1,5 triệu con lợn chết vì dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng chỉ đạo khẩn (20/05/2019)
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi lan rộng và diễn biến phức tạp ở 34 tỉnh, thành phố, sáng nay 19/5, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đi kiểm tra thực tế tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Tại đây, một lần nữa chủ trương: Phòng, chống dịch như chống giặc được Thủ tướng nhắc lại.
Thủ tướng kiểm tra công tác chống dịch tả lợn châu Phi ở Đông Anh. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Chống dịch như... chống giặc
Được biết, sáng 19/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đến trang trại lợn ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh để kiểm tra công tác chống dịch tả lợn châu Phi. Đây là một trong những địa phương có số lượng lợn bị tiêu hủy lớn nhất của Hà Nội.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, toàn thành phố có hơn 1,87 triệu con lợn. Hà Nội là địa phương có tổng đàn lợn đứng tốp đầu cả nước. Ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện tại hộ chăn nuôi lợn rừng sử dụng thức ăn tận dụng tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) vào ngày 24/2/2019. Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 9.465 hộ chăn nuôi, làm mắc bệnh và tiêu hủy hơn 147.700 con. Trong đó, một số huyện bị ảnh hưởng nhiều là Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn, kể cả một số hộ có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn. Đến nay, có 23 hộ chăn nuôi có số lượng lợn phải tiêu hủy từ 200 con trở lên. Trong đó, hộ có số lượng lợn tiêu hủy lớn nhất là 629 con tại huyện Đông Anh.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, chưa bao giờ ngành chăn nuôi thế giới cũng như Việt Nam đối mặt loại bệnh nguy hiểm như này. Mặc dù chúng ta chỉ đạo phòng chống dịch rất sớm nhưng đến nay, bệnh vẫn lây lan ở 34 tỉnh, thành phố. Số lượng lợn tiêu hủy đến nay khoảng 1,5 triệu con, chiếm 5% tổng đàn lợn.
"Nếu không làm tốt công tác phòng chống, dịch sẽ tiếp tục lây lan, có thể lên tới 100% địa bàn, kể cả những nơi hết dịch sau 30 ngày thì bệnh vẫn quay trở lại. Không chỉ những hộ nhỏ lẻ, đến nay, cả những hộ chăn nuôi lớn cũng bị ảnh hưởng”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lo ngại.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho biết, sau khi thị sát thực tế tại hộ chăn nuôi lợn tại Đông Anh, “thì thấy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TP. Hà Nội, huyện Đông Anh, người dân đã chủ động triển khai phòng, dập dịch tả lợn châu Phi”. “Tôi vào hộ ở xã Tiên Dương thì thấy cách làm quyết liệt, hủy cả đàn, chôn lấp đúng kiểu, hỗ trợ người dân kịp thời”.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, do đặc điểm chăn nuôi lợn ở Việt Nam với 2,5 triệu hộ nuôi lợn và do đặc điểm của bệnh (chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng bệnh, virus có sức đề kháng cao, sống lâu, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát), cho nên, đến nay, 34 tỉnh, thành phố bị thiệt hại với 5% tổng đàn.
Thủ tướng lưu ý cảnh báo của FAO (Tổ chức Lương thực, Nông nghiệp Liên Hợp Quốc) cho biết dịch tả lợn châu Phi có thể kéo dài. Ở các nước lân cận, cũng bị thiệt hại rất lớn. Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương: Phòng chống dịch như chống giặc, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này.
“Phòng là chính, cơ sở là chính, dân là chính”, Thủ tướng nhấn mạnh. Các cơ sở, địa phương chưa bị dịch thì cần chủ động, tích cực hơn nữa, không đợi có dịch rồi mới chống. Nếu có dịch rồi thì cần ngăn chặn lây lan kịp thời theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hỗ trợ cho người dân một cách kịp thời, chặt chẽ, minh bạch; phải bảo đảm vệ sinh môi trường.
Ngành thú y giám sát, hỗ trợ các trại lợn sạch trong tiêu thụ thịt lợn để giữ vững niềm tin của người tiêu dùng khi mà hiện nay chúng ta mới bị thiệt 5% tổng đàn, còn 95% vẫn bình thường. "Không quay lưng lại với thịt lợn sạch, được kiểm soát, phải có biện pháp phát triển các loại sản phẩm khác để bảo đảm đời sống cho nông dân và giải quyết thực phẩm cho người dân, nhất là giai đoạn cuối năm như bò, gà, vịt, cá, tôm…" - Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng yêu cầu cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để các cơ quan, người dân nắm tình hình, không chủ quan, lơ là. Rà soát các văn bản cần thiết để điều chỉnh, bổ sung, trình Chính phủ để việc giải quyết sát thực tế, khả thi hơn, bảo đảm chống dịch nhưng cũng tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt.
Xem xét giết mổ, trữ đông thịt lợn sạch
Trước đó, ngày 18/5, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 192/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp, khả thi cho người chăn nuôi và doanh nghiệp có lợn bị tiêu hủy.
Đồng thời hướng dẫn việc giết mổ lợn trong vùng dịch. Cơ sở giết mổ đạt yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm được phép nhập lợn từ cơ sở chăn nuôi không nhiễm mầm bệnh để giết mổ, xuất bán các sản phẩm lợn sau khi giết mổ trong và ngoài vùng dịch dưới sự giám sát của cơ quan thú y theo đúng quy định.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp xây dựng cơ chế hỗ trợ tổ chức thu mua, giết mổ lợn và cấp trữ đông để giảm nguy cơ bị lây nhiễm bệnh nhằm giữ ổn định giá lợn không bị rơi xuống thấp trong giai đoạn trước mắt và có nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho nhu cầu thị trường trong thời gian tới, không để "sốt" giá thịt lợn vào những tháng, quý tới.
Bộ Tài chính có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh khẩn trương tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cấp kinh phí hỗ trợ các địa phương để tổ chức chống bệnh dịch.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc trong công tác bảo vệ môi trường.
Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND các cấp phải quyết liệt và chịu trách nhiệm tổ chức phòng, chống bệnh DTLCP, huy động các lực lượng tại chỗ của địa phương (kể cả lực lượng công an, quân đội, dân quân,... khi cần thiết) chủ động giám sát, phát hiện sớm và tiêu hủy triệt để lợn bệnh, chấm dứt ngay tình trạng để lâu, vứt xác lợn ra môi trường làm ô nhiễm, lây lan bệnh.
Nguồn: http://www.hoinongdan.org.vn/