Nghiêm túc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (07/03/2019)
Nghiêm túc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) vào ngày 04/3/2019.
Tham dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và các Bộ, ngành liên quan.
Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự có ông Trần Thanh Liêm – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Dương
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 01/02/2019 đến 03/3/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. Nguy cơ bệnh DTLCP lây lan nhanh, ở phạm vi rộng và làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an sinh xã hội và môi trường là rất lớn.
Theo nghiên cứu dịch tễ, có 3 nguyên nhân chính khiến bệnh DTLCP lây lan, trong đó 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% là do sử dụng thức ăn thừa; 19% là do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng. Do bệnh DTLCP không lây nhiễm và gây bệnh ở người nên nhiều người chăn nuôi lợn chủ quan.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, DTLCP là bệnh dịch rất nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn. Bởi lẽ, virus gây bệnh lan truyền rất nhanh bằng nhiều đường, nhiều hình thức và đã xâm nhập vào đàn lợn là tỷ lệ chết rất cao, thậm chí 100%. Trên thế giới chưa tìm ra vacxin phòng, chống. Nếu không khống chế được thì tổn hại về kinh tế sẽ rất lớn.
Hiện DTLCP đã xảy ra ở 7 tỉnh, thành của Việt Nam
Tại Bình Dương, khi có những thông tin về dịch bệnh này bùng phát ở Trung Quốc, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 6089/KH-UBND ngày 17/12/2018 về hành động ứng phó bệnh DTLCP nhằm đồng bộ các biện pháp phòng, chống, ứng phó nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP vào địa bàn tỉnh. Ngày 26/02/2019, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản đã có văn bản số 99/CCCNTYVTS-QLDB gửi các trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh DTLCP.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về kết quả phòng, chống bệnh DTLCP tại địa phương mình quản lý. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phải có hướng dẫn thanh toán kịp thời cho các địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này, để không gây hoang mang và quay lưng với thịt lợn sạch, không để do vấn đề này mà ngành chăn nuôi ở Việt Nam bị ứ đọng, đình trệ.
Trước đó, để ngăn chặn dịch bệnh có khả năng lây nhiễm từ bên ngoài, Thủ tướng đã chỉ đạo nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Liên quan tới công tác hỗ trợ ngành chăn nuôi lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy. Bộ cũng lưu ý bệnh không lây sang người nên người tiêu dùng không nên quay lưng với các sản phẩm thịt lợn an toàn và bảo đảm chất lượng.
Nguồn: www.binhduong.gov.vn