ĐẠT DANH HIỆU NÔNG DÂN SẢN XUẤT KINH DOANH GIỎI TỪ TRỒNG CÂY CẢNH (15/08/2017)
ĐẠT DANH HIỆU NÔNG DÂN
SẢN XUẤT KINH DOANH GIỎI TỪ TRỒNG CÂY CẢNH
Với hơn 15 năm Gắn bó với nghề trồng và tạo dáng cây cảnh, đến nay vườn cây cảnh của anh Nguyễn Tấn Lộc ở phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Nguyễn Tấn Lộc trả lời phóng sự với Đài truyền hình tỉnh Bình Dương
Chúng tôi gặp anh Lộc trong một buổi trưa nắng giữa không gian vườn với những cây linh sam, nguyệt quế, sanh, kim quýt được uốn lượn rất khéo. Anh Lộc cho biết, ban đầu anh trồng cây cảnh để cho vui. Lúc đầu anh trồng ít cây xanh, cây đề nhưng trồng được cây nào, khách đến chơi lại hỏi mua cây đó. Thấy “làm chơi mà ăn thật”, anh bắt đầu kinh doanh cây cảnh từ đó.
Sau nhiều năm, dưới bàn tay khéo léo cùng sự kiên trì của mình, anh Lộc đã uốn nắn, chăm sóc và sáng tạo được nhiều chậu cây cảnh quý. Hiện nay, trong vườn nhà anh có hơn 100 chậu cây cảnh với đủ thế dáng được rất nhiều khách hàng ưa chuộng, cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Lộc cho rằng, trồng cây cảnh ngoài niềm đam mê còn phải mạnh dạn đầu tư và kiên nhẫn. Vì cây cảnh không như những loại cây khác, bởi có khi vài ba tháng không bán được cây nào nhưng có ngày lại bán được cả chục triệu đồng. Để có một vườn cây cảnh đẹp như hôm nay anh đã phải trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng chừng không thể tiếp tục. Nhưng với niềm đam mê, anh đã áp dụng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, số tiền bán cây cảnh mỗi năm lại được anh dành để đầu tư tiếp. Ngoài ra, anh còn được giới thiệu vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền 30 triệu đồng để đầu tư phát triển vườn cây.
Anh Lộc cho biết, để sống được với nghề làm kiểng bon sai đòi hỏi người nghệ nhân phải có lòng đam mê, kiên trì, sáng tạo, nhạy bén nắm bắt thị trường và vốn hiểu biết nhất định về loại hình nghệ thuật này. Mỗi năm, anh Lộc sản xuất thành phẩm hơn 100 cây kiểng bon sai các loại trong đó có hơn 80% là bon sai phá thế, mang về nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, để sửa một cây kiểng bon sai phá thế hoàn chỉnh phải mất ít nhất 3 năm, đôi khi một số trường hợp phải mất đến 5 hoặc 6 năm. Các loại cây mà anh Lộc chọn sản xuất rất đa dạng, từ linh sam, nguyệt quế, tùng, kim quýt, sam núi, mai chiếu thủy, cằn thăng đến các loại cây tưởng chừng không thể làm kiểng được như: tu hú, keo, me… Yếu tố quan trọng để cho ra một cây kiểng bon sai đạt chất lượng là cây phải có dáng, thế phù hợp đặc biệt và sự sáng tạo, kiêng trì của người nghệ nhân.
“Những cây cảnh nghệ thuật trong vườn hầu hết được tôi trồng, sáng tạo từ những cây phôi. Sau khi mua về, tôi dành thời gian cắt tỉa, chăm sóc cho đến khi trở thành cây hoàn thiện đưa ra thị trường tiêu thụ. Để hoàn thành nên một cây cảnh có thế dáng hoàn chỉnh phải dành rất nhiều thời gian, công sức chăm bón, tạo dáng...”, anh Lộc chia sẻ
Ngoài cây trồng trong chậu, anh Lộc còn có nhiều cây phôi đang được trồng dưới đất từ chiết, ghép, ươm hạt và đang chuẩn bị thu hoạch 400 cây. Từ diện tích 400m2 ban đầu, đến nay vườn cây của anh đã được nhân rộng lên 1.350m2 gồm vườn ươm, nơi trưng bày, mua bán sản phẩm và kinh doanh vật tư chuyên dụng cho cây cảnh.
Ra đời năm 2012, đến nay Câu lạc bộ Cây cảnh nghệ thuật Thành Lộc đã tạo được sân chơi, nơi học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của 22 hội viên đam mê cây cảnh. Trên cương vị chủ nhiệm câu lạc bộ, anh luôn hết mình chia sẻ những kinh nghiệm mà mình có được với các hội viên, những người có cùng sở thích. Thời gian qua, mỗi khi nghe có thông tin trưng bày cây cảnh, hội chợ nông nghiệp hay các cuộc thi cây cảnh, anh Lộc đều mang những sản phẩm của mình và của các thành viên trong câu lạc bộ đến trưng bày và giới thiệu sản phẩm nhằm hướng đến một thương hiệu được mọi người tin tưởng. Tại triển lãm Hội hoa xuân tỉnh năm 2015, gian hàng của Câu lạc bộ Thành Lộc đã đoạt 3 giải vàng, 1 giải bạc, 2 giải khuyến khích và 1 giải đồng về trang trí gian hàng đẹp nhất.
Từ niềm đam mê đã thôi thúc anh Lộc học hỏi, tích góp kinh nghiệm cho bản thân. Anh Lộc cười rạng rỡ khi cho chúng tôi xem tấm bằng trung cấp nghề do trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore cấp năm 2013. Được đào tạo chuyên môn bài bản cùng với kinh nghiệm làm nghề cây cảnh, anh Lộc có điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm của mình với người khác. Đặc biệt, các lớp do anh trực tiếp giảng dạy được thực hiện theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Anh thường dành 70% thời gian đào tạo để các học viên thực hành; có những lúc anh còn cầm tay chỉ việc để học viên có thể bắt đầu tạo dáng cây cảnh ngay sau tiết học. Cách làm hiệu quả của anh đã thu hút được nhiều người tham gia học từ các địa phương lân cận.
Là một loại hình nghệ thuật độc đáo, không phải ai cũng có thể sản xuất được, nhưng với nền tảng kiến thức sẵn có về hoa kiểng và sự tìm tòi học hỏi, sáng tạo của bản thân, anh Lộc đã và đang ăn nên làm ra đối với loại hình nghệ thuật này. Cây kiểng bon sai từ đó mà tìm được vị thế trong muôn vàn chủng loại hoa kiểng của địa phương.
Ông Nguyễn Lê Thế Trường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Định Hòa cho biết, anh Lộc là một trong số ít người có tay nghề giỏi trong lĩnh vực trồng và tạo dáng cây cảnh ở phường. Bản thân anh Lộc rất nhiệt tình trong các hoạt động của địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người. Anh xứng đáng là 1 trong 20 nông dân tiêu biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Bình Dương lần thứ IV năm 2015 vừa qua.
Minh Cảnh