Huyện Bắc Tân Uyên tổ chức Hội thảo giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện (13/06/2018)
Huyện Bắc Tân Uyên tổ chức Hội thảo giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện.
Hội thảo đã diễn ra vào sáng ngày 13/6/2018 tại hội trường huyện Bắc Tân Uyên. Dự và đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Sở Công thương, Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn, Sở Khoa học công nghệ và Ủy ban Nhân dân huyện. Tham dự còn có các nhà Khoa học, Cục sở hữu trí tuệ, Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững, các doanh nghiệp, siêu thị, chợ đầu mối cùng hơn 150 đại biểu là chủ các trang trại, hợp tác xã và các hộ nông dân trồng cây ăn trái có múi trên địa bàn.
Trong thơi gian qua, trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên đã hình thành nhiều vùng cây ăn trái có múi (cam, bưởi, quýt) đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn huyện có 2.091 ha cây ăn trái có múi, trong đó hơn 100 ha được sản xuất theo hướng vietgap tập trung tại các xã Hiếu Liêm, Tân Mỹ, Tân Định. Nông dân trên địa bàn đã dần áp dụng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhiều giống, chủng loại mang lại giá trị kinh tế cao như cam sành, cam soàn, bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, quý đường… thu nhập bình quân hàng năm trên 800 triệu đồng/ha. Đặc biệt là cây cam, với sản lượng bình quân mỗi năm đạt 60 tấn/ha mang lại lợi nhuận bình quân hàng năm từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ/ha. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chủ trì triển khai 5 đề tài, dự án: Dự án “Xây dựng mô hình tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi theo hướng vietgap tại xã Hiếu Liêm”. Dự án “Hỗ trợ sản xuất phát triển vùng cây ăn quả có múi xã Hiếu Liêm”. Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Bắc Tân Uyên”. Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất cây ăn trái có múi (cam, bưởi, quýt) theo hướng nâng cao chuỗi giá trị sản xuất”. Dự án “Xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể quýt Bắc Tân Uyên”.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình sản xuất nông nghiệp, những thuận lợi và khó khăn trong trồng và tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái có múi. Trong đó, người nông dân đặc biệt quan tâm và băn khoăn các vấn đề về: chính sách hỗ trợ của nhà nước còn khó tiếp cận, thủ tục khó khăn nhất là chính sách hỗ trợ vay vốn; dự báo thị trường tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp thiếu ổn định, việc sử dụng và quản lý nhãn hiệu tập thể, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo quản nông sản; vấn đề xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất....
Kết luận buổi hội thảo, bà Trần Thị Minh Hạnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đã phát biểu tiếp thu ý kiến của tất cả đại biểu. Trong thời gian tới UBND huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đối với các ngành, các cấp trong việc xây dựng các cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ người nông dân. Đồng thời xây dựng các phương án điều chỉnh quy hoạch vùng trồng cây có múi. Bà Hạnh cũng đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, cấp tỉnh tăng cường nghiên cứu chuyển giao các tiến bộ khoa học vào sản xuất, sửa đổi bổ sung các thủ tục trong các chính sách hỗ trợ nông dân; tăng cường xây dựng các chương trình quảng bá sản phẩm.
Đ-N-H