Bài viết nông thôn mới (25/12/2017)
NÔNG DÂN BÌNH DƯƠNG THAM GIA PHONG TRÀO XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
GẮN VỚI PHONG TRÀO NÔNG DÂN THI ĐUA SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỎI
Để góp phần cùng địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên nông dân không chỉ được xác định là nhiệm vụ mà còn là giải pháp trọng tâm của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh; chính vì vậy ngay đầu năm 2017, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội, đặc biệt là cơ sở Hội đẩy mạnh ba phong trào thi đua do Trung ương Hội phát động trong hội viên nông dân. Tập trung tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cho hội viên nông dân như tập huấn, hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển phong trào.
Năm 2017, các cấp Hội trong tỉnh đã phối hợp các ngành nông nghiệp, khoa học – công nghệ, các công ty phân bón, thú y, thuốc bảo vệ thực vật…Tổ chức được 686 lớp tập huấn và hội thảo về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chuyển giao khoa học kỹ thuật mô hình trồng dưa lưới; trình diễn về sản xuất và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, phân bón cho 28.269 lượt hội viên nông dân; tổ chức 185 chuyến tham quan mô hình trong và ngoài tỉnh cho 2.154 lượt cán bộ, hội viên nông dân, xây dựng được 68 mô hình trình diễn; tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân tiếp cận mô hình ứng dụng khoa học – công nghệ, giống mới với 87 mô hình; cấp 11 giấy chứng nhận VIETGAP về trồng trọt và chăn nuôi. Để giúp hội viên nông dân tiếp nhận thông tin, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản, các cấp Hội tư vấn, hướng dẫn nông dân tiếp cận chính sách theo Quyết định 04/2016 và Quyết định số 63/2016 của UBND tỉnh; kết quả có 2.008 hộ nông dân được hỗ trợ để cải tạo, chăm sóc vườn cây ăn quả đặc sản với số tiền gần 6,2 tỷ đồng theo Quyết định số 63; 13 hộ nông dân, trang trại tiếp cận vốn vay ưu đãi từ quyết định số 04 thông qua19 phương án với số tiền trên 73,6 tỷ đồng để sản xuất, chăn nuôi. Công nhận thương hiệu Cam, Bưởi Bắc Tân Uyên; ký hợp đồng tiêu thụ với một số Công ty, hệ thống siêu thị.
Các cấp Hội đã vận động, bổ sung và nhận ủy thác của ngân sách xây dựng Quỹ HTND trên 13 tỷ đồng; nâng tổng nguồn vốn quỹ HTND trên 110 tỷ đồng, các cấp Hội đã xét cho 4.078 hộ vay đầu tư vào 269 dự án sản xuất, chăn nuôi và dịch vụ; bên cạnh đó, các cấp Hội còn phối hợp với Ngân hàng CSXH giải ngân tổng số tiền trên 224 tỷ đồng cho hội viên nông dân vay. Nâng dư nợ của toàn tỉnh trên 550 tỷ đồng và thành lập được 535 tổ tiết kiệm và vay vốn với 22.862 thành viên. Ngoài ra, các cấp Hội phối hợp với các tổ chức tín dụng và thực hiện vốn tương trợ xoay vòng giúp cho 2.570 hội viên, với số tiền trên 37 tỷ đồng để phát triển sản xuất.
Trong năm 2017, các cấp Hội trực tiếp hướng dẫn thành lập được 130 mô hình tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả như mô hình nuôi bò sữa Phú An, trồng mai vàng ở xã An Tây (thị xã Bến Cát); chăm sóc vườn bưởi ở xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên); chăm sóc cây măng cụt ở xã Thanh Tuyền, chăn nuôi trâu, bò sinh sản ở xã Định Thành (huyện Dầu Tiếng). Các mô hình hợp tác sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng VIETGAP, phát triển bền vững thân thiện với môi trường như mô hình Hợp tác xã cây có múi; hoa lan, cây cảnh; nuôi lươn không bùn; nuôi cá nước ngọt; trồng nấm; hoa màu…Thành lập được 10 Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp như Hợp tác dịch vụ nông nghiệp Minh Hòa Phát (huyện Dầu Tiếng); HTX chăn nuôi, dịch vụ Phú Giáo (huyện Phú Giáo); HTX dược liệu Miền Đông, HTX Yến Phú Thương (Thủ Dầu Một), HTX nông nghiệp An Sơn (thị xã Thuận An),
Nêu cao tinh thần tương trợ trong hội viên nông dân, các cấp Hội đã vận động các hộ NDSXKD giỏi, các đại lý, Công ty bán trả chậm vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn gia súc…Với số tiền trên 13 tỷ đồng, giúp cho 2.667 hộ hội viên nông dân sản xuất, chăn nuôi; kết quả giúp cho 405 hộ thoát nghèo, trong đó số hộ thoát nghèo do Hội giúp đỡ là 189 hộ góp phần giảm số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 32.176 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Cùng với đó công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho nông dân được quan tâm đẩy mạnh; năm 2017, Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp tổ chức được 26 lớp dạy nghề cho 784 con em nông dân; các huyện, thị, thành Hội phối hợp với các ngành tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg được 74 lớp có 1.853 con em nông dân tham dự. sau khóa học có 2.429 người có việc làm và tạo việc làm, tạo thu nhập cho bản thân và gia đình.
Bên cạnh, trong phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội đã vận động hội viên nông dân đóng góp công lao động, đất, hoa màu trên đất và tiền quy thành tiền trên 21,7 tỷ đồng để nâng cấp, tu sửa, dặm vá đường giao thông nông thôn, khu phố được 275,6 km; kênh mương đã được kiên cố hóa, sửa chữa 68,9 km. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/HNDTW ngày 21/4/2014 về “Nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014 – 2020 và Dự án “Nông dân Bình Dương tham gia bảo vệ môi trường nông thôn” giai đoạn 2015 – 2017, trong năm các cấp Hội đã tham gia xây dựng được 142 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các huyện, thị, thành Hội triển khai đến các cơ sở Hội tiếp tục tổ chức tuyên truyền để hội viên nông dân xác định được vai trò chủ thể ở nông thôn trong quá trình tham gia phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới và khơi dậy trong hội viên nông dân tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần sáng tạo vươn lên trong lao động sản xuất, đồng thời phát động hội viên nông dân tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh./.
Hữu Vinh