Ngày Pháp luật đầu tiên để lại nhiều ấn tượng sâu sắc (11/04/2014)
Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam đầu tiên đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trọng thể công bố trên kênh truyền hình quốc gia tối 8/11 thực sự là nguồn động lực khích lệ tinh thần cán bộ, công chức, viên chức và mọi người dân về một xã hội thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.
Báo PLVN tiếp tục ghi nhận ý kiến của các Luật gia, Luật sư, Chánh án.... về Ngày Pháp luật.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến - Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia TP.Hà Nội: “Chúng tôi đã triển khai mạnh mẽ và sâu rộng về Ngày Pháp luật”
“Ngày Pháp luật là một sự kiện pháp lý quan trọng. Từ năm 2010 đến nay, theo chủ trương của thành phố Hà Nội, chúng tôi đã lấy ngày 11 hàng tháng là ngày phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đội ngũ cán bộ, công chức. Chúng tôi vẫn nói rằng, không chỉ duy nhất một ngày trong tháng mà tiến tới mọi ngày đều là ngày học tập, bồi dưỡng các kiến thức pháp luật.
Khi Luật PBGDPL được thông qua, Hội Luật gia Hà Nội đã bắt đầu có kế hoạch triển khai sâu rộng về Ngày Pháp luật. Hiện tại, chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tư vấn viên các Quận hội, các Chi hội Luật gia nội dung Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về Ngày Pháp luật.
Các Quận hội Luật gia, Chi hội cơ sở sau đó sẽ tiếp tục triển khai ở cơ sở mình. Điểm khác biệt cơ bản là trước kia Ngày Pháp luật chỉ bó hẹp trong việc tổ chức học tập pháp luật, PBDGPL cho đội ngũ cán bộ công chức thì nay chúng tôi sẽ tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân”.
Ông Nông Đức Toàn - Chánh án TAND tỉnh Hà Giang: “Có Ngày pháp luật sẽ “nâng tầm” hoạt động tuyên truyền PBGDPL lên rất nhiều”
“Tuyên truyền PBGDPL là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của toàn xã hội, đặc biệt là những ngành công tác chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật. Phải khẳng định rằng, những năm qua dù chưa có Ngày Pháp luật nhưng TAND tỉnh Hà Giang đã rất nỗ lực trong việc tuyên truyền PBGDPL sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn bản vùng rẻo cao, vùng sâu trình độ hiểu biết pháp luật còn hết sức hạn chế và không đồng đều.
Thông qua việc tổ chức các phiên tòa lưu động tại địa bàn xảy ra tội phạm, Hội đồng xét xử không chỉ trừng trị tội phạm mà còn chú trọng việc nâng cao tác dụng giáo dục phòng ngừa, lồng ghép việc tuyên truyền pháp luật đến các tầng lớp nhân dân. Nhiều tòa án địa phương đã mạnh dạn tổ chức các phiên tòa lưu động tại các phiên chợ, các sân vận động thu hút hàng ngàn người dân tham dự.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất chú trọng tới việc tập huấn cho đội ngũ Hội thẩm nhân dân. Với lợi thế “sát dân, gần cơ sở”, các Hội thẩm nhân dân chính là các tuyên truyền viên pháp luật đắc lực trong việc giải đáp các vướng mắc pháp luật trong cộng đồng dân cư. Tóm lại, từ khi Ngày Pháp luật, chưa được luật hóa thì chúng tôi đã làm rất tốt, rất hiệu quả việc tuyên truyền PBGDPL, nay có Ngày Pháp luật, chắc chắn sẽ được nâng tầm quan trọng và hiệu quả hơn rất nhiều”.
“Mong muốn người dân sẽ được hưởng lợi về Ngày Pháp luật”
“Mục đích sâu xa và cao cả nhất của Ngày Pháp luật chính là xây dựng được một xã hội thượng tôn pháp luật. Làm được như vậy, đương nhiên toàn xã hội được hưởng lợi, mỗi người dân đều được hưởng lợi. Nhưng cái lợi đó có vẻ như quá lớn lao, trừu tượng trong khi quyền lợi đối với mỗi người dân lại cụ thể, hữu hình. Bởi vậy, tôi mong muốn Ngày Pháp luật phải đem đến cho người dân một lợi ích đơn giản nhưng thực sự thiết thực.
Chẳng hạn, tiến tới Ngày Pháp luật hàng năm người dân sẽ được hưởng một ngày hoặc một tuần lễ tư vấn pháp luật hoàn toàn miễn phí tại các điểm tư vấn. Việc này hoàn toàn có thể làm được vì bên cạnh chính quyền cơ sở, các cơ quan pháp luật thì chúng ta còn có một đội ngũ Luật gia, Luật sư tương đối hùng hậu, sẵn sàng đứng ra tư vấn miễn phí. Ai có vướng mắc về pháp luật sẽ được trợ giúp tận tình, ai cần văn bản pháp luật nào sẽ được cung cấp miễn phí. Được như thế, chắc chắn người dân sẽ hào hứng, phấn khởi hơn”.
Luật gia Lê Đình Can - nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương: “Ngày Pháp luật nối dài đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật tự nguyện”
“Từ khi nghỉ hưu, tôi có tham gia công tác ở địa phương, khi đi làm việc hoặc đi tiếp xúc cử tri tôi đều công khai số điện thoại di động và số điện thoại nhà riêng để sẵn sàng tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân. Tôi thấy rằng có rất nhiều người dân được tôi tư vấn miễn phí, hiểu ra vấn đề đã thật thà bộc bạch rằng họ từng mày mò nghiên cứu nhưng không dễ hiểu, dễ nắm bắt bằng việc được một người thông thạo về pháp luật phổ biến pháp luật qua phương pháp “truyền miệng”.
Đơn giản vậy nhưng lại nâng ý thức pháp luật cho người dân lên rất nhiều. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi mong muốn trong cộng đồng dân cư chúng ta có thêm nhiều tuyên truyền viên pháp luật tự nguyện như thế”.
Nguyễn Lê
Theo Phapluatonline