Giải pháp đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trong trạng thái bình thường mới
I. Khái niệm, đặc điểm công tác tuyên truyền
Công tác tuyên truyền là một bộ phận hết sức quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, nhằm góp phần củng cố vững chắc, khẳng định những giá trị, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vững tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước. Vì vậy, việc đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền là yêu cầu cấp thiết đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
-Theo từ điển bách khoa toàn thư: Tuyên truyền là việc đưa ra các thông tin (vấn đề) với mục đích đẩy thái độ, suy nghĩ, tâm lý và ý kiến của quần chúng theo chiều hướng nào đấy mà người nêu thông tin mong muốn.
- Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được những mục tiêu đó là tuyên truyền thất bại”.
Mục tiêu của tuyên truyền hiện đại không dừng lại ở thay đổi suy nghĩ hay thái độ của quần chúng, mà cần phải tạo hành động trong quần chúng.
Đồng chí Huỳnh Tân Định – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh dự sinh hoạt chuyên đề quý 2 tại Chi bộ Hội Nông dân tỉnh
1. Mục đích yêu cầu
Tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các giải pháp của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới... tạo đà thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong những năm tiếp theo;
Tiếp tục tuyên truyền, phát huy các giá trị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài nỗ lực vượt lên khó khăn, thách thức chung sức, đồng lòng, quyết tâm vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và duy trì phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khoẻ thể chất, tinh thần của Nhân dân;
Các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị chức năng cần bám sát yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới để huy động, kết nối lực lượng, triển khai công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục, kịp thời, nhanh nhạy, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền cần phải chủ động, đi trước làm công tác tư tưởng, định hướng dư luận xã hội để đưa chủ trương, giải pháp mới về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội vào cuộc sống; đồng thời phải tích cực tham gia tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình khôi phục sản xuất - kinh doanh, thực hiện các chính sách an sinh và an toàn xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là ở những nơi bị tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch.
2.Nội dung tuyên truyền
Theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương có tám nhóm nội dung cần phải tuyên truyền, và chúng ta cần tóm gọn lại: Tuyên truyền những chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong hệ thống tổ chức Hội thì chúng ta quan tâm, đặt trọng tâm vào những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
3. Hình thức tuyên truyền
Tuyên truyền trên báo chí, trên nền tảng số, internet, cổng/trang thông tin điện tử và mạng xã hội (Website, Facebook, Zalo, Youtube…) bằng hình thức livestream, video, clip, banner ảnh, biểu ngữ cổ động, tin nhắn …
Tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh cơ sở, đội truyền thông lưu động, loa tay, thông qua hội nghị, sinh hoạt chính trị - xã hội; nhắc nhở, vận động người dân vừa tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, vừa tăng gia lao động, sản xuất, kinh doanh với tinh thần như thời chiến “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”.
Tuyên truyền, thông tin, cổ động trên các phương tiện trực quan: băng - rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, phim, ảnh, triển lãm… trên các trục đường chính, chợ dân sinh, siêu thị, bệnh viện, tổ dân phố, khu chung cư, khu lao động, khu công nghiệp, chế xuất…; tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ.
Tuyên truyền trên các ấn phẩm sách, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, bản tin, trang thông tin điện tử.
Tuyên truyền thông qua các tọa đàm, hội thảo khoa học, các cuộc gặp gỡ, giao lưu…
II. Thực trạng công tác tuyên truyền
1. Kết quả tuyên truyền tại chi bộ
Thời gian qua, Chi bộ đã làm rất tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên với nhiều nội dung quan trọng, cần thiết bằng nhiều hình thức như tuyền truyền miệng trực tiếp trong những kỳ sinh hoạt chi bộ, in hướng dẫn sổ tay, đăng lên Trang thông tin điện tử và Bản tin Nông dân Bình Dương của Hội, đặc biệt trong những ngày tháng ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid – 19 phải thực hiện theo chỉ đạo giãn cách, hoặc gần đây nhất là rất nhiều cán bộ đảng viên do ảnh hưởng dịch phải làm việc online ở nhà thì Chi bộ cũng có những giải pháp họp trực tuyến trên Zoom, Google meeting...để tuyên truyền trong cán bộ đảng viên mà không phải gián đoạn. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, Chi bộ đã tổ chưc triển khai tốt các nhiệm vụ đề ra, nhận thức của cán bộ đảng viên trong Chi bộ được nâng lên và tự giác thực hiện, kết quả minh chứng 02 năm vừa qua Chi bộ đều đạt Chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
2.Kềt quả tuyên truyền của Ban Thường vụ
Hàng năm, căn cứ hướng dẫn của Hội cấp trên và của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ban thường vụ Hội Nông dân tỉnh ban hành kế hoạch tuyên truyền công tác Hội và phong trào nông dân và các ngày lễ lớn với nhiều hình thức phong phú như: tổ chức buổi tuyên truyền miệng, trên phương tiện thông tin đại chúng (đưa lên website, bản tin, báo chí, truyền thanh), tuyên truyền thông qua các hình thức sinh hoạt chính trị (hội thi, hội thảo, toạ đàm…), tuyên truyền bằng các phương tiện trực quan (khẩu hiệu, panô, áp phích, tranh ảnh…) thông qua sinh hoạt chi, tổ, hội hàng quý; các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan các mô hình, tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ Hội…Các hình thức tuyên truyền đó được các câp Hội tiến hành phù hợp với các đối tượng của mình phụ trách, tạo sự đồng thuận nhất quán với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tạo nên phong trào hành động cách mạng sôi nổi góp phần xây dựng công tác Hội và phong trào nông dân ngày càng vững mạnh.Thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, Tổ chức Hội đã có nhiều hình thức tuyên truyền linh hoạt chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến như tuyên truyền trên Website và Bản tin của Hội, trên những nhóm zalo, facebook, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp trực tuyến của Hội...Những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền đã góp phần làm tốt công tác Hội và phong trào nông dân và kết quả Hội Nông dân tỉnh đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua 3 năm liền.
3. Hạn chế
Công tác tuyên truyền của Đảng, Nhà nước nói chung và của Hội nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực cả về nội dung và hình thức, các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của Hội sớm được đưa đến tận quần chúng nhân dân, hội viên nông dân.
- Thứ nhất, công tác tuyên truyền từng lúc chưa được đổi mới, đi vào chiều sâu, nội dung hình thức tuyên truyền chưa được phong phú, phù hợp với từng đối tượng;
- Thứ hai, Năng lực, kỹ năng của cán bộ làm công tác tuyên truyền, vẫn còn hạn chế, chưa thường xuyên cập nhật những kỹ năng, phương pháp tuyên truyền;
- Thứ ba, Nội dung tuyên truyền đôi lúc chưa sát với nhu cầu thực tế;tuyên truyền chưa được nhiều, đậm nét về những gương nông dân tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Thứ tư, Có quá nhiều thông tin xấu độc trên không gian mạng tuy nhiên một số cán bộ, đảng viên chưa biết cách chọn lọc thông tin chính thống để chia sẻ.
III. Một số giải pháp đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền
1. Hiện nay, chúng ta có rất nhiều kênh, nhiều hình thức để thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến. Trong mỗi hình thức cách làm đều có mặt được và chưa được và tác động nhất định đến chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền. Vì vậy, để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, từng cấp uỷ, cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt những nhiệm vụ giải pháp như sau:
Một là, phải nắm vững nguyên tắc tính đảng, tính khoa học, nguyên tắc thống nhất lý luận với thực tiễn. Ngoài ra, cần kết hợp chặt chẽ việc giáo dục tư tưởng chính trị với việc rèn luyện trong thực tiễn cách mạng; kết hợp công tác tư tưởng trong Đảng với công tác tư tưởng trong xã hội, kết hợp giữa xây và chống như Văn kiện Đại hội XIII đã đặt yêu cầu: “Nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội. Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”.
Hai là, phải tăng cường hơn nữa việc xây dựng, đào tạo bồi dưỡng công tác đội ngũ cán bộ cộng tác viên, tuyên truyền viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới: phải am hiểu về công nghệ thông tin, biết chọn lọc, nắm băt thông tin chính thống, có nhiệt huyết.. Trong điều kiện yêu cầu nhiệm vụ công tác tuyên truyền ngày càng cao, trình độ nhận thức và nhu cầu tiếp thu thông tin của cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân không ngừng được nâng lên, chúng ta càng phải chú trọng việc lựa chọn những người có đủ phẩm chất và năng lực, nhất là năng khiếu tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu được giao trong tình hình mới.
Ba là, Phải lựa chọn đúng nội dung, công tác tuyên truyền phải mang đến cho cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân những thông tin mới, có cơ sở khoa học, chính xác, nhằm góp phần nâng cao nhận thức tư tưởng, giải đáp những vướng mắc, dự báo tình hình và định hướng dư luận xã hội, tạo sự thống nhất cao trong cán bộ đảng viên, hội viên và nhân dân.
Phải áp dụng các hình thức và phương pháp phù hợp, thông qua nhiều hình thức như tổ chức học tập, hội thảo, sinh hoạt chính trị, toạ đàm, thông qua các phương tiện như sách báo, bản tin, phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử, các hoạt động văn hoá văn nghệ. Đa dạng hoá các hình thức cổ động như: tờ rơi, khẩu hiệu, tranh cổ động, panô, áp phích, triển lãm… Phương thức tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ vận dụng, phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương.
Việc tuyên truyền còn có thể thông qua các gương Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, xuất sắc điển hình tiêu biểu trong các chuyên đề, phong trào thi đua sản xuất giỏi, làm theo lời Bác, tuyên truyền trong phòng chống covid-19; thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, điều lệ Hội Nông dân Việt Nam;…. Tại các cuộc hội thảo; gặp gỡ, giao lưu… Ngoài ra, chúng ta có thể lựa chọn các gương điển hình cán bộ Hội tiêu biểu; Chi hội trưởng; Chi hội Phó Nông dân tại các khu, ấp để làm các tuyên truyền viên vì đây là lực lượng gần hội viên nông dân và nhân dân nhất. Nếu có thể, trong các chương trình giao lưu, gặp gỡ toạ đàm giữa các cấp Hội với Hội viên nông dân, nhân dân, chúng ta có thể mời người có uy tín, cán bộ hưu trí của các Hội hay các ngành tham gia vì đây là đội ngũ lãnh đạo đã kinh qua nhiều vị trí, tích luỹ nhiều kinh nghiệm công tác, cách làm hay, sáng tạo cũng như vốn sống.
Bốn là,Cán bộ, đảng viên, người tuyên truyền phải thường xuyên theo dõi bám sát, nắm vững những định hướng của Chi bộ, cơ quan, Ban Tuyên giáo, các cơ quan báo đài kịp thời nắm bắt, lựa chọn thông tin chính thống để tuyên truyền.
2. Tuyên truyền là một việc quan trọng và cần thiết, là nhiệm vụ chính trị của mỗi cấp, mỗi ngành và mỗi người cán bộ đảng viên; làm sao để chủ trương, Nghị quyết của Đảng đi vào đời sống một cách thiết thực. Do đó việc nắm dư luận xã hội, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là rất quan trọng; kịp thời phản ánh với các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng những vấn đề mà Nhân dân quan tâm. Đồng thời làm cơ sở cho công tác tuyên truyền và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ đòi hỏi cán bộ làm công tác tuyên truyền phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận sâu sắc, bản lĩnh chính trị vững vàng, kinh nghiệm sống phong phú để có đủ năng lực trao đổi, đối thoại, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc, bức xúc của người dân; am hiểu công nghệ thông tin để có thể sử dụng và tác chiến trên không gian mạng, góp phần nâng cao nhận thức về mọi của cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân.
3. Là một cán bộ, đảng viên đang làm việc tại Ban Tuyên giáo của Hội Nông dân tỉnh, trực tiếp phụ trách Trang Thông tin điện tử (Website) và Bản tin là những kênh thông tin tuyên truyền quan trọng của Hội, tôi luôn ý thức với trách nhiệm công việc của mình, thường xuyên trau dồi những kinh nghệm, rèn luyện những kỹ năng, kiến thức mới để làm tốt hơn nhiệm vụ được giao. Bản thân luôn chấp hành tốt và tuyên truyền đến người thân những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của Hội. Trong thời đại công nghệ số, công nghệ thông tin, bản thân tôi nói riêng, toàn thể cán bộ, đảng viên trong Chi bộ, Cơ quan Hội nói chung cần phải học hỏi cách tiếp cận có hiểu biết về những vấn đề diễn ra hàng giờ, hàng ngày trên không gian mạng, để chọn lọc, phân biệt được những thông tin tốt, xấu, từ đó lựa chọn tuyên truyền, chia sẻ giúp cho mục đích tuyên truyền được nhanh, đạt hiệu quả mong muốn. Đặc biệt, tránh chia sẻ, like, commen bình luận những thông tin chưa được kiểm chứng gây tác động xấu trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền của Hội.
Xin trích dẫn câu nói của Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương để kết thúc chuyên đề: “…Nếu mỗi người dùng smartphone, mỗi ngày gửi cho nhau một tin tốt, chia sẻ với nhau vài ý hay, gửi đi thông điệp tốt đẹp của cuộc sống, chắc chắn môi trường trên Internet sẽ tích cực, trong lành hơn nhiều”.
Chi bộ Hội Nông dân