LÀM GIÀU TỪ MÔ HÌNH KẾT HỢP (28/01/2015)
LÀM GIÀU TỪ MÔ HÌNH KẾT HỢP
Phường Vĩnh Phú được xem là "Cái nôi" của nghề nuôi cá bởi địa phương có dòng sông Sài Gòn chảy qua cung cấp nước ngọt quanh năm, nông dân biết tận dụng diện tích mặt nước mương vườn sẵn có và đầu tư đào ao nuôi cá các loại, trong đó chủ lực là con cá tai tượng có giá thành hấp dẫn, ít tiêu tốn thức ăn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ phong trào nuôi cá, đã xuất hiện nhiều điển hình nông dân sản xuất giỏi nuôi cá làm giàu, trong số này có ông Nguyễn Văn Vân, 58 tuổi là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương có thu nhập hàng năm trên 500 triệu đồng.
Là người có thâm niên hơn 14 năm gắn bó với nghề nuôi cá, nên ông Vân rất am hiểu và nắm vững kỹ thuật nuôi cá, đặc biệt là nuôi Tai Tượng. Từ quan niệm "Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo", năm 2000, ông Vân từng nuôi các loại cá tra, trê lai kết hợp chăn nuôi heo nhưng do giá cả bấp bênh không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2003, ông bắt đầu chuyển sang nuôi cá tai tượng. Hiện tại, với diện tích mặt nước khoảng 3.000m2, trung bình mỗi vụ nuôi, ông thu được hơn 20 tấn cá thương phẩm. Với giá bán từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, mỗi vụ nuôi (khoảng 2 năm), cho thu nhập gần 700 triệu đồng, trừ chi phí ông còn lãi trên dưới 50%.
Để tăng hiệu quả sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, gần đây ông áp dụng mô hình nuôi cá tai tượng. Ông Vân cho biết, năm 2002, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân phường Vĩnh Phú, ông bắt tay đầu tư con giống thả nuôi cá tai tượng. Trên diện tích 3.000 m2 mặt nước, với 6 ao (mỗi ao từ 300-500 m2 mặt nước), ông thả nuôi 20.000 con cá tai tượng giống, kết hợp với cá sặc rằn. Cá được nuôi theo hai giai đoạn gồm: Ao nhỏ ông thả cá giống ương nuôi khoảng 8-10 tháng để cá đạt trọng lượng khoảng 0,3 - 0,5 kg/con rồi tiếp tục san qua ao lớn nuôi đến đạt kích cỡ thương phẩm. Mật độ thả từ 7-10 con/m2 (ghép thêm cá sặc rằn để giúp ổn định môi trường nước). Đến nay, cá đã đạt trọng lượng khoảng 1kg/con và chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch.
Ông Vân chia sẻ để nuôi loài cá này đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt theo qui trình từ khâu chọn lọc con giống, thức ăn, mật độ thả mà ông đã nghiên cứu trên sách báo. Nuôi cá theo mô hình này, mỗi ngày phải có sổ sách ghi chép về liều lượng thức ăn trong ngày, các chế phẩm theo dõi xử lý ao, lượng rau cho cá ăn hàng ngày. Theo ông Vân nuôi cá tai tượng có nhiều ưu điểm hơn so với cách nuôi truyền thống lồng ghép với chuồng trại trước đây là bảo vệ được nguồn nước không bị ô nhiễm, quản lý được dịch bệnh trên đàn cá nuôi và hơn hết là cung cấp sản phẩm "sạch" cho người tiêu dùng. Hiện nay, ngoài nuôi cá, trên diện tích 3000 m2 đất vườn, để tăng thêm thu nhập, ông Vân còn kết hợp trồng cây mai vàng, ông hướng dẫn chúng tôi tham quan chung quanh vườn nhà ông, không có cây gì khác ngoài cây mai vàng. Lớp cây con mới trồng và cây 5-7 tháng tuổi được ông chăm chút chu đáo, tạo dáng (gốc, rễ) tất cả đều thành hình và uốn cành cho ra vóc. Còn cây lớn táng cao từ 1,8 m đến 2 m, ông đem vô chậu nuôi dưỡng chuẩn bị xuất bán. Cũng theo ông, Tết Giáp Ngọ (2014) ông tham gia chợ Xuân tại thị xã thuận An gian hàng với 200 chậu mai kiểng bon-sai, kết quả là bán hết, cây bán giá thấp nhất là 5 triệu, cây giá cao nhất là 15 triệu đồng, tổng thu 450 triệu đồng. Lúc rảnh, ông đi "sưu tầm" mai, mua về chăm sóc, chính vì vậy mà vườn mai của ông lúc nào cũng đầy ắp, rất phong phú và đa dạng. Mai kiểng là thú vui tao nhã, nhưng giá trị kinh tế rất "vô giá", nhờ biết cách chăn nuôi kết hợp trồng mai vàng, thu nhập của ông mỗi năm tổng thu nhập khoàng 1.500 triệu đồng sau khi trừ chi phí ông ước tính lãi trên 500 triệu đồng/năm.
Mô hình của ông Võ Văn Vân đang được nhiều nông dân ở địa phương học hỏi, nhằm đa dạng hoá sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới làm giàu ở vùng đất Vĩnh Phú. Ông Vân nhiều năm liền được công nhận là "Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi" cấp tỉnh và được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ hợp tác cá Tai Tượng phường Vỉnh Phú./.
Như Ngọc