Người chăn nuôi heo Phú Giáo Điêu đứng vì ảnh hưởng bởi dịch tả heo Châu Phi (22/03/2019)
Người chăn nuôi heo Phú Giáo Điêu đứng vì ảnh hưởng bởi dịch tả heo Châu Phi
Những ngày qua, thông tin về tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi ở một số tỉnh phía Bắc như một trận bão quét qua ngành chăn nuôi heo đã tác động không nhỏ đến người tiêu dùng và người chăn nuôi. Tại Bình Dương, cho đến thời điểm này chưa có bất kì thông tin xuất hiện một ca bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh; nhưng những tác động của nó đến người chăn nuôi heo là rất lớn, khiến cho người nuôi gặp không ít khó khăn. Ở Phú Giáo, những tác động đó khiến cho nhiều người nuôi heo điêu đứng, kiệt quệ và có nguy cơ phá sản.
Ảnh: Nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh và hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ thiệt hại nếu xảy ra dịch bệnh, người chăn nuôi heo ở Phú Giáo chủ động tăng cường công tác tiêu độc sát trùng chuồng trại mỗi ngày một lần. Trong ảnh anh Đặng Hữu Đức, tổ chức sát trùng chuồng trại cho trại heo của gia đình.
Anh Đặng Hữu Đức, Tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi heo an toàn sinh học, xã Phước Sang, huyện Phú Giáo rầu rĩ cho biết: Những ngày này, dù heo được chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học hay chăn nuôi như thế nào cũng đều chịu chung một số phận ế ẩm và có nguy cơ phá sản, bởi hiện nay người tiêu dùng hầu như không mặn mà và luôn đề cao cảnh giác với thịt heo. Đúng là đời người nông dân phụ thuộc quá nhiều vào thị trường. Như nuối tiếc những ngày chưa xảy ra dịch, anh Đức càng buồn hơn. Theo anh, thời điểm đó, giá heo hơi cứ tăng dần từng ngày nhất là sau Tết nguyên Đán, giá heo tăng lên chóng mặt; có thời điểm tăng lên đến 54 ngàn đồng/kg; người chăn nuôi chúng tôi khấp khởi mừng thầm, bởi với giá đó và có thể lên đến 60 ngàn đồng/kg, thì người chăn nuôi heo được hưởng lợi rất nhiều. Thế rồi đùng một cái, bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra ở một số tỉnh phía Bắc, giá heo bắt đầu tụt dốc không phanh. Đó cũng là thời điểm người tiêu dùng quay lưng với sạp thịt heo của gia đình anh ngày càng nhiều hơn. Anh Đức cho biết, thời điểm đó, mỗi ngày anh mổ một con heo chừng 1 tạ hơi, tương đương khoảng 80kg móc hàm, anh bán trong khoảng quá nửa buổi sáng đã xong, giá cũng ổn định bình quân 100 ngàn đồng/kg, mỗi con heo mổ ra anh thu lời khoảng 2 triệu đồng. Không những vậy, có những ngày thương lái còn năn nỉ anh nhường bớt lại cho một vài con để họ có hàng bán giữ khách.
Chỉ sau khoảng 20 ngày kể từ khi có dịch, tình hình trở nên bi đát hơn ngoài sức tưởng tượng đối với người chăn nuôi heo, giá bán heo giảm mạnh, lượng người tiêu thụ thịt heo cũng tỷ lệ thuận với giá cả. Theo anh Đặng Hữu Đức cho biết: Hiện nay giá 1kg heo hơi đã giảm xuống gần 15 ngàn đồng, từ 54 ngàn đồng trước đây, giờ chỉ còn 40 ngàn, thậm chí còn 37 ngàn đến 38 ngàn. Nếu trước kia thương lái năn nỉ để heo, thì nay anh phải năn nỉ thương lái mua heo giùm. Quen biết nhau thì họ còn mua cho được giá cao, không thì có bán giá thấp họ cũng còn chần chừ, bởi vì họ mua về cũng có bán được đâu. Mổ một tạ thịt heo, mà ngồi cả ngày chỉ bán được chừng 30kg đến 40kg ai dám mổ; không lẽ mổ ra, bán còn nhiêu đem về ăn cho hết sao được. Trước sự tiêu thụ thịt heo sụt giảm trầm trọng thời gian qua, gia đình tôi đã tạm ngưng không mổ heo bán thịt và toàn bộ 5 tấn thịt heo trong chuồng tôi đàng kêu thương lái đến bán hết. Thiệt hại dự tính khoảng 70 triệu đồng; xót đứt ruột nhưng biết làm sao. Heo đến lứa phải xuất chuồng để tái đàn trở lại, không lẽ giam mãi đó chờ biết đến khi nào qua được “cơn bão” này đây. Và nếu tình trạng dịch bệnh này kéo dài, người chăn nuôi heo chúng tôi chưa biết khi nào gượng dậy. Tuy nhiên, nếu người nào trụ nổi sau “cơn bão” này sẽ thắng lợi vì chắc chắn giá heo sẽ tăng mạnh.
Ông Nguyễn Phi Long, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Phú Giáo cho biết: Những ngày qua, các thành viên của Hợp tác xã đang căng mình đối phó với dịch với mong muốn giữ vững ổn định đàn heo của mình, tránh nguy cơ dịch bệnh xảy ra sẽ mất trắng hoàn toàn. Bởi nếu giá cả giảm còn có thể cầm cự được, chứ để dịch bệnh bùng phát thì mất trắng tay. Do đó, mỗi ngày trong đợt chống dịch này, các thành viên chăn nuôi heo phải chi phí ra cho mỗi con heo khoảng 300 ngàn đồng chi phí tiền chăm sóc sức khỏe cho heo, vệ sinh chuồng trại đảm bảo an toàn dịch bệnh. Như vậy cộng với giá cả tụt xuống mỗi ngày như hiện nay, các thành viên của Hợp tác xã chúng tôi, sau khi xuất bán 100kg heo, coi như mất 1,3 triệu đồng so với thời điểm chưa có dịch xảy ra trong nước. Không những vậy, việc kêu thương lái để xuất bán heo thịt đến thời kì xuất chuồng cũng rất khó khăn. Khó khăn không phải vì thương lái muốn ép giá người chăn nuôi mà do sức tiêu thụ thịt heo trên thị trường giảm mạnh, nên không có đầu ra, thương lái không thể mổ nhiều. Trước kia có những thương lái mỗi ngày mổ thịt 3 đến 4 con heo, thì nay 3 đến 4 thương lái thịt chung một con để bán. Dù khó khăn, chi phí tăng, giá cả giảm, thu nhập giảm, nhưng chúng tôi vẫn tuyên truyền, vận động anh em trong Hợp tác xã kiên trì chăm sóc, duy trì ổn định đàn, không bỏ bê đàn heo càng khiến cho nguy cơ phá sản cao hơn.
Người chăn nuôi thì điêu đứng, còn người buôn bán sản phẩm thịt heo cũng không khá khẩm hơn. Tại các chợ, mặt hàng thịt heo giờ trong hoàn cảnh không bán thì không có tiền chạy chợ, mà lấy bán thì thịt ế thay cơm. Do người tiêu dùng có tâm lý e ngại, nên không còn mặn mà với thịt heo, dù rằng heo có nguồn gốc rõ ràng và trước kia vẫn thường sử dụng của chủ quen biết. Cô Lê Thị Hiền, Chủ sạp thịt heo, chợ Tân Long, huyện Phú Giáo ngao ngán: Các chú thấy đó, chào mỏi miệng mà có ai mua. Những ngày này khách của tôi quay sang mua cá và các sản phẩm khác. Họ cũng chả nói lý do, chào họ chỉ cười rồi đi thẳng tới hàng cá mua. Lâu lâu mới có một người khách quen ghé mua một vài lạng thịt, giống như mua về có việc. Trước đây, ở chợ này mỗi buổi sáng tôi cũng bán được 30kg đến 40kg, thì nay không nổi 20kg. Bán buôn phát chán, nhiều khi muốn nghỉ bán cho qua đợt này, nhưng nghỉ thì không có tiền đong gạo, rồi mối lái bao nhiêu năm nay bỏ đi mất. Thôi ế ẩm thì lấy ít, bán kít, tiền ít. Đây là tình hình chung, chứ không riêng gì thương lái. Thương lái chúng tôi heo ngon thì lấy về bán cho khách, không thì thôi, chứ người nuôi còn khổ hơn nhiều. Ráng gồng, chỉ mong tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát và dập tắt để người chăn nuôi heo, những tiểu thương bán thịt heo chúng tôi ổn định chăn nuôi, buôn bán, ổn định cuộc sống, tránh nguy cơ phá sản.
Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi và sự hoài nghi, quay lưng của người tiêu dùng đối với sản phẩm thịt heo, ngành chức năng cũng đã có những khuyến cáo đối với người chăn nuôi và người tiêu dùng không nên chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh, cũng không nên quay lưng với sản phẩm thịt heo. Ông Trần Minh Đức, Trưởng Trạm chăn nuôi và thú y huyện Phú Giáo cho biết: Mặc dù tình hình dịch tả heo Châu Phi chưa được dập tắt, tuy nhiên cũng đã có những dấu hiệu về việc kiểm soát dịch bệnh ở các địa phương. Đối với người chăn nuôi ở Phú Giáo Trạm đề nghị người chăn nuôi tiếp tục tăng cường công tác vệ sinh, tiêu độc, sát trùng chuồng trại chăn nuôi bằng các biện pháp đã được hướng dẫn cụ thể. Hạn chế không nên tăng đàn, tái đàn. Nếu có tăng đàn, tái đàn cần chú ý việc nhập giống phải có nguồn gốc rõ ràng, có khu vực cách ly, theo dõi một thời gian rồi mới nhập đàn. Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của đàn heo, quản lý chặt chẽ chuồng trại; hạn chế tối đa phương tiện và người ra vào chuồng trại; phải tổ chức sát trùng người và phương tiện khi ra vào trại. Có giải pháp xử lý kịp thời nếu có nghi ngờ về dịch bệnh. Khi heo bị bệnh, bị chết phải báo ngay với cơ quan thú y, chính quyền địa phương để có hướng giải quyết kịp thời. Tuyệt đối không được bán tháo, bán chạy heo khi bị bệnh, không mổ, vứt xác heo chết ra môi trường.
Đối với người bán không nên lấy các sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch. Mổ bán heo bệnh, heo chết, thịt heo để lâu ngày. Với người tiêu dùng thì không nên lo lắng, tẩy chay sản phẩm thịt heo, dù dịch tả heo Châu Phi có thể gây chết 100% đàn heo khi mắc bệnh, nhưng dịch tả heo Châu Phi không lây qua người, nên không đe dọa đến tính mạng con người. Virus dịch tả heo Châu Phi bị tiêu diệt hoàn toàn ở nhiệt độ 1000C, nên khi sử dụng người tiêu dùng nên nấu chín thức ăn trước khi sử dụng. Đặc biệt không nên ăn tiết canh, hoặc các sản phẩm chưa được chế biến, nấu chín. Khi mua thịt heo, nên chọn sản phẩm thịt heo có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận kiểm soát giết mổ.
HOÀI PHƯƠNG