Hội Nông dân Việt Nam: Thực hiện tốt “7 nhiệm vụ” để giám sát, phản biện xã hội (18/11/2019)
Giám sát và phản biện xã hội là yêu cầu khách quan, mang tính phổ biến trong việc tổ chức và vận hành quyền lực chính trị của các nhà nước dân chủ. Đó chính là những hoạt động của cá nhân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội tham gia vào một vấn đề, một chủ trương, chính sách nào đó của Đảng, Nhà nước nhằm làm cho chủ trương, chính sách đó ngày càng hoàn thiện trong thực tiễn, khắc phục tính xa rời thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo nên sự đồng thuận, phục vụ tốt hơn những vấn đề quốc kế, dân sinh; góp phần làm cho các cơ quan quyền lực nhà nước, các cơ quan Đảng khắc phục bệnh thành tích, quan liêu, cửa quyền; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Đồng chí Lương Quốc Đoàn ( ngoài cùng bên trái) thăm Mô hình trồng chanh leo của hộ ông Bùi Văn Quang ở TT. Tam Đường (Lai Châu). Ảnh: Minh Huệ
Nhận thức rõ vai trò của giám sát và phản biện xã hội, trong những năm gần đây, vấn đề giám sát và phản biện xã hội đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm nhằm xây dựng một Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực sự là của dân, do dân, vì dân; trong đó, Đảng ta rất coi trọng vai trò chủ thể giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội. Văn kiện Đại hội X của Đảng nêu: “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội”; Văn kiện Đại hội XI của Đảng tiếp tục đề ra nhiệm vụ “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả công tác cán bộ”… Và với việc ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã chính thức tin tưởng và giao trọng trách vai trò chủ thể giám sát và phản biện xã hội cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Trong các chủ thể giám sát và phản biện xã hội thì Hội Nông dân Việt Nam có vai trò rất quan trọng. Nước ta là nước có nền nông nghiệp lâu đời, Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của giai cấp nông dân. Vì vậy, phát huy tốt vai trò và năng lực giám sát, phản biện xã hội của Hội Nông dân Việt Nam sẽ góp phần to lớn vào việc theo dõi, phát hiện ra những sai sót, bất cập trong thực thi chính sách cũng như trong việc hoạch định các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời bãi bỏ, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những vấn đề do thực tiễn đặt ra, phù hợp với quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đây cũng là biện pháp quan trọng của Hội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân, qua đó củng cố niềm tin của giai cấp nông dân với Đảng, với Nhà nước, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội ở nông thôn.
Tuy công tác giám sát, phản biện xã hội của Hội Nông dân Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, song vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập; chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội chưa cao, chưa huy động đông đảo nông dân tham gia vào quá trình giám sát, phản biện xã hội. Việc phối hợp với các chủ thể giám sát, phản biện xã hội khác và tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học chưa được phát huy mạnh mẽ nên việc giám sát, phản biện xã hội đôi khi còn phiến diện, kém hiệu quả. Công tác giám sát, phản biện xã hội của Hội thông qua phương tiện báo, tạp chí và dư luận xã hội của Hội chưa được làm thường xuyên và quan tâm đúng mức.
Việc giám sát, phản biện xã hội của các cấp Hội còn bị động, chưa góp phần ngăn chặn ngay từ đầu những hành vi vi phạm của các đối tượng, chưa chủ động xác định nội dung giám sát, phản biện, phần lớn khi vụ việc xảy ra, các cấp Hội mới vào cuộc do vậy hiệu quả chưa cao; nhiều kiến nghị của Hội còn mang tính sự vụ, vụ việc nhỏ lẻ; việc góp ý, phản biện các chủ trương, chính sách còn chung chung, hình thức, góp ý chủ yếu là câu chữ, chưa có tầm chiến lược; việc theo dõi thực hiện sau giám sát và phản biện chưa được quan tâm.
Nhận thức của cán bộ Hội và thậm chí là của không ít cán bộ lãnh đạo Hội về chức năng, vai trò giám sát, phản biện xã hội của tổ chức Hội chưa đầy đủ, nhiều nơi lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội; chưa đưa ra được tiêu chí để lựa chọn nội dung phù hợp; một số nơi làm hình thức, thụ động; chưa quan tâm tập hợp ý kiến phản ánh, kiến nghị của nông dân, do vậy khả năng phát hiện vấn đề, năng lực phản biện, tỏ rõ chính kiến đối với hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền còn yếu kém hoặc thể hiện chưa rõ ràng.
Giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội là giám sát không chế tài, ràng buộc trách nhiệm trong khi Nhà nước chưa có quy định trách nhiệm của cơ quan được giám sát phản biện xã hội phải giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của các chủ thể giám sát, phản biện xã hội cho nên khâu thực hiện sau giám sát chưa cao. Kinh phí bảo đảm chi cho các hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn rất hạn chế, nhất là đối với cấp huyện và cấp cơ sở. Do vậy, rất khó khăn cho công tác tuyên truyền, tập huấn triển khai thực hiện.
Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu về công tác giám sát, phản biện xã hội và vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức đoàn thể chính trị trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền còn hạn chế, do vậy, chưa quan tâm đúng mức đến lãnh đạo và phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị tham gia giám sát, phản biện đối với những quyết sách lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, an ninh trật tự ở địa phương, đơn vị. Do vậy, có hiện tượng một số nơi chỉ coi các đoàn thể chính trị là ”công cụ nối dài” để triển khai thực hiện các quyết sách của các cấp có thẩm quyền mà xem nhẹ sự giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức này.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội trong thời gian tới, các cấp Hội cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, trong đó có vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của Hội Nông dân Việt Nam.
Thứ hai, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng tập huấn chuyên sâu cho cán bộ Hội các cấp hiểu rõ các quy định, quy trình, cách làm, cách tổ chức để hội viên, nông dân tham gia giám sát, phản biện xã hội. Gắn trách nhiệm cho mỗi cán bộ Hội phải thường xuyên theo dõi, nắm tình hình để thu thập, cung cấp thông tin thuộc lĩnh vực được phân công công tác.
Thứ ba, xây dựng quy định đưa các vấn đề giám sát, phản biện xã hội là nội dung sinh hoạt bắt buộc và thường xuyên của chi, tổ Hội. Định kỳ hàng năm, Hội cấp trên cử cán bộ Hội về sinh hoạt với chi, tổ Hội ít nhất 1 lần, hàng tháng có báo cáo tổng hợp tình hình tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của nông dân, về kết quả thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội ở địa phương. Tiếp tục phát huy vai trò của các chi tổ hội theo địa bàn dân cư và tích cực vận động nông dân tham gia vào hình thức tổ chức chi, tổ hội theo nghề nghiệp để nâng cao tính hấp dẫn, thu hút nông dân theo sở thích và nhu cầu thiết thực của họ.
Thứ tư, Báo Nông thôn Ngày nay, Tạp chí Nông thôn Mới chủ động và phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách để thực hiện việc lấy ý kiến phản biện của nhân dân. Đưa tin nhanh nhạy, kịp thời những vấn đề nóng bỏng, bức xúc mà Đảng và Nhà nước cũng như người dân quan tâm nhất, như tình trạng cán bộ, đảng viên quan liêu, xa dân, lạm quyền, suy thoái xâm hại lợi ích của người dân hoặc những chính sách chưa mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân…
Thứ năm, tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo Điều lệ và nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; lấy chất lượng công tác kiểm tra theo điều lệ và nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội làm một trong các tiêu chí nhận xét đánh giá, xếp loại hàng năm của các địa phương, đơn vị; có biện pháp kiểm điểm đối với những địa phương, đơn vị để xảy ra những vụ việc bức xúc mà không kịp thời phát hiện và báo cáo lên cấp trên.
Thứ sáu, phối hợp công tác giám sát, phản biện xã hội với công tác góp ý xây dựng Đảng, chính quyền gắn với quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng để tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ đảng viên, bảo đảm cho cán bộ, đảng viên và các cơ quan Nhà nước tuân thủ đúng pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ, qua đó, quyền lợi và lợi ích chính đáng của nhân dân mới được bảo đảm.
Thứ bảy, phối kết hợp với các chủ thể giám sát khác để thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ giám sát phản biện của mình; đồng thời, tăng cường giám sát vụ việc qua giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của hội viên và nhân dân và giám sát việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với đơn thư khiếu nại, tố cáo và các kiến nghị, đề xuất, kết luận sau kiểm tra, thanh tra, giám sát.
Nguồn: http://www.hoinongdan.org.vn/