Chào mừng Hội nghị Tổng kết Biểu dương Nông dân SXKD giỏi tỉnh Bình Dương lần thứ VII giai đoạn (2012-2014) (31/10/2014)
Hiệu quả từ mô hình nuôi lươn không bùn sử dụng thức ăn công nghiệp
Để góp phần tạo cho môi trường trong sạch, không gây ô nhiễm; đặc biệt, góp phần vào thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chung tay xây dựng nông thôn mới. Được sự hỗ trợ vốn từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Dương, nhiều nông dân ở xã An Sơn, thị xã Thuận An đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi lươn không bùn cho giá trị kinh tế cao.
Trước đây, nếu muốn nuôi lươn thịt trong các hồ xi măng thì phải vét bùn dưới kênh rạch hoặc sử dụng thân cây chuối cho vào hồ nuôi để làm nơi trú ngụ của lươn. Với cách nuôi này, khu vực bể nuôi lươn luôn bốc mùi tanh hôi gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Anh Lê Đình Ngọc Sơn ở ấp Phú Hưng xã An Sơn là người tiên phong nuôi lươn không bùn đầu tiên ở xã An Sơn. Trước đây anh Sơn đầu tư chăn nuôi heo nhưng hiệu quả không cao do giá cả không ổn định hay bị dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường. Cũng trong thời gian này anh Sơn đã đi tham quan nhiều nơi để tìm kiếm, học hỏi nhiều mô hình chăn nuôi mới. Sau nhiều chuyến tham quan học tập kinh nghiệm anh đã mạnh dạn chọn mô hình nuôi lươn không bùn để đầu tư. Tận dụng những dãy chuồng heo sẵn có anh Sơn đã sửa chữa cải tạo lại để nuôi lươn vừa tiết kiệm vốn đầu tư xây dựng bể nuôi, vừa tận dụng mặt bằng và cơ sở hạ tầng sẵn có. Hồ nuôi lươn được lót gạch tàu, các vách tường xung quanh cũng được lát gạch tàu nhưng chỉ lát gạch từ nền chuồng lên 40cm. Nền chuồng được thiết kế lại để tạo độ dốc nghiêng về một góc chuồng, tại vị trí thấp nhất anh đặt một cống thoát nước để dễ dàng thay nước cho lươn. Để tạo nơi trú ngụ cho lươn anh đóng các tấm vạt bằng tre có hình dáng như vạt giường ngủ, kích thước mỗi tấm vạt là 1,2m x 1,2m các thanh tre trên tấm vạt cách nhau khoảng 10cm. Cứ 3 tấm vạt chồng lên nhau và mỗi tấm vạt kê cách nhau 5cm sẽ được cho vào hồ để lươn chui rúc vào. Các thanh tre của tấm vạt trên cùng được chằng buột bằng các sợi dây nylon song song với nhau và cách nhau từ 3 – 5cm. Các sợi dây nylon này là nơi đặt thức ăn cho lươn, mỗi ngày cho lươn ăn một lần vào một giờ nhất định, lượng thức ăn khoảng 3-5% trọng lượng đàn lươn, lúc đầu cho ăn ít để thức ăn không dư thừa làm ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng nước, sau đó sẽ điều chỉnh lại lượng thức ăn cho phù hợp. Sau khi lươn ăn xong, khoảng 2-3 giờ sau sẽ thay nước cho lươn bằng cách tháo nước cũ trong hồ ra (không nên thay nước sớm vì sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa của lươn), cấp nước mới vào, nguồn nước cấp vào có thể từ nước sông hoặc nước giếng, nước cung cấp cho bể nuôi phải sạch, không nhiễm khuẩn để tránh lây lan mầm bệnh cho lươn. Trong quá trình nuôi, cần thường xuyên theo dõi kịp thời phát hiện các cá thể lươn bị bệnh để tách riêng xử lý.Khi lươn bị bệnh nó thường tách đàn nằm riêng, bơi lội chậm chạp, lờ đờ và da lươn chuyển sang màu nhợt không giống màu sắc các cá thể lươn khỏe. Mực nước trong hồ duy trì khoảng 30 cm là vừa. Phần lớn lươn chui rúc vào các tấm vạt tre, một số khác phân bố rải rác trong hồ.
Anh Sơn cho biết nuôi lươn theo phương pháp này mật độ nuôi khoảng 100kg lươn giống cho 6m2 nền hồ, mỗi kg lươn giống khoảng 30 con. Khi còn nhỏ phải tách lươn cùng kích thước nuôi chung hồ để khả năng tranh mồi như nhau giúp cho lươn phát triển đồng đều và dễ dàng chăm sóc. Sau 5 đến 6 tháng nuôi sẽ thu hoạch lươn bán thịt. Mỗi kg thịt lươn cần phải tiêu tốn 1,5 kg thức ăn công nghiệp, trung bình nếu nuôi 100kg lươn giống sẽ cho thu hoạch được 700kg lươn thịt. Ông Sơn cho biết đợt nuôi vừa qua giá lươn giống ông mua là 270.000 đồng một kg và khi xuất bán giá lươn thịt là 130.000đ/kg, sau khi trừ đi các chi phí còn lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng. Chia sẻ kinh nghiệm và tính hiệu quả của cách nuôi lươn không bùn, anh Sơn cho biết, mô hình nuôi lươn này cho phép một năm có 2 lần thu hoạch. Để có những con lươn khỏe mạnh, khâu quan trọng nhất là chọn giống. Anh Sơn cho biết thêm bên cạnh việc chọn giống, nguồn nước sạch cũng là một yêu cầu quan trọng vì nếu để nước bẩn, có mùi hôi, lươn sẽ bị nhiễm khuẩn và chết. Trong quá trình chăm sóc, cũng cần phát hiện, phân loại lươn bệnh. Những con bị bệnh thường nằm riêng một mình hay trên mình xuất hiện những đốm đỏ nhỏ… Ngoài ra, nuôi lươn cũng cần cho ăn đúng giờ; thức ăn của lươn đa số người nuôi đều sử dụng cá tạp xay nhỏ nhưng anh Sơn sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Khi chúng tôi hỏi: “Được biết, anh đã sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi lươn, tại sao anh lại chọn phương pháp này? Những lợi ích của việc cho ăn thức ăn công nghiệp này như thế nào?” Anh Sơn chia sẻ: “Trước kia tôi nuôi lươn cũng thường cho ăn thức ăn chính là cá tạp xay nhuyễn, nhưng sau 1 vụ nuôi tôi nhận thấy nguồn cá tạp giá cả không ổn định và có những lúc cá tạp khan hiếm nên tôi quyết định cho lươn ăn thức ăn công nghiệp. Thức ăn công nghiệp có những lợi ích là giá cả và nguồn hàng ổn định, không gây ô nhiễm môi trường, không cần phải mua tủ đông, không cần phải mua máy xay nên không phải tốn thêm chi phí tiền điện. Đặc biệt là giá đầu vào của thức ăn công nghiệp thấp hơn so với thức ăn tươi sống sẽ làm giảm chi phí thức ăn và tăng lợi nhuận khi thu hoạch”. Một khi nắm vững kỹ thuật nuôi lươn không bùn cho ăn bằng thức ăn công nghiệp thì đây là một mô hình chăn nuôi cho giá trị kinh tế cao cần nhân rộng trong thời gian tới./.
Nguyễn Thành Thơm