MÔ HÌNH TRỒNG LAN GIỮA PHỐ CỦA NÔNG DÂN SẢN XUẤT KINH DOANH GIỎI ÔNG LÊ THÀNH TRUNG (16/08/2017)
Ông Lê Thành Trung đang chăm sóc vườn lan Mokara cắt cành
Hoa lan một trong những loại cây trồng cho thu nhập và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình phát triển nông nghiệp đô thị, đảm bảo môi trường sống ngày càng tốt hơn và làm tăng vẻ mỹ quan đô thị. Với niềm đam mê cây cảnh, Ông Lê Thành Trung tại phường Hiệp An, Tp. Thủ Dầu Một. Đã có một vườn lan mokara cắt cành cho thu nhập khá ổn định. ông cho biết, năm 1974, ông lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Cho đến năm 1980, khi trở về quê hương, ông tiếp tục làm ruộng và tiếp tục phát triển nghề sơn mài truyền thống của gia đình.
Chúng tôi gặp ông vào một buổi trưa đứng nắng khi ông đang chăm sóc vườn lan mokara cắt cành. Ông là một trong những người đi đầu trong nghề trồng và kinh doanh lan cắt cành tại địa phương. Vừa qua, ông Trung còn vinh dự là một trong những chủ trang trại tiêu biểu được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh giỏi.
Ông Trung kể, cơ duyên đến với nghề trồng lan mà ông gọi vui là "làm chơi ăn thiệt". Vốn yêu thích hoa kiểng, nhất là các loài hoa lan từ thời còn thanh niên, đi nơi nào thấy lan đẹp, kiểu dáng và màu sắc hoa lạ ông cũng mua, sưu tầm về treo trước nhà.
Đến năm 2009, khi được địa phương giới thiệu tham gia lớp dạy nghề đào tạo kỹ thuật trồng và chăm sóc sinh vật cảnh, ông Trung đã mạnh dạn tham gia. Sau 2 tháng tham gia khóa học, ông tốt nghiệp với loại suất sắc. Từ đây càng thôi thúc ông gắn bó hơn với cây lan.
Bằng niềm đam mê của bản thân, ông Trung vay mượn của gia đình được ba mươi triệu đồng, ông bắt đầu xây dựng vườn và trồng 300 cây lan Môkara cắt cành . “Lúc đầu gia đình cũng ngăn cản vì thấy chi phí lớn, không biết sẽ bán ở đâu, ai tiêu thụ hết” - ông Trung kể lại.
Với 300 cây lan trồng ban đầu, sau gần 1 năm cây thích nghi, sinh trưởng tốt và bắt đầu ra hoa. Nhưng lúc đó, ông Trung vẫn đang chật vật đem hoa đi chào hàng ở những shop hoa. Có những hôm, hoa không bán được mà còn bị ép giá. Không nản lòng, ông Trung tiếp tục đi tìm thị trường. ông Trung cùng 4 người bạn trong khóa học đã bàn bạc rồi cùng nhau đi vận động bà con tham gia câu lạc bộ trồng lan để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tìm hướng phát triển lâu dài. Năm 2010, câu lạc bộ trang trại hoa lan tỉnh Bình Dương ra đời với 28 hội viên, đến nay CLB phát triển được gần 100 hội chia thành 7 tổ trên toàn tỉnh. Là thành viên trong ban chủ nhiệm câu lạc bộ, ông Trung luôn mạnh dạn đề xuất xây dựng các mô hình cải tiến ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, vận động hội viên thực hiện.
Từ năm 2012, câu lạc bộ đã ký được hợp đồng với Công ty xuất nhập khẩu hoa lan Thanh Phong tại TP.HCM thu mua được 200.000 cành hoa, giá bình quân 6.000 đồng/cành. Từ đó, ông và các thành viên trong câu lạc bộ không còn phải lo lắng về thị trường tiêu thụ cây lan.
Để tiết kiệm được công lao động, và nâng cao hiệu quả kinh tế, vườn lan của ông Trung đã và đang áp dụng mô hình tưới phun sương bán tự động cho vườn lan cắt cành, hệ thống này giúp tiết kiệm 60% lượng nước tưới, 70% lượng điện tiêu thụ, 70% công lao động. Trung bình 1.000 m2 trồng lan sẽ tiết kiệm được 50 triệu đồng/năm.
Qua nhiều năm gầy dựng, giờ đây vườn lan của gia đình ông đã có diện tích lên đến hơn 2.000 m2 với khoảng 8.000 cây lan Mokara các loại và một số giống lan rừng. Mỗi tuần cung cấp cho thị trường hơn 300 cành lan các loại. Bên cạnh đó, ông còn cung cấp lan giống cho cho thị trường với giá bán 35.000 đồng/cây. Hằng năm mang lại thu nhập cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng.
Sau hơn 7 năm gắn bó với cây lan, ông Trung đã thuộc nằm lòng từng căn bệnh thường gặp trên lan, lúc nào cần thêm độ ẩm, lúc nào cần bón phân dinh dưỡng… Ông say sưa kể với chúng tôi về cây lan Mokara thường bị nấm lá như thế nào, cách tưới nước ra sao... Thông thạo là vậy nhưng lúc rảnh ông Trung lại đọc sách, tìm tài liệu mới hướng dẫn kỹ thuật trồng lan, và chịu khó tìm tòi nhiều kỹ thuật mới để áp dụng vào vườn lan.
Một kinh nghiệm rất hay mà chúng tôi được ông chia sẻ, đó là việc treo túi đựng bột long não trên mỗi hàng của cây lan để xua đuổi côn trùng, hạn chế sâu bệnh. Kinh nghiệm này đã được ông áp dụng nhiều năm nay và rất hiệu quả. Nhiều người cũng đã áp dụng khi đến tham quan, học hỏi từ mô hình của ông. Ông Trung cho biết: “Tôi thấy bỏ long não trong tủ quần áo thì không có kiến, gián và côn trùng khác nên thử nghiệm cho long não vào túi rồi đem treo trên cây lan. Không ngờ cách này rất hiệu quả.”
Theo ông Trung, nghề trồng phong lan đòi hỏi kiên trì, theo dõi từng ngày để nắm các biểu hiện của từng loại cây, nhất là chú ý yếu tố phân và nước cân đối để tránh làm khô hanh hoặc úng cây. Ông Trung chia sẻ thêm, nghề trồng lan quan trọng nhất là khâu chọn giống và xử lý môi trường. Để có vườn lan tốt người trồng phải luôn giữ vườn lan sạch, hệ thống tưới tiêu đầy đủ và giăng lưới bao che bảo vệ. Bên cạnh đó, mật độ trồng lan cũng không nên quá dày để lan có không gian thoáng đãng.
Bằng những kinh nghiệm tích lũy được, ông Trung cho rằng, mô hình trồng lan Mokara cắt cành rất phù hợp với hướng phát triển đô thị của địa phương,đối với nơi nguồn đất đai sản xuất hạn hẹp. Đây là mô hình có thể giúp bà con thoát nghèo, tận dụng được công lao động nhàn rỗi, người tuổi cao, hưu trí cũng có thể làm được. Ông Trung vui vẻ nói: “Càng làm, càng mê nên tôi quyết tâm gắn bó với cây lan, sản xuất lan giống cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, bà con xa gần, ai muốn làm ăn bằng nghề trồng lan, tôi sẵn sàng giúp cây giống và kinh nghiệm”.
Việc trồng hoa lan mokara cắt cành trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một hiện nay không phải mới, nhưng lại có rất ít hộ dân dám đẩy mạnh đầu tư bởi cây lan vẫn chưa phải là cây chủ lực phát triển kinh tế, song một điều có thể nhận thấy đây sẽ là hướng đi tích cực cho người nông dân có quỹ đất ít ở đô thị và có khả năng tạo việc làm tăng thu nhập cho những người hết tuổi lao động ở các công ty, xí nghiệp./.
Như Ngọc