Mặc dù Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã có yêu cầu các doanh nghiệp lớn phải đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg và các doanh nghiệp cũng đều đồng tình nhưng thực tế mấy ngày qua, giá lợn hơi ở nhiều địa phương vẫn khá cao.
Trước tình hình đó, đại diện ba Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Tài chính đã họp bàn giải pháp kiểm soát giá thịt lợn và đảm bảo cân đối cung cầu mặt hàng này.
Có thể thấy rất rõ, giá thịt lợn tăng cao từ tháng 12/2019 đã ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho biết, liên tục từ tháng 7/2019 cho đến tháng 1/2020, giá thịt lợn liên tục tăng, thời điểm cao nhất bắt đầu từ các tháng 10, 11, 12 kéo theo chỉ số giá tiêu dùng CPI ở mức cao.
|
Người dân mua thịt heo tại một siêu thị ở Cần Thơ. Ảnh: I.T |
Cụ thể, CPI tháng 12 năm 2019 lên tới 1,4%; CPI tháng 1 lên đến 1,23% trong khi cả năm chỉ có 4%. "Tháng 6/2019, giá lợn hơi chỉ ở mức 40.000 đồng/kg nên giá thịt lợn ba chỉ loại ngon cũng chỉ từ 100.000- 110.000 đồng/kg. Thế nhưng hiện nay, giá thịt lợn ba chỉ của nhiều doanh nghiệp bán tại siêu thị trên 200.000 đồng/kg, ngoài chợ bán lẻ là 150.000- 160.000 đồng/kg" - bà Ngọc dẫn chứng.
Trong khi đó, theo tính toán, chi phí sản xuất chỉ ở mức 45.000 đồng/kg. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, vừa qua đoàn liên ngành có đi kiểm tra thực tế tại một số doanh nghiệp cho thấy, dù ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, chi phí sản xuất có cao hơn nhưng bình quân giá thành vào khoảng 45.000 đồng/kg, với giá bán 72.000 đồng/kg thì doanh nghiệp đang lãi 2 triệu đồng/con.
"Nhìn rõ giá thành, các khâu trung gian như thế, tại sao khi đến tay người tiêu dùng giá chênh lệch như vậy. Vì mặt hàng này không thuộc diện bình ổn theo Luật giá, cũng không phải mặt hàng kê khai giá nên doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm. Các Bộ nên có giải pháp quản lý về giá, để không những có sự chia sẻ về lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của người dân mà còn là ổn định kinh tế vĩ mô" - bà Ngọc đề xuất.
Ông Hoàng Anh Tuấn cũng kiến nghị đưa mặt hàng thịt lợn vào trong mặt hàng bình ổn giá theo Luật giá. Sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, căn cứ vào chi phí, đưa ra một mức giá, nếu dịch bệnh giá tăng lên bao nhiêu thì chúng ta mới điều hành.
"Mặt hàng thịt lợn cơ bản chiếm gần 60% trong thực phẩm, là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng CPI, vấn đề lạm phát" - ông Tuấn nói.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá thịt lợn giảm 10% ngay trong tháng 2 sẽ giúp chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 2 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 5,67%, và CPI bình quân cả năm ở mức 4,59%. Trong trường hợp giá thịt lợn giảm thêm từ 8- 10% trong tháng 3 sẽ giúp CPI bình quân cả năm ở mức 4,22%.
Để thực hiện được mục tiêu này, các bộ, ngành chức năng cần làm tốt các biện pháp điều hành cung - cầu giúp giá lợn hơi giảm về mức 60.000 - 65.000 đồng/kg, các tháng tiếp theo giá bình ổn hoặc tiếp tục giảm về mức 45.000 - 50.000 đồng/kg, mức bình thường trước khi có dịch tả lợn Châu Phi, tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khâu phân phối, bán lẻ.
Trước mắt, cần triển khai ngay và quyết liệt hơn các biện pháp đã được Chính phủ chỉ đạo để điều hành cung cầu kéo mặt bằng giá thịt lợn giảm ngay trong tháng 2 và tháng 3.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực chung tay cùng Chính phủ giảm giá thịt lợn nhưng vẫn có doanh nghiệp đang “neo giá” ở mức cao.
"Vì vậy, ngoài đôn đốc các địa phương tập trung tái đàn để bình ổn giá thịt lợn, giảm chỉ số tiêu dùng theo tinh thần các văn bản, Chỉ thị, Nghị quyết 100 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 85 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, sẽ tiếp tục có các văn bản yêu cầu doanh nghiệp tham gia bình ổn giá thịt lợn" - ông Tiến nói.
Đối với Bộ Công Thương, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, kết nối với các Tham tán thương mại ở nước ngoài tìm kiếm nguồn nhập khẩu hiệu quả để cung ứng nhu cầu trong nước.
Theo đề xuất của Tổng cục Thống kê, đề nghị quản lý thị trường tiếp tục siết chặt các tỉnh biên giới, xem xét hệ thống phân phối để huy động toàn lực tham gia.
Đề nghị Tổng cục Thống kê phối hợp với Cục Chăn nuôi thống kê sát hơn với thực tế để phục vụ công tác điều hành bằng cơ chế chính sách.
Theo kế hoạch, dự kiến vào cuối tuần này các Bộ NN&PTNT, Công Thương, Tổng cục Thống kê sẽ báo cáo tham mưu Chính phủ về những giải pháp trước mắt và lâu dài để bình ổn giá thịt lợn.
Nguồn:hoinongdan.org.vn