Phong trao xây dựng nông thôn mới (29/06/2016)
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở TỈNH BÌNH DƯƠNG
Tính đến tháng 6-2016, Bình Dương còn 17 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 34,68%. Theo UBND tỉnh, nếu chạy theo thành tích thì con số 17 xã còn lại hoàn thành xây dựng nông thôn mới chỉ trong tầm tay của địa phương trong 1 - 2 năm tới. Tuy nhiên vấn đề đáng quan tâm của chính quyền là làm sao giữ vững nông thôn mới, làm sao người dân khu vực nông thôn thụ hưởng được đầy đủ những lợi ích từ nông thôn mới mang lại.
Bình Dương luôn xác định xây dựng NTM với mục tiêu nâng cao đời sống của nhân dân nên không chạy đua thành tích và luôn căn cứ vào thực tiễn từng địa phương. Trong ảnh: Trường THPT Lê Lợi, xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên được xây mới khang trang, góp phần xây dựng NTM tại địa phương
Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở NN & PTNN, Phó Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho biết, với nguồn kinh phí hạn hẹp, bình quân mỗi huyện, thị xã chỉ được cấp vài chục tỷ đồng mỗi năm để xây dựng nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới Bình Dương dựa rất nhiều vào sự đóng góp của các doanh nghiệp và công sức của người dân.
Chẳng hạn với tiêu chí xây dựng trường học theo chuẩn quốc gia, một ngôi trường tiểu học được hoàn thành cũng sẽ tốn kinh phí trên dưới 100 tỷ đồng. Với số tiền lớn như thế này, nếu Bình Dương cho xây dựng đồng bộ thì không thể hoàn thành chỉ tiêu. Bởi nguồn kinh phí của cả tỉnh đang tập trung cho phát triển công nghiệp và đô thị hóa. Chính vì thế trong chiến lược phát triển đưa Bình Dương trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, người dân khu vực nông thôn được thừa hưởng cơ sở hạ tầng chất lượng từ các chương trình lồng ghép của các sở, ngành liên quan. Bên cạnh đó việc vận dụng mọi nguồn lực tại chỗ đang được phát huy tối đa.
Giai đoạn 2015-2020, nguồn kinh phí vận động từ các doanh nghiệp là trên 2.400 tỷ đồng, vốn từ cộng đồng dân cư đạt gần 3.400 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào công tác xây dựng nông thôn mới. Tính đến cuối năm 2015, các phong trào, các cuộc vận động đã vận động người nông dân đóng góp 54.468 ngày công, hiến 67.275m2 đất. Nhiều người dân đã hiến hàng ngàn m2 đất trị giá hàng tỷ đồng phục vụ xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa…
Ngoài ra, MTTQ, các đoàn thể tỉnh đã vận động được người dân khu vực nông thôn cùng nhau hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo về vốn, vật tư sản xuất, con giống, cây trồng… với số tiền lên đến hơn 312 tỷ đồng. Đã có hàng chục ngàn lượt hộ dân nông thôn được sự tiếp sức từ cuộc vận động này từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Các tổ chức, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh… cũng dựa vào công tác vận động người dân để xây dựng các chương trình thiết thực gắn liền với nông thôn mới…
Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, đối tượng hưởng lợi từ chương trình nông thôn mới là người nông dân. Chính vì thế việc dựa vào sức dân mang rất nhiều ý nghĩa, bởi hơn ai hết chính họ hiểu rõ bản thân địa phương đang cần gì và thiếu gì. Chính từ chủ trương này rất nhiều ý kiến hay, mô hình kinh tế hiệu quả đã thắp lửa dẫn đường cho người dân khu vực nông thôn vươn lên thoát nghèo.
Các mô hình tiêu biểu trong thời gian qua có thể kể đến như: Mô hình trồng rau sạch của Hội Phụ nữ xã Tân Long (Phú Giáo), mô hình phân loại rác thải tại nguồn của xã Phú An (TX.Bến Cát), mô hình trồng dưa lưới tại An Sơn, Bình Nhâm (TX. Thuận An), mô hình trồng cây ăn quả trong chậu tại huyện Bắc Tân Uyên, mô hình tiếng kẻng an ninh tại huyện Dầu Tiếng… đã có tác động tích cực tới mọi mặt nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Hiện Bình Dương còn 17 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó tập trung vào một số tiêu chí rất đáng chú ý. Tiêu chí về giao thông còn 9 xã chưa đạt, tiêu chí trường học còn 10 xã, tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa còn 14 xã, tiêu chí chợ nông thôn còn 7 xã… Lý giải cho điều này, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho biết thêm, về tiêu chí trường học tỉnh đang ưu tiên xây dựng tại các huyện, thị xã tập trung nhiều khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu rất lớn tại đây. Đối với các xã vùng sâu, vùng xa dân cư còn ít, việc xây dựng trường học chuẩn quốc gia là việc làm không mang lại nhiều hiệu quả và rất lãng phí.
Tiêu chí về đường giao thông, nhà văn hóa, chợ… thì từ nhu cầu thực tế của địa phương có rất nhiều ý kiến đóng góp của người dân cho thấy các tiêu chí hoàn thành nông thôn mới cần được tính toán phù hợp với nhu cầu thực tế. Chẳng hạn, việc xây dựng nhà văn hóa cộng đồng để phục vụ hội họp 1 - 2 lần mỗi tháng là sự lãng phí rất lớn. Bởi ngoài việc tốn tiền xây dựng, địa phương còn phải tốn thêm tiền duy trì hoạt động, kinh phí bảo trì, trong khi đó khi hội họp hay sinh hoạt văn hóa cộng đồng, địa phương vẫn có thể tận dụng hạ tầng có sẵn như trụ sở UBND, trường học…
Tương tự như thế về nước sạch và đường giao thông, chợ… xây dựng nông thôn mới cũng cần tính toán đến tính hiệu quả và nhu cầu thực tế của người dân. Bình Dương không hề muốn xây dựng bằng được chợ, trường học, đường giao thông… tại các địa phương có dân cư tương đối thưa thớt vừa gây lãng phí vừa không mang tính hiệu quả. Đó cũng chính là những ý kiến đóng góp của người dân ở khu vực nông thôn trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới. Hơn ai hết, chính họ mới là những người hiểu rõ mình cần gì và thiếu gì. Đây là bài học cho Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung trong việc xây dựng nông thôn mới. Tức là, nên bám sát nhu cầu, nguyện vọng của người dân để đi đến đích cuối cùng một cách bền vững nhất, không để xảy ra nợ đọng, lãng phí trong xây dựng nông thôn mới./.
Phùng Hiếu