Chương trình “Nghĩa tình biên giới” của tỉnh Bình Dương "San sẻ yêu thương cùng bà con vùng biên" (02/07/2020)
Chương trình “Nghĩa tình biên giới” của tỉnh Bình Dương
San sẻ yêu thương cùng bà con vùng biên
Rời Quốc lộ 13 vào con đường liên thôn, liên xã quanh co, chúng tôi đến với bà con ở Lộc Hòa, Lộc Ninh, Bình Phước khá sớm. Để bà con khỏi đợi chờ nhận quà và được khám, chữa bệnh lâu, hôm đó từ 5 giờ sáng, xe của đoàn thực hiện Chương trình “Nghĩa tình biên giới” của tỉnh Bình Dương đã xuất phát. Đây là Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân 02 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, còn gọi là cụm thi đua số 7. Đoàn cán bộ Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cùng với Uỷ Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ Thập đỏ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật... cùng 30 y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa An Phú đã hăng hái lên đường đến thăm, tặng quà, khám chữa bệnh miễn phí cho các gia đình chính sách, bà con nghèo.
Bác sĩ khám, chữa bệnh cho bà con nghèo dân tộc S’Tiêng
Ngồi cùng bà con ở sân đợi đến khi gọi tên khám, chữa bệnh. Nhận quà, ông Điểu Diêm, 68 tuổi ở xã Lộc Hòa cho biết vợ chồng ông có 2 người con nhưng “cả 2 đứa con đều nghèo như nhau, không giúp đỡ ba mẹ được”. Vợ chồng ông phải đi làm thuê làm mướn trong rẫy cho người ta được đồng nào hay đồng đó. Việc đi bệnh viện khám bệnh là điều ông không dám nghĩ tới bởi không có tiền đi xe, lo ăn uống dọc đường và mua thuốc chữa bệnh. Thế nên khi biết có đoàn bác sĩ về tận xã để khám, chữa bệnh miễn phí với thiết bị máy móc đầy đủ, ông rất mừng. Ông nói rằng: từ ngày bị ảnh hưởng do dịch Covid- 19 đến nay, gia đình ông đã nhận được rất nhiều quà từ chính quyền địa phương cũng như các đoàn ngoài tỉnh đến trao tặng. Ông rất vui vì điều này và ông cũng mong sau khi khám bệnh xong, không bị bệnh gì quá nặng để “ngày mai còn lên rẫy với bà nhà tôi nữa chớ”…
Bà Thị Đương, nhà ở ấp 8B, xã Lộc Hòa thì nhìn già hơn rất nhiều so với tuổi 61 của bà. Làn da nhăn nheo và đen sạm, thân hình ốm yếu còm cõi cũng đang ngồi chuyện trò cùng bà con. Hỏi bà có có bệnh gì không hoặc nghe trong người như thế nào mà đi khám, bà nói tuổi già thì bệng thôi! Bà cũng rất vui cho biết đã nhận được nhiều quà hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các đoàn thiện nguyện, các tổ chức tôn giáo đến thăm, tặng gạo và tiền để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên khám bệnh, phát thuốc miễn phí thì đây là lần đầu tiên. Hi vọng không bị bệnh tật gì nặng để “chăm nương rẫy, nuôi con heo con gà” là điều mà tất cả những người dân chúng tôi gặp mong muốn. Đa phần những người trẻ đã đi làm ăn ở Bình Phước, Bình Dương, TP.HCM… những người còn lại sống qua ngày với thu nhập từ vườn, rẫy hoặc đi làm thuê tại các trang trại trồng cây ăn trái quanh vùng.
Chị Nguyễn Thị Nhung, 51 tuổi là một trong số ít những người Kinh mà tôi gặp hôm đó. Chị đã theo đoàn từ đầu đến cuối. Theo chị Nhung, là người Kinh nhưng chị đã ở cùng bà con dân tộc S’tiêng nhiều năm qua và hiểu tiếng nói của họ. Chị Nhung cho biết rất nhiều lần các đoàn từ thiện về khám bệnh tặng quà trị đều tham dự từ đầu đến cuối bởi lực lượng cán bộ thì mỏng, bà con tập trung đông, thường 300 - 400 người nên chị tình nguyện làm … thông dịch viên để giúp bà con khai bệnh với bác sĩ và dặn dò, an ủi họ cũng như nhắc lại các hướng dẫn của bác sĩ về việc uống thuốc.
Ông Đỗ Ngọc Huy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh (bìa phải) tặng quà cho gia đình
chính sách xã Lộc Hòa, Lộc Ninh, Bình Phước
Nói về tinh thần thiện nguyện của những người tham gia và ý nghĩa của chuyến đi này, ông Đỗ Ngọc Huy - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cho biết: Chương trình “Nghĩa tình biên giới” nhằm giúp bà con có điều kiện để vượt qua khó khăn do Covid-19 gây ra trên địa bàn xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Chương trình gồm có các hoạt động như: Thăm hỏi và tặng quà cho gia đình chính sách, khám, chữa bệnh và phát thuốc cho đồng bào nghèo do Bệnh viện Đa khoa An Phú tổ chức thực hiện. Cũng trong chuyến đi này, đại diện cán bộ, hội viên nông dân từ các huyện, thị, thành phố của tỉnh Bình Dương (3-5 người/ một huyện, thị, thành phố) sẽ đến tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm những mô hình nông nghiệp hay của nông dân sản xuất giỏi ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Chương trình còn nhằm giúp nông dân 2 tỉnh Bình Dương- Bình Phước kết nối trong việc tìm hướng ra cho nô
ng sản, giúp nông dân gặt hái thành công trong sản xuất, kinh doanh… Chương trình đã tặng quà cho 50 gia đình chính sách trị giá 700.000 đồng/ hộ. Khám bệnh miễn phí và tặng quà cho gần 300 người nghèo trị giá 350.000 đồng / người. Đoàn cũng đã tặng 1 tấn gạo giúp người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Tình cảm càng thắm đượm, đong đầy hơn khi đoàn chúng tôi đến tận nhà thăm một số gia đình chính sách tiêu biểu tại Lộc Ninh, Bình Phước. Các cô chú là cán bộ cách mạng lão thành rất vui mừng khi chúng tôi ghé thăm. Theo các cô chú, Bình Dương không chỉ làm tốt công tác an sinh xã hội trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh, thành bạn và các nước bạn, làm rất tốt những chương trình đến với biên giới, hải đảo. “Riêng với Bình Phước vẫn như tình anh em một nhà nên cô chú rất quý khi có ai đến thăm hỏi, động viên”- một cán bộ cách mạng lão thành chia sẻ với chúng tôi như thế.
Nụ cười y, bác sĩ tình nguyện
Bác sĩ CK2.Nguyễn Bảo Hiến, Giám đốc Bệnh viện An Phú, TP.Thuận An cũng là Trưởng đoàn hơn 30 y, bác sĩ tình nguyện hôm đó cho biết; những chương trình thiện nguyện đi vùng sâu, vùng xa để khám, chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số luôn được lãnh đạo bệnh viện quan tâm thực hiện trong kế hoạch hàng năm. Bình quân mỗi năm bệnh viện tổ chức 1-2 chuyến khám, chữa bệnh từ thiện. Lần nào đi cũng đầy đủ các khoa như: Nội, Ngoại, Da liễu… Dụng cụ, trang thiết bị y tế thì có máy siêu âm, chụp X.quang, máy đo loãng xương… Chi phí cho mỗi chuyến đi từ thiện xã hội khoảng 60- 80 triệu đồng. “Mỗi lần khám bệnh, phát thuốc theo kế hoạch là 200 người nhưng thực tế, chúng tôi khám, chữa bệnh hết cho những ai đã đến dù có phiếu phát ra từ trước hay không. Chúng tôi khám, chữa bệnh cho đến người cuối cùng mới được nghỉ ngơi, thu dọn dụng cụ, thiết bị y tế trở về bệnh viện”- bác sĩ Bảo Hiến chia sẻ: Cũng theo ông, đây là cách để các y, bác sĩ trẻ trực tiếp gặp gỡ, thấu hiểu người có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ rèn luyện y đức tốt hơn so với suốt ngày ngồi ở phòng khám của bệnh viện hay làm thêm ở các phòng khám ngoài giờ.
Xế chiều, đoàn của chúng tôi mới trở về Bình Dương trong niềm hân hoan rằng mình đã làm được việc làm ý nghĩa, đã đem niềm vui đến với bà con nghèo. Sẽ còn những chuyến “Nghĩa tình biên giới” tốt đẹp như thế trong thời gian tới và chúng tôi lại sẵn sàng lên đường đến với bà con vùng biên giới thân thương của tỉnh Bình Phước.
Ngọc Tuyết