Tích cực hỗ trợ, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi sau Dịch tả heo châu Phi (29/07/2019)
Tích cực hỗ trợ, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi sau Dịch tả heo châu Phi
Chiều 25-7, ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh khóa IX, trong đó tập trung vào công tác hỗ trợ, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi, phục hồi đàn heo sau bệnh Dịch tả heo châu Phi và quá trình phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.
Hỗ trợ 333 tỷ đồng cho người chăn nuôi heo
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Tổ đại biểu thị xã Bến Cát) đề cập, hiện nay, số lượng hộ và trại chăn nuôi có heo chết bất thường buộc phải tiêu hủy do phát sinh bệnh Dịch tả heo châu Phi (DTHCP) trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở NNPTNT về các biện pháp, chính sách của tỉnh nhằm hỗ trợ, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi, phục hồi đàn heo sau dịch bệnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Tổ đại biểu thị xã Bến Cát) chất vấn Giám đốc Sở NNPTNT
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nhung, ông Phạm Văn Bông – Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, tính đến 16 giờ ngày 21/7/2019, trên địa bàn tỉnh có hiện tượng heo chết bất thường ở 679 hộ/trại chăn nuôi của 49 xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố (ngoại trừ huyện Dầu Tiếng) với tổng số heo chết và buộc phải tiêu hủy là trên 40.000 con chiếm 6,6% tổng đàn heo.
Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT trả lời chất vấn
Mặc dù Sở và các cơ quan chức năng đã nghiêm túc, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống DTHCP từ khi bệnh mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng bệnh DTHCP vẫn phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân là do tỉnh nằm giữa 2 tỉnh đã xuất hiện bệnh DTHCP trước đó là Đồng Nai, Bình Phước, có tuyến đường Quốc lộ 13 và Quốc lộ 14 đi ngang qua với nhiều phương tiện vận chuyển hàng hóa, động vật; tỉnh có mật độ chăn nuôi heo với số lượng lớn; hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ heo của các thương lái diễn ra thường xuyên dưới nhiều hình thức; vi rút gây ra bệnh DTHCP có sức đề kháng cao trong môi trường…
Trước nhận định về sự nguy hiểm của dịch bệnh, UBND tỉnh đã bố trí nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (bao gồm hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi) với tổng dự toán kinh phí là 333 tỷ đồng. Hiện tỉnh Bình Dương chưa sử dụng nguồn ngân sách Trung ương trong công tác phòng, chống bệnh DTHCP. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã giải ngân được ngoài 30 tỷ đồng. Riêng Sở NNPTNT đã được UBND tỉnh bổ sung kinh phí không thực hiện chế độ tự chủ ngoài dự toán năm 2019 với dự toán 2 tỷ 254 triệu đồng để thực hiện công tác phòng, chống bệnh DTHCP trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2019. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng được Bộ NNPTNT xuất cấp không thu tiền 10.000 lít hóa chất khử trùng thuộc hàng dự trữ quốc gia để phòng, chống bệnh DTHCP.
Đẩy mạnh hỗ trợ, phục hồi đàn heo sau dịch bệnh
Theo ông Phạm Văn Bông, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác phòng, chống bệnh DTHCP; kiểm soát việc tái đàn, khôi phục chăn nuôi heo. Song song đó, tiếp tục có biện pháp hỗ trợ cho các trang trại lớn chăn nuôi khép kín phòng, chống dịch; tuyên truyền về chăn nuôi an toàn sinh học, hỗ trợ tái đàn, kiểm tra thường xuyên các trang trại nhỏ để bảo đảm nguồn thịt cung cấp cho thị trường.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Liên quan đến chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đại biểu Nguyễn Thanh Trung (Tổ đại biểu thị xã Thuận An) cho rằng, hiện nay, người dân còn khó tiếp cận được nguồn vốn của chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đại biểu chất vấn về các giải pháp trong thời gian tới để giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và được hỗ trợ nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Trung, ông Phạm Văn Bông thông tin, tính đến ngày 15/7/2019, Sở NNPTNT đã tiếp nhận, tổ chức họp xét duyệt và chuyển Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh thẩm định 80 phương án đảm bảo nội dung và thủ tục với tổng vốn đầu tư trên 2.874 tỷ đồng, tổng vốn đề nghị vay 800 tỷ đồng (đã duyệt vay gần 560 tỷ đồng, giải ngân theo tiến độ được 479 tỷ đồng với lãi suất 3,85%/năm). Trong 80 phương án được duyệt, có 66 phương án của các cá nhân, trang trại, 14 phương án của các công ty, doanh nghiệp. Nhìn chung các phương án đều thực hiện theo đúng với tiến độ đề ra; cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo khả năng trả vốn vay, không có nợ quá hạn; góp phần nâng tổng diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ cao thêm gần 500ha; gần 1,2 triệu gia cầm nuôi lấy thịt; 260.000 gia cầm nuôi lấy trứng; 40.000 heo thịt,...
Nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục duy trì phối hợp với UBND các địa phương và các ngành chức năng liên quan tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông, tổ chức tập huấn để phổ biến rộng rãi những nội dung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hơn nữa công tác củng cố, nâng cao năng lực thực hiện công tác tư vấn cho các tổ chức, cá nhân về quy trình sản xuất nông nghiệp, chọn giống, chăm sóc, xây dựng phương án vay vốn,... Phối hợp chặt chẽ với Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh để rút ngắn thời gian cũng như trình tự, thủ tục xét duyệt các phương án vay vốn.
Đại biểu Nguyễn Tiến Dũng (Tổ đại biểu thành phố Thủ Dầu Một) chất vấn Giám đốc Sở NNPTNT
Cùng vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Tiến Dũng (Tổ đại biểu thành phố Thủ Dầu Một) đề cập đến thực trạng chưa có sự liên kết giữa các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nhân dân. Ông Phạm Văn Bông cho biết, do các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện dự án, nên việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa thực hiện được. Để đảm bảo việc liên kết giữa công ty và nông dân trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức các hội thảo, gặp gỡ trao đổi giữa doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với người dân. Sở đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách khuyến khích liên kết sản xuất nông nghiệp, vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ nông sản…
Nguồn:www.binhduong.gov.vn