NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH CÙNG HỘI NÔNG ÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG (01/02/2018)
NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH CÙNG
HỘI NÔNG DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐƯA TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH
ĐẾN HỘ NGHÈO VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH KHÁC
Năm 2017, có thể nói là năm thành công nhất trong 15 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
15 năm qua Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn, trong đó có Hội Nông dân đã tạo thành kênh dẫn vốn tín dụng chính sách an toàn, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm tối đa chi phí xã hội, đưa vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn; đồng thời thực hiện được mục tiêu công khai hóa tín dụng chính sách, huy động được bộ máy, con người, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, trên cơ sở bình xét, phê duyệt của UBND cấp xã, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Dương đã phối hợp với 04 tổ chức Hội nhận ủy thác giải ngân, hỗ trợ vốn kịp thời cho 26.100 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn với tổng doanh số cho vay 746.000 triệu đồng, tăng 134.000 triệu đồng so với năm trước. Nâng tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh Bình Dương lên 1.775 triệu đồng, tăng 369.000 triệu đồng (tăng 26,3%) so với năm trước. Trong đó: dư nợ ủy thác cho vay qua Hội Nông dân trên địa bàn đạt 570.000 triệu đồng, chiếm 34% tổng dư nợ ủy thác, với 22.878 hộ vay còn dư nợ là thành viên của 534 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, dư nợ bình quân 25 triệu đồng/hộ.
Để có nguồn vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay của đối tượng thụ hưởng, bên cạnh các nguồn vốn được tiếp nhận từ Ngân hàng Chính sách xã hội trung ương, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Dương còn phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, các đơn vị có liên quan tích cực tuyên truyền, vận động huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong đoàn viên, hội viên, dân cư trên địa bàn; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh, Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cân đối ngân sách địa phương, ủy thác bổ sung nguồn vốn cho vay. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động tại chổ đạt 913.000 triệu đồng, chiếm 52% tổng nguồn vốn cho vay. Trong đó, vốn huy động trên thị trường được trung ương cấp bù lãi suất đạt 193.000 triệu đồng, vốn nhận ủy thác cho vay từ ngân sách địa phương đạt 720.000 triệu đồng.
Nhằm đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn vay, song song việc cấp tín dụng chính sách, các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác, đặc biệt là Hội Nông dân tỉnh đã quan tâm và làm rất tốt việc lồng ghép tín dụng chính sách với các chương trình khuyến nông – khuyến ngư, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hướng dẫn, đào tạo nghề; nêu gương, nhân rộng mô hình nông dân SXKD giỏi, mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sử dụng cây, con giống mới có chất lượng tốt... chúng tôi cho rằng đây là điều kiện cơ bản quan trọng giúp cho hộ vay an tâm đầu tư, sản xuất, phát huy tối đa hiệu quả kinh tế vốn vay, từ đó thoát nghèo bền vững và trả được nợ cho Nhà nước.
Một trong những điểm sáng trong công tác phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và Hội Nông dân tỉnh Bình Dương trong năm 2017 là đã làm cho tín dụng chính sách trở thành một trong những giải pháp quan trọng, hữu hiệu góp phần tạo điều kiện 1.200 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm ổn định cho hơn 3.000 lao động; giúp cho 700 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trãi chi phí học tập; xây dựng mới và cải tạo trên 3.800 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn đạt chuẩn quốc gia...
Có được những kết quả trên, chúng tôi thiết nghĩ trong suốt thời gian qua, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các cấp, hoạt động tín dụng chính sách còn nhận được sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của Hội Nông dân tỉnh và các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác khác trong việc tuyên truyền đưa tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng; tổ chức bình xét cho vay công khai, dân chủ; kiểm tra, giám sát chặt chẽ mục đích, hiệu quả sử dụng vốn vay... nên hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Bình Dương không ngừng phát triển lớn mạnh và đã góp phần tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Những kết quả nêu trên cũng mới chỉ là bước khởi đầu, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo và chắc chắn sẽ còn không ít khó khăn phía trước. Chính vì thế trong những năm tiếp theo chúng tôi mong muốn và hy vọng tiếp tục nhận được sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa của Hội Nông dân tỉnh Bình Dương, các đoàn thể nhận ủy thác khác… để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời vốn sản xuất của bà con nông dân, nhất là hộ nghèo, hộ đối tượng chính sách khác, từ đó phục vụ tốt hơn mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế của địa phương./.
Nguyễn Bá Phương
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Dương