Quỹ hỗ trợ nông dân: Điểm tựa giúp nông dân làm giàu (10/06/2016)
Quỹ Hỗ trợ nông dân: Điểm tựa giúp nông dân làm giàu
(ĐCSVN) - Sau 5 năm thực hiện Đề án, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân từ 40 tỉ đồng tăng lên trên hai nghìn tỉ đồng. Doanh số cho vay trong toàn hệ thống Hội đạt trên 5.200 tỷ đồng cho gần 400.000 lượt hộ vay.
Liên kết nông dân với nông dân
Với phương thức mới là cho vay theo nhóm hộ và dự án, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã kết nối từng hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, xoá bỏ dần phương thức làm ăn manh mún thành sản xuất hàng hoá, vừa tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng giá đầu ra, vừa giúp nông dân học tập, nâng cao kiến thức, khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Đồng thời tăng tình đoàn kết, hỗ trợ giữa nông dân với nông dân.
Từ thực tế triển khai, Hội Nông dân Hà Tĩnh đã kết hợp hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân lồng ghép với công tác dạy nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật hiệu quả; xây dựng kinh tế tập thể, giúp nông dân chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa liên kết để phát triển những sản phẩm nông nghiệp có giá trị tăng cao, có hàm lượng công nghệ, theo chuỗi sản phẩm.
Sau 5 năm thực hiện Quỹ Hỗ trợ nông dân đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần giúp tổ chức Hội tham mưu, đề nghị chính sách và phát triển mạnh sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có lợi thế của tỉnh như: Lợn, bò, hươu, tôm; đồng thời tạo niềm tin, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết sản xuất thông qua tổ chức Hội, thay đổi hình thức tổ chức sản xuất vừa tập trung, vừa phân tán nhưng đảm bảo cơ chế liên kết sản xuất đồng nhất về giống, về công nghệ về sản phẩm, xây dựng thương hiệu và nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Tuyết Nhung thì cái “được” lớn nhất từ Quỹ HTND là đã giúp hội viên nông dân có sự gắn kết chặt chẽ với nhau từ khâu sản xuất kinh doanh đến khâu tiêu thụ. Hiện tổng nguồn Quỹ toàn tỉnh đạt gần 64 tỉ đồng,(chưa tính nguồn TW ủy thác 7,6 tỷ đồng và nguồn của huyện thị và cơ sở là 12 tỷ đồng), tăng 11,6 lần so với 2010. Nguồn vốn trên đã cho trên 4 ngàn hộ vay, thực hiện 347 dự án. Trong đó có trên 100 dự án, tổ hợp tác đạt hiệu quả cao, thu nhập hàng năm đạt vài trăm triệu đến vài tỉ đồng như dự án trồng màu, cây cảnh, nuôi bò Dầu Tiếng, nuôi bồ câu An Bình, nuôi cá cảnh Thủ Dầu Một…
Bình Dương nhận Bằng khen của Trung ương Hội tại Hội nghị tổng kết 5 năm.
Xác định nhiệm vụ xây dựng và phát triển Quỹ Hội Nông dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội, thời gian qua, Hội Nông dân TP. Hà Nội đã xây dựng được 63 mô hình điểm vay vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân với số tiền gần 21 tỷ đồng; trong đó có 23 mô hình vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân kết hợp với xây dựng mô hình kinh tế tập thể.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Nội Trịnh Thế Khiết: việc xây dựng mô hình điểm “chăn nuôi bò sữa” hay mô hình “nuôi ba ba” thương phẩm khẳng định được vai trò từ nguồn Quỹ trong việc hỗ trợ nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương. Thu nhập của hội viên trước khi sử dụng dự án mô hình điểm đạt 80 đến 100 triệu đồng, sau khi thực hiện dự án đã tăng lên 130 triệu đến 150 triệu/năm, bình quân mỗi hộ tăng từ 30- 40 triệu/năm.
Từ hiệu quả của việc xây dựng mô hình điểm đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở địa phương, góp phần tăng thu nhập cho hội viên nông dân…
Hội Nông dân tỉnh Khánh Hoà cũng xác định tập trung vốn Quỹ hỗ trợ cho các mô hình tổ hợp tác. Hội Nông dân tỉnh đã hướng dẫn thành lập gần 160 tổ hợp tác, hỗ trợ mỗi tổ hợp tác vay từ 100-500 triệu đồng. Mô hình tổ hợp tác “Sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ” tại phường Cam Thuận, thành phố Cam Ranh với 10 thành viên, được hỗ trợ 400 triệu đồng mở rộng sản xuất. Mặt hàng của tổ được xuất khẩu đi thành phố Hồ Chí Minh, Nhật Bản, Hàn Quốc…Tạo nghề cho gần 100 lao động, với thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/người/năm.
Phát huy vai trò của tổ chức Hội
Trưởng Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Tính đến 31/12/2015, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đạt 2.040,389 tỷ đồng, tăng 1.492,936 tỷ đồng so với khi chưa thực hiện Đề án, tốc độ tăng trưởng vốn bình quân toàn hệ thống đạt 30%/năm (chỉ tiêu Đề án từ 10 - 15%/năm). Quy mô đầu tư vốn cho một dự án được nâng lên từ 300 triệu đến 1.500 triệu đồng.
Nhiều tổ chức Hội đạt thành tích cao trong triển khai Quỹ HTND được nhận Bằng khen của Trung ương Hội - Ảnh: HM
Thu nhập bình quân của hộ vay vốn từ Quỹ tăng trên 10% so với khi chưa tham gia dự án. Hàng năm, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động ở nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, Quỹ cũng phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến 31/12/2015, Hội Nông dân Việt Nam đang quản lý 63.271 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 2.252.556 thành viên. Dư nợ của 16 chương trình tín dụng chính sách đạt 46.390.053 tỷ đồng (tăng 15.869 tỷ đồng so với 31/12/2010), chiếm 33% tổng dư nợ của 4 Hội đoàn thể. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân chung cả nước đạt 8,73%/năm.
Qua hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, các tổ chức Hội đã đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, tạo niềm tin trong hội viên, thu hút đông đảo nông dân tham gia tổ chức Hội. Trung bình mỗi năm các cấp Hội phát triển được gần 150 nghìn hội viên, vượt 10- 15% so với chỉ tiêu kế hoạch.
Có thể nói, những kết quả từ hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân đã góp phần khẳng định và nâng cao vị thế, vai trò của Hội Nông dân các cấp trong hệ thống chính trị, trong các phong trào nông dân tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn./.
Theo Hoàng Mẫn