Sáu luật sẽ có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1-7 (01/07/2019)
Sáu luật sẽ có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1-7
Từ ngày 1/7, sáu luật sẽ có hiệu lực thi hành, gồm Luật Phòng, chống tham nhũng 2018; Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018; Luật Công an nhân dân năm 2018; Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018; Luật Đặc xá 2018; Luật Cạnh tranh 2018.
Cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập
Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có 10 Chương, 96 Điều, quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm: tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Luật quy định cán bộ, công chức có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập. Nếu có hành vi kê khai không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức như cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc...
Bên cạnh đó, các đối tượng cũng phải kê khai tài sản, thu nhập gồm có: Sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân...
Trợ giảng trong trường đại học không bắt buộc có trình độ thạc sỹ
Ngày 19/11/2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Chủ tịch nước ký Lệnh số 13/2018/L-CTN ngày 3/12/2018 công bố Luật. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.
Xuất phát từ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và tình hình thực tế, Luật sửa đổi, bổ sung 36 điều/73 điều của Luật Giáo dục đại học năm 2012; giữ nguyên 37 điều; bổ sung một điều mới; bãi bỏ, thay thế một số cụm từ và chỉnh sửa một số điều về mặt kỹ thuật.
Trợ giảng trong trường đại học không bắt buộc có trình độ thạc sỹ. Đây là một trong những nội dung nổi bật tại Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018. Theo đó, trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy đại học là thạc sỹ, trừ trợ giảng (hiện tại quy định thạc sỹ là trình độ chuẩn đối với cả trợ giảng).
Giảng viên giảng dạy trình độ thạc sỹ, tiến sỹ phải có trình độ tiến sỹ; các trường đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sỹ làm giảng viên.
Luật này cũng quy định các trường đại học phải công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí... cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của trường.
Rút ngắn thời gian thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân
Luật Công an nhân dân 2018 gồm 7 Chương, 46 Điều, quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Theo Luật Công an nhân dân 2018, Công an nhân dân được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ vào phục vụ trong Công an nhân dân với thời hạn là 24 tháng (Hiện hành, thời gian thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân được quy định là 36 tháng).
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sỹ quan, chiến sỹ nghĩa vụ nhưng không quá 6 tháng trong các trường hợp sau đây: Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ.
Thủ tục tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được áp dụng như tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
Cảnh sát biển được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển
Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018, quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam. Cảnh sát biển là lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng và được tổ chức chặt chẽ, cụ thể, gồm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; các đơn vị cấp cơ sở.
Từ ngày 1/7/2019, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát trong những trường hợp sau: Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; Không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam trong trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật Cảnh sát biển 2018; Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Luật cũng quy định về phạm vi, thẩm quyền và trình tự truy đuổi tàu thuyền trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
16 tội danh không được đề nghị đặc xá
Luật Đặc xá 2018 gồm 6 Chương, 39 Điều, quy định về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá.
So với Luật Đặc xá 2007, Luật Đặc xá 2018 quy định cụ thể người bị kết án phạt tù về 16 tội sau không được đề nghị đặc xá dù có đủ các điều kiện quy định tại Điều 11 Luật này: Tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội phá rối an ninh; tội chống phá cơ sở giam giữ; tội khủng bố; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; tội chống loài người; tội phạm chiến tranh; tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê; tội làm lính đánh thuê.
Bên cạnh đó, luật cũng bổ sung trường hợp không được đề nghị đặc xá đối với phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự. Nếu trường hợp giám đốc thẩm, tái thẩm mà theo hướng giảm nhẹ hoặc giữ nguyên trách nhiệm hình sự vẫn được quyền đề nghị đặc xá.
Bổ sung thêm ba thỏa thuận cạnh tranh
Luật Cạnh tranh năm 2018 bao gồm 121 điều, được bố cục thành 10 chương. Luật đã quy định chính sách khoan hồng đối với doanh nghiệp vi phạm quy định về cạnh tranh. Theo đó, doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp Ủy ban cạnh tranh Quốc gia phát hiện, điều tra, xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.
Luật Cạnh tranh 2018 cũng bổ sung thêm ba thỏa thuận cạnh tranh gồm: Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận; Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận; Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Như vậy, từ ngày 1/7/2019, sẽ có 11 thỏa thuận về hạn chế cạnh tranh.
Ngoài ra, Luật Cạnh tranh 2018 còn sửa đổi quy định về tập trung kinh tế bị cấm: Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam./.
Nguồn Báo Bình Dương