Báo cáo Chính trị xác định mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: Tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; phấn đấu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng thành phố thông minh, văn minh, hiện đại. Đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Bình Dương sẽ là trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và hoàn thành việc xây dựng đô thị thông minh.
Cụ thể, phấn đấu GRDP tăng bình quân 8,5 - 8,7%/năm; thu ngân sách tăng 8%/năm. Đến năm 2025, cơ cấu kinh tế với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90%; GRDP bình quân đầu người đạt 210 - 215 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 33-34% GRDP; thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 9 tỷ đô la Mỹ…
Căn cứ vào 03 đột phá chiến lược trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng và mục tiêu phát triển của tỉnh trong thời gian tới, Tỉnh ủy xác định 04 chương trình đột phá: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp và đô thị; Phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, gắn với phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X
Báo cáo chính trị đã đề ra 24 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển trên tất cả các lĩnh vực của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, theo hướng tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp dựa trên đổi mới thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao tương xứng với phát triển công nghiệp và đô thị; tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị; tập trung xây dựng đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo nên những động lực mới, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Sử dụng có hiệu quả nguồn lực Nhà nước, đồng thời huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông để mở rộng kết nối vùng, khu vực, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung nghiên cứu và chủ động đề xuất với Trung ương triển khai đầu tư tuyến đường sắt phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách; huy động các nguồn lực từng bước phát triển hệ thống giao thông đường thủy, gắn với hạ tầng Logistics…
Quan tâm và chú trọng đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư, ưu tiên giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, nhất là về giáo dục, y tế, việc làm, nhà ở, các thiết chế văn hóa phục vụ cho người dân và công nhân lao động. Song song đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển công nghiệp và đô thị.
Thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế. Tăng cường công tác dự báo, nắm chắc tình hình, chủ động ngăn chặn từ xa, từ sớm và xử lý kịp thời những yếu tố có nguy cơ gây mất ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn.
Tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác kinh tế quốc tế để đẩy mạnh thu hút đầu tư, xuất, nhập khẩu và phát triển Thành phố thông minh Bình Dương.
Tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế. Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng công tác dân vận của hệ thống chính trị, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chính quyền, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Những thành quả đạt được trong thời gian qua là rất quan trọng, nhưng mới là bước đầu trong tiến trình phát triển, phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh phải tiếp tục khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo và đột phá hơn nữa để xây dựng Bình Dương thành đô thị thông minh, giàu đẹp và văn minh, cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đến năm 2030 đã được xác định trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Mục tiêu cụ thể nhiệm kỳ 2020-2025:
1. Chỉ tiêu kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,5 - 8,7%/năm. Cơ cấu kinh tế (GRDP) với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt từ 14 - 15%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 210 - 215 triệu đồng vào năm 2025. Thu ngân sách tăng 8%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 33-34% GRDP. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 9 tỷ đô la Mỹ.
2. Chỉ tiêu xã hội
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85% năm 2025. Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 10 vào cuối năm 2025; số giường bệnh/vạn dân đạt 27 giường (không tính tuyến xã). Tỷ lệ hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới dưới 2,5%. Diện tích nhà ở bình quân đạt 31,5m2/người.
3. Chỉ tiêu về môi trường
Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 99% vào năm 2025. Tỷ lệ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm duy trì ở mức 57,5% .
4. Chỉ tiêu về phát triển đô thị
Tỷ lệ lượng thông tin cung cấp công khai cho người dân có cơ chế phản hồi thông tin đạt 70%. Tỷ lệ bến đỗ, nhà ga có cung cấp thông tin giao thông theo thời gian thực đạt 50%. Tỷ lệ dân cư có bệnh án điện tử đạt 50%; 100% các cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện cho phép đăng ký khám chữa bệnh thông qua các ứng dụng ICT; 70% các điểm công cộng được lắp đặt hệ thống giám sát an ninh; 100% các sở ngành xây dựng danh mục tài nguyên thông tin và thực hiện chia sẻ.
5.Về quốc phòng, an ninh
- Giáo dục quốc phòng an ninh cho các đối tượng hàng năm đạt từ 90% trở lên. Tuyển quân hàng năm đạt 100% chỉ tiêu, tỷ lệ đảng viên chính thức nhập ngũ đạt 1% trở lên. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ toàn tỉnh đạt tỷ lệ 1,28% so với dân số. Xây dựng lực lượng dự bị động viên đạt từ 95 - 100% theo chỉ tiêu được giao.
- Xây dựng từ 1 - 2 công trình lưỡng dụng trong căn cứ chiến đấu (khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện, thị, thành phố).
- Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, hàng năm phấn đấu kiềm chế, kéo giảm từ 3 - 5% số vụ phạm pháp hình sự. Tiếp tục kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương), giảm số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy nổ, kéo giảm số vụ cháy nổ lớn.
6. Về công tác xây dựng Đảng
Tăng cường xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Phấn đấu hàng năm có từ 85% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đến cuối nhiệm kỳ phát triển được 9.500 đảng viên mới.