Tin trong tỉnh (27/06/2016)
Hoa lan Đất Thủ trên đường hội nhập
Xác định mô hình trồng lan phù hợp với sản xuất nông nghiệp đô thị và ven đô của tỉnh Bình Dương, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã trồng nhiều loại hoa lan để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, Câu lạc bộ (CLB) Trang trại hoa lan Bình Dương đã quy tụ được 87 hội viên (HV) và từng bước khẳng định thương hiệu hoa lan Đất Thủ trên thị trường.
Với việc được cấp Nhãn hiệu tập thể Hoa lan Đất Thủ sẽ tạo điều kiện cho hoa lan của Bình Dương có mặt tại các chuỗi cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước
Mô hình đem lại nguồn thu cao
Ông Lê Văn Đạt, Phó Chủ nhiệm CLB Trang trại hoa lan Bình Dương cho biết, CLB được thành lập năm 2010 với 28 HV ban đầu và hiện đã nâng lên 87 HV. Diện tích trồng lan của các HV hơn 7 ha với hơn 395.000 cây, giỏ, chậu lan các loại như: mokara, dendro, hồ điệp, cattleya, ngọc điểm… Trong đó, HV có diện tích trồng lan ít nhất là 200m2, trung bình từ 2.000- 5.000m2. Đặc biệt, HV Đoàn Công Kha (Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên) có diện tích trồng đạt 2 ha.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, Ban Chủ nhiệm CLB đã mạnh dạn xây dựng các mô hình cải tiến ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và vận động HV thực hiện. Từ năm 2011, CLB đã đưa vào thực hiện Dự án trồng lan mokara cắt cành theo công nghệ mới do Trung tâm Khuyến nông TP.Hồ Chí Minh chuyển giao. Đây là Dự án thử nghiệm về mật độ trồng (6 - 7 cây/m2), định lượng phân bón, ứng dụng công nghệ tưới phun sương bán tự động để giảm công lao động. Đến nay, dự án đã đạt được hiệu quả bước đầu, vườn lan của các HV tham gia dự án đã cho năng suất thu hoạch tăng gấp đôi so với cách trồng bình thường trước đây.
Từ những thành công này, thu nhập của người trồng lan được nâng cao khá rõ, “với việc thu hoạch trung bình một cây hoa là 7 lần/năm, giá trên thị trường trung bình 5.500 đồng/cành, với diện tích 1.000m2, sau khi trừ chi phí cũng cho thu nhập đáng kể. Cái khó là vốn đầu tư ban đầu khá cao, 1.000m2 đầu tư từ 50- 70 triệu đồng, nhưng khi lan vào thu hoạch và có đầu ra ổn định thì trung bình có thể thu lãi từ 10- 13 triệu đồng/tháng, còn vào các thời điểm lễ tết thì có lãi cao hơn”, ông Lê Văn Đạt cho biết thêm.
Từng bước hội nhập
Trước xu thế hội nhập toàn cầu và Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, trong đó có nhiều hiệp định đã có hiệu lực, đây được coi là lợi thế cũng như thách thức cho sản phẩm nông nghiệp, nhiều sản phẩm hoa lan của các nước trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan… đang xâm nhập mạnh vào thị trường nước ta. Để phát huy thế mạnh hiện có, CLB Trang trại hoa lan Bình Dương đã làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu hoa lan tập thể và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể Hoa lan Đất Thủ vào ngày 19-4-2016. Đồng thời, CLB cũng thành lập Hợp tác xã Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hoa lan Đất Thủ (HTX Hoa lan Đất Thủ) để các thành viên trao đổi kinh nghiệm trong việc trồng hoa lan cũng như đưa ra các giải pháp để phát triển ngành trồng hoa lan Thủ Dầu Một.
HTX được thành lập nhằm phục vụ cho sự phát triển ngành nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao của TP.Thủ Dầu Một cũng như tỉnh Bình Dương. Các thành viên của HTX sẽ được tập huấn kỹ thuật trồng lan theo đúng quy trình để bảo đảm chất lượng hoa đồng đều, đạt năng suất cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và từng bước bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP để cung ứng cho thị trường các nước trong khu vực.
“Với việc được cấp nhãn hiệu tập thể hoa lan Đất Thủ và ra mắt HTX Hoa lan Đất Thủ đã khẳng định thương hiệu hoa lan của Bình Dương nói chung và của TP.Thủ Dầu Một nói riêng. Đây cũng là mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, giúp cho người trồng lan định hướng được sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao để sản xuất hoa lan có chất lượng, trước mắt đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và từng bước xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực”, ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân TP.Thủ Dầu Một cho biết./.
Theo: HOÀNG PHẠM
Nguồn: Báo Bình Dương