Giá dưa hấu chỉ còn 1.000 đồng/kg (03/02/2020)
Giá dưa hấu chỉ còn 1.000 đồng/kg
Đang thời điểm nông dân thu hoạch rộ dưa hấu thì cửa khẩu các tỉnh biên giới đều đóng, do Trung Quốc tạm dừng toàn bộ hoạt động giao thương để tập trung xử lý bệnh dịch do virus Corona mới gây ra.
|
Nông dân đau khổ vì dưa hấu chín đầy ruộng nhưng không tiêu thụ được do Trung Quốc đóng cửa khẩu.
|
Sự thể này đã khiến dưa hấu tắc đường sang Trung Quốc, giá bán nội địa chỉ còn 1.000đ/kg mà sức mua rất yếu. Hàng ngàn hecta dưa hấu của nông dân miền Trung và Tây Nguyên đứng trước nguy cơ chết nẫu ngoài ruộng vì nông dân sẽ không thu hoạch.
Dưa hấu tắc đường sang Trung Quốc
Tối mùng 2 tết (26/1), ông Lê Đình Chiến ở Diên Khánh (Khánh Hòa), một thương lái lớn chuyên thu mua dưa hấu cung ứng cho thị trường Trung Quốc, đưa 7 chiếc xe tải chở gần 200 tấn dưa lên đường hướng về cửa khẩu Tân Thanh. Những chuyến xe dưa chạy gần đến Hà Nội thì ông Chiến “ngã ngửa” khi nhận được thông tin từ bạn hàng Trung Quốc là cửa khẩu đã đóng.
Lòng ông Chiến như có lửa đốt, vì sợ gần 200 tấn dưa của mình không tiêu thụ được, thối hết trên xe. Cũng may, nhờ có thâm niên trong nghề nên ngoài thị trường Trung Quốc, ông Chiến còn có nhiều bạn hàng ở các tỉnh miền Bắc.
Nhờ đó, ông bán được tại tỉnh Hải Dương 3 xe, tại Vĩnh Phúc 2 xe và tại Nam Định 1 xe. Còn lại 1 xe 24 tấn dưa, ông Chiến đành cho quay ngược về bán lẻ tại tỉnh Ninh Thuận chấp nhận lỗ to.
“Tôi mua dưa tại ruộng của nông dân với giá 4.500đ/kg. Khi biết dưa không qua Trung Quốc được vì cửa khẩu đã đóng, do là bạn hàng lâu năm nên sau đó các chủ ruộng dưa bớt giá cho tôi chỉ còn 3.000đ/kg. Cộng thêm chi phí vận chuyển, giá thành 1kg dưa hấu ra đến Hà Nội tăng lên 3.500đ/kg.
Thế nhưng 6 xe dưa bán đổ bán tháo tại các tỉnh miền Bắc chỉ với giá 3.000đ/kg, nên tôi lỗ đứt tiền vận chuyển. Còn xe dưa 24 tấn chở ngược về Ninh Thuận bán vừa bị lỗ 2 lần tiền vận chuyển vừa bị lỗ giá, vì chỉ bán được có 1.000đ/kg, vậy mà cũng chẳng ai mua.
Ngày mùng 5 tết, tôi bán từ sáng đến chiều mà chỉ được 7 – 8 tấn, còn khoảng hơn 15 tấn qua hôm sau chở đi nơi khác bán tiếp”, ông Chiến than thở. Chuyến hàng đầu năm mới, chỉ tính mỗi ký dưa ông Chiến lỗ 5.000đ, với 200.000kg (200 tấn) dưa, ông Chiến đã lỗ đứt 1 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn Nam, 1 tài xế ở thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân (huyện Phù Cát, Bình Định) chuyên chở dưa sang thị trường Trung Quốc, cho biết: “Nếu chuyến nào thị trường Trung Quốc trục trặc thì chủ dưa thường cho xe quay về Hải Dương để bán.
Ở Hải Dương có chợ đầu mối thu mua dưa mạnh nhất miền Bắc, nhưng tiêu thụ cũng chẳng bao nhiêu. Một xe chở 24 tấn dưa phải “neo” tại bãi xe Hải Dương 2 – 3 ngày mới bán hết hàng. Bởi mỗi ngày thương lái chỉ đến mua 1 xe tải nhỏ chở đi bán hết mới quay lại mua tiếp”.
Không chỉ có dưa hấu, người trồng thanh long ở Bình Thuận cũng đang điêu đứng vì Trung Quốc đóng cửa khẩu. “Ông anh họ cùng quê với tôi là tài xế xe lạnh chuyên chở thanh long ở Bình Thuận sang Trung Quốc, hôm mùng 4 tết anh ấy đón xe đò vào Bình Thuận để chở chuyến hàng đầu năm, vừa đến nơi đã phải đón xe quay về vì thương lái không đi nữa, bởi cửa khẩu đã đóng”, tài xế Nguyễn Văn Nam cho biết thêm.
Hàng ngàn hecta dưa hấu nguy cơ thối nẫu ngoài ruộng
Theo thương lái Lê Đình Chiến, thời điểm trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, dưa hấu ở các xã Ia Lâu, Ia Hlốp và Ia Mơr thuộc huyện Chư Prông (Gia Lai) đã thu hoạch xong. Qua tết, trong tháng Giêng này, đến lượt dưa ở Phú Bổn, Phú Túc (Gia Lai) và dưa ở huyện Sông Hinh (Phú Yên) thu hoạch rộ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng khu vực Đông Gia Lai gồm các huyện Kông Chro, Đăk Pơ, Kbang và TX An Khê đã có đến 1.000ha trồng dưa hấu, hầu hết dưa hấu ở đây chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Còn các tỉnh miền Trung tỉnh nào cũng có cả ngàn hecta dưa hấu.
Vụ dưa năm nay thu hoạch chưa được bao nhiêu thì sự cố Trung Quốc tạm dừng toàn bộ hoạt động giao thương để tập trung xử lý bệnh dịch do virus Corona gây ra đã khiến người trồng dưa ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung điêu đứng. Hàng ngàn hecta dưa hấu đã đến kỳ thu hoạch đang đứng trước nguy cơ chết rục ngoài ruộng vì không tiêu thụ được.
|
Thương lái dừng không thu mua dưa hấu, nông dân hái dưa chất đống bán lẻ được đồng nào được.
|
“Theo thông báo của bạn hàng của tôi bên Trung Quốc, đến 16 tháng Giêng (9/2) cửa khẩu mới mở trở lại. Nói thì nói vậy chứ tình hình bệnh dịch do virus Corona đang diễn biến phức tạp, chưa chắc đến ngày ấy Trung Quốc đã mở cửa khẩu. Hơn nữa, nếu cửa khẩu mở thì chưa chắc đã có người đến mua bán. Kiểu này dưa hấu còn bế tắc dài dài!”, ông Lê Đình Chiến lo lắng.
Trong khi đó, nếu dưa hấu đến khi thu hoạch mà không được cắt thì sẽ bị thối nẫu ngoài ruộng. Theo ông Trần Tiến Lãng, cán bộ Cty TNHH Thương mại Trang Nông – Chi nhánh Nha Trang (Khánh Hòa), sau khi xuống giống từ 55 – 60 ngày thì dưa hấu đã chín. Trong thời tiết rét lạnh thì thời điểm thu hoạch có thể kéo dài thêm 5 – 10 ngày nữa. Nếu đến thời điểm thu hoạch mà nông dân không cắt là dưa sẽ hư hỏng hết.
“Khi lá dưa hấu đã khô và rụng hết, quả dưa sẽ hấp thụ hết lượng nước từ đất. Tại thời điểm ấy, nếu nơi quả dưa tiếp giáp với mặt đất chỉ bị 1 vết sẹo nhỏ thôi thì nơi đó sẽ nhanh chóng bị úng và vết úng lan rất nhanh, quả dưa sẽ bị thối tại ruộng”, ông Lãng cho hay.
Cũng theo ông Lãng, giống dưa hấu trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc nếu bán tại thị trường nội địa sẽ rất khó. Bởi, dưa hấu xuất khẩu vỏ rất dày nên có ruột nhỏ, ruột dưa lại có màu hồng nhạt chứ không đỏ và không có vị ngọt đậm như giống dưa trồng để bán nội địa.
Mua 1 quả dưa xuất khẩu về ăn đã không hợp khẩu vị, lại tốn cân vì vỏ dưa dày, nên không hợp thị hiếu của người tiêu dùng. Do đó, nếu thị trường Trung Quốc bị tắc thì người trồng dưa xuất khẩu sẽ “vỡ trận”, vì giá sẽ xuống rất thấp. Đến khi ấy người trồng sẽ bỏ dưa thối nũng ngoài ruộng, vì nếu thu hoạch thì tiền bán dưa không đủ trả tiền thuê công cắt dưa.
(Ông Trần Tiến Lãng)
|
Nguồn: www.hoinongdan.org.vn