An Điển phát triển đàn bò từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân (01/04/2016)
Mô hình chăn nuôi bò vàng vỗ béo của anh Lê Văn Thành
Ấp An Mỹ xã An Điền, Bến Cát
Nhằm tạo điều kiện về vốn cho hội viên nông dân chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế gia đình. Từ một vài hộ chăn nuôi bò thịt trong lúc đầu, đến nay xã đã thành lập được 3 tổ hợp tác chăn nuôi bò có hơn 39 hộ hội viên nông dân tham gia Chương trình phát triển đàn bò thịt được hỗ trợ vốn của Hội Nông dân tỉnh Bình Dương 3 dự án chăn nuôi bò thịt với số tiền 990 triệu đồng. Với tổng số đàn bò có hiện nay hơn 100 con. Ngoài ra Hội còn được hỗ trợ vốn ủy thác ngân sách của UBND thị xã 1 tỷ đồng cho 20 hộ nuôi bò nuôi hơn 60 con bò. Hội Nông dân xã thường xuyên tích cực vận động hội viên nông dân chuyển đổi vật nuôi cây trồng, tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của Chương trình phát triển đàn trâu, bò tại địa phương; các chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh Bình Dương đã được Hội Nông dân phổ biến rộng rãi.
Qua các buổi tuyên truyền, các buổi tham quan thực tế các mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế của bà con nông dân trong và ngoài tỉnh, các mô hình chăn nuôi trên đã thu hút được sự đồng tình hưởng ứng đông đảo của hội viên nông dân, nhất là hiệu quả về kinh tế của các hộ chăn nuôi bò thịt tại địa phương, từ những hộ nghèo hộ khó khăn, nay đã từng bước vươn lên khá, giàu, có đời sống kinh tế phát triển, có thu nhập ổn định, có nhà cửa khang trang, có điều kiện nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn. Trong năm 2015 đã giúp được 15 hội viên nông dân thoát nghèo.
Điển hình như anh Lê Văn Thành ấp An Mỹ với suy nghĩ quyết tâm làm giàu trên đồng đất của quê hương mình. Tận dụng ưu thế đồng ruộng cỏ mọc quanh năm, anh xác định vật nuôi chính là bò góp phần tăng thu nhập và có phân bón cho cây trồng, năm 2013 được Hội Nông dân xã xét cho vay được 30.000.000 đồng từ vốn Quỹ hỗ trợ nông dân mua 1 con bò mẹ và 1 con bò con, với bản chất nông dân cần cù siêng năng và được Trạm Khuyến nông, Bảo vệ thực vật chuyển giao khoa học kỹ thuật nên bò sinh sản đẻ bò cái thì để làm giống. Bên cạnh đó đất gò trồng khoai mì anh chuyển sang trồng cao su để mang lại giá trị kinh tế, đến nay đàn bò nhà anh đã tăng lên 9 con bò vàng: Tổng thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi sau khi trừ chi phí đạt hơn 200 triệu đồng/năm. Cuộc sống của gia đình anh ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Ngoài ra hàng năm Hội phối hợp với Trạm Thú y tổ chức 12 lớp với hơn 200 lượt hội viên tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc, về phòng trị bệnh lở mồm long móng trên bò. Từ đó các hộ hội viên nông dân có kiến thức biết kiểm tra, biết những biểu hiện mầm bệnh trên đàn bò kịp thời điều trị, nên hàng năm các hộ chăn nuôi bò thịt đều đạt hiệu quả kinh tế cao, có thu nhập ổn định, góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn xã, nhất là giải quyết tốt việc làm cho người lao động.
Tính từ năm 2016, toàn xã đã vận động được trên 100 triệu đồng cho Quỹ Hỗ trợ Nông dân và được ủy thác trên 1 tỷ đồng từ nguồn trung ương và tỉnh Hội đầu tư xây dựng 20 mô hình, dự án trên 200 hộ vay.
Việc vay vốn thực hiện dự án đã tạo niềm tin cho cho cán bộ, hội viên nông dân, thu hút nhiều hội viên tham gia. Định kỳ hàng tháng các tổ vay vốn dự án duy trì sinh hoạt tổ, nội dung sinh hoạt phong phú, đây là cơ hội để hộ vay để trao đổi, học tập, truyền đạt các kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống, tìm đầu ra cho sản phẩm... lấy lợi ích kinh tế làm động lực để tập hợp đông đảo nông dân vào Hội, nâng cao chất lượng hoạt động chi, tổ hội, góp phần xây dựng Hội vững mạnh. Trong thời gian tới, Hội Nông dân sẽ tập trung xây dựng, phát triển các dự án, mô hình điểm sử dụng hiệu quả nguồn vốn quỹ; tăng cường học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý quỹ, quan tâm đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn quỹ để mang lại hiệu quả thiết thực hơn trong hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế./.
Hàn Thuyên