Những bước tiến mới trong tiến trình hội nhập (12/12/2018)
Những bước tiến mới trong tiến trình hội nhập
14:43 - 12/12/2018
(Cổng ĐT HND)- Với phương châm “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VII nhiệm kỳ 2018-2023 tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của nhiệm kỳ 2013-2018, khắc phục những hạn chế, theo đó Đại hội Hội đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, phương hướng và giải pháp để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả cao.
|
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tới dự Đại hội
|
Hằng năm bình quân có hơn 6,5 triệu hộ đăng ký NDSXKDG. Theo Báo cáo, nhiệm kỳ 2013-2018 phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các cấp Hội tập trung chỉ đạo, tuyên truyền vận động hội viên, nông dân đăng ký thực hiện và hằng năm bình quân có hơn 6,5 triệu hộ đăng ký, trong đó có trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp,đạt 113,2% so với chỉ tiêu Đại hội VI đề ra. Hằng năm, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 220.000 hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 15.000 tỷ đồng. Tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động; giúp hơn 100 ngàn hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả, giàu có; đóng góp xây dựng hàng chục ngàn căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa và giúp cho trên 01 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất. Hằng năm,Trung ương Hội và các cấp Hội tổ chức các hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường nông thôn chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đã xây dựng được 11.559 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn, đạt 110,2% so với chỉ tiêu Đại hội VI đề ra.
Hội hỗ trợ nông dân bằng nhiều hình thức
Theo báo cáo, đến nay, 54 tỉnh, thành ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố bố trí mặt bằng để xây dựng Trung tâm Hỗ trợ nông dân; 63 tỉnh, thành phố và 457/688 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã cấp ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân; ký 21 chương trình phối hợp với Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp và 690 chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh, thành phố với các sở, ngành. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân”, với tăng trưởng bình quân 19,53%/năm, đạt 130,2% so với chỉ tiêu Đại hội VI đề ra. Tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cả nước đạt 2.909,8 tỷ đồng, doanh số cho vay hơn 6.404 tỷ đồng, xây dựng được 15.529 mô hình liên kết hợp tác, hỗ trợ 310.050 lượt hộ hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Nguồn vốn từ phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng mạnh. Nhiều địa phương chủ động phối hợp với các ngân hàng thương mại giúp hội viên, nông dân vay hàng trăm tỷ đồng đưa vào sản xuất, kinh doanh.
Các cấp Hội tích cực phối hợp, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp bảo lãnh, trợ giá, lãi suất ngân hàng... cung cấp phân bón, cây giống, con giống trả chậm đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý trị giá trên 6.832,8 tỷ đồng; cung cấp, chuyển giao 2.079 máy nông nghiệp theo phương thức trả chậm giúp nông dân phát triển sản xuất. Hằng năm các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp đào tạo nghề cho 231.605 nông dân đạt 105,3% so với chỉ tiêu Đại hội VI đề ra. Trên 80% nông dân có việc làm ổn định sau khi học nghề. Đồng thời, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho nông dân và đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể
Các cấp Hội phối hợp tổ chức được 240.594 cuộc tuyên truyền cho hơn 12 triệu lượt hội viên, nông dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể; tổ chức được 14.691 lớp tập huấn cho 847.600 lượt cán bộ, hội viên, nông dân, thành viên của tổ hợp tác, hợp tác xã về kiến thức kinh tế hợp tác; phối hợp với sở kế hoạch và đầu tư, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, liên minh hợp tác xã tổ chức 9.486 lớp tập huấn cho 434.970 lượt cán bộ Hội về kinh tế tập thể.
Trung ương Hội ký chương trình phối hợp với các bộ, ngành để đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020. Các cấp Hội hướng dẫn thành lập 1.135 hợp tác xã và 101.000 tổ hợp tác như: Tổ thuỷ nông, tổ làm đất, tổ bảo vệ thực vật, tổ thu hoạch, tổ cung ứng vật tư hoặc tiêu thụ nông sản và các tổ chuyên ngành theo sở thích… tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho nông dân. Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực tổ chức giám sát việc thực hiện một số chính sách, pháp luật, chương trình, dự án triển khai trên địa bàn nông thôn liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nông dân như: Pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; chính sách, pháp luật về quy hoạch và quản lý đất đai, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường nông thôn; các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới; chính sách của Nhà nước hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và an sinh xã hội; chính sách kích cầu sản xuất, cơ giới hoá nông nghiệp, hỗ trợ lãi suất.
|
Các đại biểu về dự Đại hội
|
Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tham vấn, đối thoại lấy ý kiến phản biện xã hội để kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về tích tụ và tập trung đất đai; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; quản lý vật tư nông nghiệp; phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; vai trò chủ thể của nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới…Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam khẳng định quyết tâm của toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018 -2023, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguồn:www.hoinongdan.gov.vn