, sau một đêm ngủ dậy gia đình anh thấy cá chết trắng tại một số ao, sản lượng cá của gia đình ông bị giảm đến 40%. Nguyên nhân được cho là nguồn nước bị ô nhiễm.
Tháng 4-2015, gia đình anh tình cờ thấy trên thị trường xuất hiện loại cá chép giòn rất đặc biệt. Ngay lập tức, gia đình anh quyết định về An Giang để học hỏi nghề nuôi giống cá lạ này. Sau một thời gian học hỏi, gia đình quyết định đem giống cá này về phường Thái Hòa nuôi thử. Thời điểm đó, gia đình là người đầu tiên ở địa phương thử nghiệm nuôi giống cá chép giòn.
Chỉ nuôi 1 ao với khoảng hơn 1.000 con, sau 10 tháng nuôi và xuất bán lứa đầu tiên đã mang lại doanh thu cho gia đình ông hơn 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng. Theo anh, nuôi cá chép giòn cho thu nhập cao gấp 3 lần và cho lãi cao nhất trong số các loại cá hiện nay nhưng thời gian đầu kỹ thuật nuôi cá chép giòn phức tạp, cộng với vốn đầu tư tương đối lớn, vì cá giống được nhập từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bắc Ninh) và vận chuyển bằng máy bay vào nên chi phí khá cao. Cá chép giòn không chỉ ăn cám công nghiệp, mà trong khoảng 3 - 3 tháng cuối cá chỉ hoàn toàn ăn đậu tằm nhập khẩu từ Úc. Đây là loại đậu có hàm lượng protein cao, gồm đủ 8 loại axit amin thiết yếu…, yếu tố quyết định thay đổi chất lượng thịt của cá, tăng độ dai cơ thịt nên cá săn giòn. Anh chia sẻ thời gian nuôi lứa thứ 2 anh bắc đầu thích nghi với loại cá này nên anh thấy “Cá chép giòn có nhiều ưu điểm như dễ nuôi, so với các loại cá khác ít dịch bệnh hơn và đặc biệt sức tăng trưởng nhanh, hiệu quả tốt, giá thành cao nên thu lợi thuận khá”.
Cá chép giòn có thời gian sinh trưởng khoảng 10 tháng. Giai đoạn 6 tháng đầu, cá được cho ăn bằng các loại thức ăn công nghiệp. Sau 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng khoảng 1 đến 1,5 kg/con sẽ bắt đầu cho ăn đậu tằm đến khi thu hoạch. Anh nói trong đậu tằm protein thô chiếm hơn 31%, lipid thô chỉ 0,15%... là yếu tố quyết định dẫn tới thay đổi chất lượng thịt của cá, tăng độ dai cơ thịt nên thịt cá chắc giòn. “Thành phần thức ăn, đặc biệt thành phần protein trong đậu tằm có fibrinozen làm thịt cá dai giòn. Cá giòn đảm bảo sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Không chỉ cá chép, cá trắm, mà một số loài cá khác nếu nuôi bằng đậu tằm cũng cho sản phẩm cá giòn tương tự.
Anh Sơn cho biết thêm, hiện nay người nuôi cá chép giòn có thể đặt mua hạt đậu tằm tại các cơ sở trong cả nước với giá từ 18.000 - 20.000 đồng/ kg. Khi sử dụng làm thức ăn cho cá, đậu phải được ngâm nước từ 24 - 36 tiếng với một chút muối cho mềm, nở ra. Đây là nguồn thức ăn sạch và giàu dinh dưỡng. Chính thức ăn này làm biến mất mỡ thừa ở cá, khiến mỗi thớ thịt săn chắc, rồi dần dần hóa giòn sần sật. Nuôi bằng đậu tằm, cá chép giòn được bảo đảm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Nhận thấy thị trường tiêu thụ lớn và nguồn lợi nhuận cao hơn so với các loại cá khác nên anh Sơn đã quyết định chuyển sang mở rộng diện tích lên 5 ao để nuôi cá. Đợt thu hoạch cá tiếp theo, giá cá bán ra vẫn ổn định nên tiếp tục mang lại cho gia đình anh lợi nhuận cao với tổng thu nhập sau khi trừ chi phí anh thu về hơn 500.000.000/năm. Tuy nhiên, hiện đang ngày càng có nhiều nơi nuôi cá chép giòn nên giá cá sụt giảm mạnh: Hiện giá cá chỉ 70.000 đến 80.000 đồng/ kg, thay vì hơn 150.000 đồng/ kg như mấy năm trước.
Theo anh Sơn, điều quan trọng là phải biết cách tạo ra sản phẩm tốt và khác biệt mới mong sống được với nghề nuôi cá chép giòn. Hiện anh Sơn vẫn tiếp tục nuôi cá chép giòn, với hy vọng giá cá sẽ ngày một khả quan hơn. Bên cạnh đó, anh vẫn đang nuôi thử nghiệm một giống cá khác để thỏa mãn đam mê tìm tòi, phát hiện cái mới của bản thân.
Hàng năm anh tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, chi hội nông dân phường, hướng dẫn truyền đạt kỹ thuật cho nông dân, giúp đở cho 06 lao động có việc làm ổn định, giúp đỡ cho các hộ trong trường khó khăn về vốn để sản xuất kinh doanh, thường xuyên ủng hộ Quỹ hỗ trợ nông dân phường và các tổ chức ở địa phương.
Như vậy, có thể thấy bằng nghị lực và ý chí quyết tâm, sự hổ trợ tích cực của các sở ngành, của tổ chức Hội, đã mang lại cho gia đình anh sự thành công ngày hôm nay với tổng thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình anh là khá lớn. Tuy nhiên những nông dân làm kinh tế giỏi như anh Sơn cần nhiều hơn nữa sự giúp đỡ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan liên quan để bà con nông dân ngày càng có điều kiện đầu tư mở rộng phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao theo định hướng của Tỉnh ./.
Minh Cảnh