Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Sản phẩm đạt chuẩn bán ở đâu cũng đắt (05/07/2019)
Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Sản phẩm đạt chuẩn bán ở đâu cũng đắt
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP hay EVFTA luôn tạo ra cơ hội và thách thức song hành, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp, người dân phải tận dụng, biến bất lợi thành lợi thế.
|
Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ có thể được hưởng lợi nhờ EVFTA. Ảnh: I.T
|
Ngày 30/6/2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) được ký kết, đây được đánh giá là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có độ mở lớn. Theo bộ trưởng, chúng ta sẽ có những cơ hội cũng như thách thức gì khi tham gia các FTA, trong đó có EVFTA và CPTPP?
- Chúng ta phải nhìn nhận rằng, khi tham gia các FTA, cơ hội luôn song hành với thách thức, chúng ta phải nhìn nhận rõ để có những thay đổi cho phù hợp. Tổng GDP của 2 thị trường tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chiếm hơn 35% GDP toàn cầu, tổng giao dịch thương mại khoảng 35% thương mại toàn cầu, đây là một thị trường vô cùng to lớn. Những ưu đãi về thuế quan có thể thúc đẩy đưa hàng nông sản của Việt Nam đến với nhiều thị trường.
Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng gặp rất nhiều thách thức và rủi ro mà không nỗ lực thì chúng ta sẽ đánh mất cơ hội và mất ngay thị trường sân nhà Việt Nam. Theo đó, chúng ta phải cạnh tranh với những thị trường có thế mạnh về công nghệ, có những sản phẩm chất lượng cao. Rõ ràng, trong cuộc chơi này, chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh như một phần tất yếu.
Nhìn nhận lại, sau nhiều năm nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế với sự tham gia 16 hiệp định thương mại tự do, nền kinh tế của Việt Nam ngày càng thích ứng tốt với hội nhập trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, những rào cản kỹ thuật gây khó khăn cho công tác xuất khẩu.
Đơn cử như năm 2018, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt kim ngạch 40 tỷ USD, nông sản Việt Nam đã vươn tới 190 quốc gia và vùng lãnh thổ; chúng ta có nhiều mặt hàng có thế mạnh, vì vậy không có lý do gì chúng ta không nỗ lực hơn nữa.
Bên cạnh đó, chúng ta đã có một lực lượng doanh nghiệp đang ngày một lớn mạnh, nhiều đơn vị là con chim đầu đàn, là hạt nhân của ngành với những khát vọng chinh phục thị trường. Sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, ngành chức năng cùng cố gắng của người dân, doanh nghiệp sẽ tạo thành hệ sinh thái khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Nếu vào cuộc với tinh thần chủ động chúng ta sẽ chiến thắng.
Một trong những vấn đề nhiều doanh nghiệp lo ngại là phát sinh các tranh chấp thương mại trong quá trình hội nhập, đơn cử như trường hợp con cá tra, tôm vướng vào các vụ kiện chống bán phá giá nhiều năm nay. Theo Bộ trưởng, chúng ta giải quyết những vấn đề này như thế nào?
- Một trong những khâu yếu nhất trong quá trình hội nhập của chúng ta là khâu đào tạo nguồn nhân lực còn yếu, trong đó có lực lượng làm công tác tư pháp, đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp, ngành hàng; giúp doanh nghiệp chủ động tham động tham gia quá trình đấu tranh một cách minh bạch. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tuyên truyền để doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại sao cho phù hợp với yêu cầu và thông lệ quốc tế.
Đối với các hàng rào phi thuế quan, chúng ta cần có giải pháp gì để ứng phó, thưa Bộ trưởng?
- Chính phủ, các bộ ngành chức năng luôn quan tâm đến vấn đề này để định hướng cho doanh nghiệp, người dân chủ động thích ứng. Chúng ta cố gắng vượt qua các rào cản trên tinh thần minh bạch, đồng bộ, phải tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng, phải coi thị trường 100 triệu dân trong nước như thị trường xuất khẩu để cung cấp hàng hóa đạt chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn. Lưu ý, nếu hàng của chúng ta đạt chuẩn, bán ở đâu cũng được.
Có đến 85% doanh nghiệp lo ngại thiếu thông tin khi tham gia các FTA, 81% doanh nghiệp lo ngại việc thực thi chính sách, theo Bộ trưởng, chúng ta hóa giải những lo ngại này như thế nào?
- Hiện, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện chính phủ kiến tạo, hành động, các bộ ngành, trong đó có Bộ NNPTNT đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cung cấp thông tin để người dân, doanh nghiệp nắm bắt thông tin, chủ động hội nhập.
Theo Bộ trưởng, đâu là ngành hàng Việt Nam có lợi thế trong quá trình hội nhập?
- Không có ngành hàng nào chỉ toàn lợi thế và ngành hàng nào chỉ toàn bất lợi. Ngay cả ngành gỗ, lợi thế sẽ mất nếu chúng ta không minh bạch hóa nguồn nguyên liệu, không trồng rừng có chứng chỉ.
Nhưng ngành chăn nuôi tưởng là bất lợi nhưng chúng ta có những mặt hàng đặc thù. Nói cách khác, nếu khai thác tốt thế mạnh, làm ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn thì không sợ không có thị trường.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn ® hoinongdan.org.vn