Phát triển mô hình nông nghiệp không chất thải, hướng đến hệ sinh thái khép kín dòng vật chất và năng lượng, giảm thiểu tác động môi trường, gia tăng chuỗi giá trị.
Mô hình sinh thái khép kín
Tại Kiên Giang vừa diễn ra hội nghị Ký kết hợp tác và chuyển giao quy trình, giải pháp nâng cao chất lượng phân bón phục vụ canh tác nông nghiệp hữu cơ bằng sản phẩm chiết xuất từ chất thải ngành tôm, hướng tới gia tăng chuỗi giá trị chế biến thủy sản ở khu vực ĐBSCL.
Hội nghị có sự phối hợp giữa Viện Môi trường và Tài nguyên (IER) thuộc Đại học Quốc gia TP HCM, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Phân bón và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang.
TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP HCM, đã giới thiệu đề tài “Nghiên cứu
mô hình sinh thái khép kín, nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho ngành chế biến thủy sản tại khu vực ĐBSCL”. Đây là chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia, giai đoạn 2014-2019, phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là đánh giá hiện trạng phát thải, tác động môi trường, đồng thời đề xuất qui trình công nghệ, triển khai mô hình sinh thái khép kín dòng vật chất và năng lượng, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, tạo sinh kế, nâng cao nguồn thu nhập.
Tại ĐBSCL, đề tài triển khai 2 mô hình sinh thái khép kín cho 2 ngành hàng chủ lực, có sản lượng lớn là cá tra và tôm. Hướng đến phát triển mô hình nông nghiệp không phát thải, tạo ra nhiều sản phẩm mới, có giá trị kinh tế và nâng cao thu nhập.
“Đối với vùng nuôi tôm, có thể tận thu bùn đáy ao nuôi sản xuất biogas. Phụ phẩm ngành tôm thủy phân dịch đầu tôm thành các axit amin sử dụng cho cây trồng và vật nuôi. Sử dụng chitosan đưa vào phân bón hữu cơ khoáng, tăng hiệu lực phân bón. Cái da trơn, đối với vùng nuôi có thể tận dụng bùn đáy ao sản xuất phân compost, xác cá. Nhà máy, tận dụng bùn từ hệ thống xử lý nước thải ủ phân compost và nuôi trùn quế. Da cá dùng để sản xuất collagen…”, TS Lê Thanh Hải đề xuất.
Theo Viện Nguyên cứu Hải sản, trong chế biến thủy sản đông lạnh, cứ sản xuất ra 1 tấn tôm thành phẩm thì sẽ thải ra môi trường 0,75 tấn phế thải. Trong khi đó, đầu tôm và vỏ tôm có rất nhiều chất có thể tận dụng làm ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Nếu được thu gom và tận dụng sản xuất, có thể chiết xuất chitin, khoáng, protein, làm nguyên liệu sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm cho người, thức ăn chăn nuôi, phân bón. Sản xuất túi nhựa sinh học, làm vật liệu nhựa bền và tự phân hủy, nước mắm từ dịch tôm…
Trong tham luận của mình, đại diện Cty CP Việt Nam Food (NVF) cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm xây dựng ngành tôm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt 10 tỷ USD, theo đó dẫn đến lượng phụ phẩm tôm tăng gấp 3 lần so với hiện nay. Trong khi đó, phụ phẩm tôm chứa nhiều dưỡng chất dinh dưỡng có giá trị, có thể chiết xuất và áp dụng trong nhiều lĩnh vực, tạo ra giá trị mới cao hơn nhiều lần.
Nhận ra tiềm năng này, NVF đã bước vào chiến lược phát triển khác biệt và toàn diện, tạo nên danh mục sản phẩm độc đáo, đa dạng với tính thương mại hóa cao chỉ từ nguyên liệu vỏ đầu tôm.
Cụ thể, sản phẩm tiên phong của NVF là protein tôm thủy phân, là giải pháp giúp tăng giá trị ngành nông nghiệp, với trọng tâm là chăn nuôi. Đồng thời, cũng có nhiều tiềm năng ứng dụng cho cây trồng, với vai trò cung cấp dinh dưỡng dễ hấp thu và là chất kích thích sinh học tự nhiên. Sản phẩm chitosan là giải pháp xanh, đa chức năng trong nông nghiệp, có khả năng kháng khuẩn, là nguyên liệu bền vững, hiệu quả cho nhu cầu thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ.
Hợp tác chuyển giao, nhân rộng
Từ những kết quả nghiên cứu đề tài của Viện Môi trường và Tài nguyên, Cty CP Đầu tư Green Stars đã ứng dụng và sản xuất ra nhiều sản phẩm, như: phân bón trung, vi lượng, phân bón hữu cơ khoáng, phân bón hữu cơ, phân bón lá PK có chất điều hòa sinh trưởng… Các sản phẩm này đang được cung ứng ra thị trường, cũng như liên kết cung cấp vật tư đầu vào trong các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Kiên Giang cho hay, Kiên Giang có 462 HTX đang hoạt động, trong đó có 410 HTX nông nghiệp, với gần 60 ngàn ha diện tích canh tác, số hộ nông dân tham gia gần 53 ngàn, tạo việc làm cho khoảng 9.000 lao động thời vụ. Ngoài ra, còn có trên 2.700 tổ hợp tác, thu hút hơn 4.500 hộ thành viên, diện tích canh tác khoảng 72 ngàn ha, tạo việc làm cho trên 7.200 lao động theo thời vụ.
Về liên kết sản xuất, hiện có 264 HTX, quy mô diện tích gần 45 ngàn ha thực hiện chuỗi giá trị, có khả năng sản xuất sản lượng đủ lớn, đồng nhất, chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Nhiều HTX đã định hướng phát triển cho thành viên, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm nhiệm tốt các khâu dịch vụ và liên kết với doanh nghiệp giải quyết đầu ra cho xã viên.
Một số HTX đã sáng tạo trong thực hiện chuỗi giá trị, như: thuê chung – mua chung – bán chung, thông qua hình thức đấu thầu để thành viên có nhiều lợi ích hơn. Mô hình này Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang đang nhân rộng trong toàn tỉnh. Đã có 3 doanh nghiệp tham gia làm thành viên và làm phó giám đốc phụ trách kinh doanh của 9 HTX trên địa bàn tỉnh. Đây là mô hình đang chứng minh là phương thức sản xuất kinh doanh tối ưu, để phát triển bền vững trong phát triển kinh tế tập thể.
Ông Kim Dương Liễu, GĐ HTX Nông sản Hữu cơ Rạch Giá cho biết, HTX thành lập năm 2016, hiện đang sử dụng nhiều sản phẩm và áp dụng quy trình sản xuất ra sản phẩm hữu cơ. Qua tìm hiểu, Cty Green Stars có nhiều sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt chất lượng. Đây là sản phẩm được cải tiến bởi đề tài thuộc chương trình khoa học phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ. Vì vậy, HTX sẽ ký kết hợp tác với Cty Green Stars đồng thời liên kết sản xuất với nông dân, đầu tư sản phẩm đầu vào và thu mua nông sản đầu ra,với giá tốt hơn so với sản xuất truyền thống.