NÔNG DÂN SẢN XUẤT KINH DOANH GIỎI TIÊU BIỂU LÂM THÀNH THẮM (13/04/2017)
NÔNG DÂN SẢN XUẤT KINH DOANH GIỎI TIÊU BIỂU
LÂM THÀNH THẮM
Một góc vườn cam sành của ông Lâm Thành Thắm
ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liệm, huyện Bắc Tân Uyên
Đến xã Hiếu Liêm, huyện BắcTân Uyên, đi vào vùng đồi nằm mé tả ngạn sông Bé oai hùng hôm nay, từ xa nhiều người tưởng nhầm rằng mình đang lạc bước vào những rừng chè hay rẫy cao su bạt ngàn nhưng càng đến gần mới thấy đó là những vườn cây có múi trồng bằng kỹ thuật cao đang trĩu nặng quả.
Với niềm đam mê trồng cây ăn quả và đã từng thành công với nghề trồng cây có múi ở vùng đất Lai Vung, Đồng Tháp, hơn chục năm trước ông Lâm Thành Thắm đã rời quê lên vùng Đông Nam Bộ tìm thuê đất để trồng các loại cây ăn quả như cam sành, quýt đường tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Đến nay, ông đã gầy dựng được trang trại cây ăn quả rộng lớn nhất vùng. Vừa sản xuất và tự đúc rút kinh nghiệm đến nay ông Thắm được xem là người đi đầu trong việc khai phá, biến đất hoang thành trang trại quy mô lớn, mang lại lợi nhuận kinh tế cao của vùng đất Hiếu Liêm.
Ông nói, Vào năm 2004, khi phát hiện vùng đất Hiếu Liêm đất đai còn rộng lớn, hợp với cây có múi, ông cùng anh em trong nhà quyết định lên mua, thuê đất trồng cam sành với diện tích khởi đầu là 7ha. Rồi từ đó ông mở rộng diện tích dần dần và dồn hết công sức, tiền của gây dựng trang trại.
Đến nay, sau hơn chục năm lập nghiệp tại vùng đất Hiếu Liêm, Ông đã gây dựng được trang trại rộng lớn với diện tích 90ha (gồm cả cam sành, quýt), trong đó 50% đang cho thu hoạch. Trung bình mỗi ha, ông thu khoảng 800 triệu đồng, trừ chi phí lời khoảng 300 triệu đồng. Với gần 90ha hiện nay, mỗi năm ông thu 21 tỷ đồng sau khi trừ chi phí ông còn lãi hơn 14 tỷ đồng.
Chia sẻ với chúng tôi, Ông cho biết, sở dĩ ông chọn trồng cây cam sành, cây quýt đường mà không chọn cây khác bởi ông đã có kinh nghiệm trồng cây có múi từ lúc ông còn ở miền Tây. Cây cam, quýt cho thu hoạch nhanh, chỉ 3 năm là có thu hoạch nên dễ thu lợi nhuận. Ở Hiếu Liêm khí hậu thuận lợi, đất tuy không có nhiều phù sa nhưng thoáng khí, cao độ tốt, phù hợp với cây có múi. Đặc biệt, tại đây đất đai còn rộng lớn nên có thể lập được trang trại quy mô lớn và dễ dàng ứng dụng KHKT vào sản xuất.
Ông kể, để lập được trang trại như hiện nay không đơn giản chút nào, không phải ai cũng làm được. Những năm đầu mới lên lập nghiệp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, không có điện nên ông phải dùng máy nổ bơm nước, phải kéo ống bằng tay.
Vào mùa khô ông và người nhà phải vất vả lặn lội tìm nguồn nước tưới cho vườn cây. Sau đó, ông và những người anh em của mình gom góp, bỏ ra nhiều tỷ đồng để kéo điện 3 pha, ủi đường sá, lắp đặt đường ống bơm nước…Từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng hợp lý đã giúp ông yên tâm mở rộng sản xuất.
Để giải quyết vấn đề tưới nước, ông lắp đặt hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước cho trang trại của mình (với kinh phí từ 80 – 90 triệu đồng/ha). Cách làm này lập tức mang lại hiệu quả không chỉ giúp tiết kiệm nước tưới mà còn tiết kiệm được chi phí nhân công. “Trước đây chưa có điện, mỗi lần tưới cây phải dùng máy nổ và người kéo đường ống. 1 ha khi đó phải có 2 người kéo cả ngày tưới mới xong. Bây giờ nhờ lắp đặt hệ thống tưới tự động nên 1 người có thể tưới được cả chục ha, tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhân công”.
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ cam, quýt vào mùa hè rất lớn, ông mạnh dạn áp dụng phương pháp ép cây cho ra quả nghịch mùa để mang lại lợi nhuận cao. Ngay từ khi xây dựng trang trại, ông đã thực hiện cuốc liếp để trồng cam, quýt, đồng thời phủ bạt nhựa lên các liếp cam. Cách làm này giúp hạn chế cỏ dại mọc trong vườn, chủ động kiểm soát được nguồn nước tưới và bón phân, thuốc cho cây. Đặc biệt, đây cũng là một trong những bí quyết “ép nước” cho trái nghịch mùa bằng cách tạo khô hạn tạm thời cho vườn cây. Cách làm này đang được nhiều nông dân tại đây áp dụng và mang lại hiệu quả cao.
Song song đó, ông còn ứng dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất giúp cho vườn cây sinh trưởng tốt, chất lượng quả cao. Một phần diện tích trồng cam của ông cũng được phủ lưới để bảo đảm trái không bị cháy nắng, nhất là trong mùa khô, việc này vừa giúp giảm chi phí lại đảm bảo sản phẩm sạch, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản phẩm cam sành, quýt đường của ông luôn được khách hàng ưa chuộng.
Những trái cam của ông ở đất Hiếu Liêm không chỉ vào siêu thị, chợ đầu mối trái cây ở Bình Dương, TP.HCM mà còn “ngược dòng” xâm nhập thị trường trái cây ở Tiền Giang, Bến Tre và theo những chuyến xe ra tận Đà Nẵng, Hà Nội.
Là nông dân gắn bó với nông nghiệp, từng chứng kiến vòng luẩn quẩn của các loại cây trồng.Với các cách làm khoa học, bài bản như trên, giá trị sản xuất của ông đã tăng lên 40% so với cách thông thường, 1 ha đất ít nhất cũng đạt năng suất trên 40 tấn. Trang trại của ông được xem là mô hình tiêu biểu, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại Bình Dương. Ông nhận định, tại Hiếu Liêm, hiện người dân đua nhau trồng cam, quýt dễ dẫn đến khủng hoảng thừa. Do đó, ông không tăng diện tích trồng cây, mà thay vào đó là tìm cách nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trang trại gia đình Ông đã giãi quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động và 50-70 lao động theo thời vụ có mức thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/ lao động/ tháng, ngoài ra ông còn hướng dẫn truyền đạt kỹ thuật cho nông dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam sành và cây quýt mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp quỹ vì người nghèo, thường xuyên ủng hộ Quỹ hỗ trợ nông dân và tham gia các hoạt động xã hội từ thiện ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm cho biết: Những năm gần đây, khi cây có múi “hợp duyên” với vùng đất này đã nhanh chóng trở thành cây “vua” cho thu nhập rất cao. Thời gian qua, giá cam dao động từ 25 đến 35 nghìn đồng/kg, trừ chi phí sản xuất 14 nghìn đồng/kg, mỗi năm 1 ha cam cũng cho nông dân thu lợi hơn 450 triệu đồng. Vì vậy ở Hiếu Liêm và các xã lân cận, không có cây trồng nào là "đối thủ" về hiệu quả kinh tế so với cây có múi hiện nay.
Minh Cảnh