LÀM GIÀU TỪ NUÔI DẾ CÙNG TRỒNG NẤM LINH CHI (18/12/2014)
Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi dế, thấy mô hình này có chi phí đầu tư thấp, không tốn nhiều công chăm sóc, ít gây ô nhiễm môi trường lại đạt hiệu quả kinh tế cao, ông Nguyễn Thành Sinh, là NDSXKD giỏi phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã quyết định đầu tư và thành công với mô hình nuôi dế kết hợp nuôi dế cùng nấm Linh chi mở ra hướng làm giàu mới cho người dân địa phương nơi đây.
Đã hơn 10 năm trở lại đây, ngôi nhà của ông Sinh đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của những thực khách thích ăn món côn trùng thơm ngon, béo ngậy này. Trại dế ông Sinh phát triển rất mạnh, là địa chỉ tin cậy của những người mua dế giống và các loại dế cho nhiều nhà hàng ở thị xã Dĩ An…
Chúng tôi tìm đến khi ông Sinh đang miệt mài phun nước giữ ẩm cho trại dế của mình. Mục sở thị trại dế mới thấy tin đồn của người dân không sai chút nào về trại dế với quy mô hơn 300 khây nuôi dế, được thiết kế thoáng mát, hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh.
Ông Sinh, sinh năm 1957, là một bảo vệ một công ty lớn ở thị xã Dĩ An, Vốn là người năng động, chịu khó, ông Sinh vừa làm bảo vệ vừa làm đủ thứ nghề phụ, từ nuôi gà, đến chăn nuôi lợn... Tuy nhiên, do chi phí đầu vào cao, khó khăn trong chăn nuôi cùng với đó là dịch bệnh thường xuyên khiến anh lao đao và thất bại.
Tình cờ một lần, ông được người bạn giới thiệu mô hình nuôi dế đầu tư ít nhưng cho lãi cao, bởi dế là món ăn mới, rất thu hút những nhà hàng. Vợ chồng ông Sinh đã bàn bạc vay mượn của bạn bè, mua 200 con dế giống về nuôi thử. Mới đầu mọi người cũng ngăn cản, vì người dân quê quanh năm chỉ biết cấy lúa, nuôi gà, lợn, chứ có ai nuôi dế. Chính vì không có kinh nghiệm nên sau khi lấy con giống về nuôi, thời gian đầu đàn dế không phát triển.
Thất bại ngay từ ban đầu tưởng ông nản chí nhưng lại nghĩ: “Tại sao dế lại không phát triển?”. Từ sự thất bại của mình mà ông Sinh đã giành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về kỹ thuật nuôi, ông tìm đọc các tài liệu, tìm đến một số kỹ sư chăn nuôi am hiểu về kỹ thuật nuôi dế. Khi đã trang bị cho mình được kỹ thuật nuôi và trả lời cho câu hỏi mình đặt ra, ông Sinh tiếp tục đầu tư nuôi dế để khẳng định những kiến thức mình học được là không thừa.
Một lần nữa đầu từ vào nuôi dế, ông đầu tư 500 khay. Kinh nghiệm từ lần thất bại trước, lần này ông Sinh đã chuẩn bị những vật dùng cần thiết để cho dế bằng cách lấy nhiệt từ bóng đèn chiếu sáng, cỏ khô, rơm khô, tro khô, vải khô để tăng nhiệt độ trong chậu, đồng thời đưa máy đo nhiệt vào căn chỉnh nhiệt độ cho phù hợp, do vậy đã hạn chế con dế bị chết và sinh trưởng khỏe mạnh.
Sau những lần thất bại đó, ông Sinh đã đúc rút ra kinh nghiệm cho mình: “muốn thành công, phải nắm bắt kỹ thuật nuôi và chủ động sản xuất”. ông chia sẻ: “Không giống như các mô hình khác, mình nuôi dế vào những chậu khay lớn, bởi chậu khây có đáy rộng, vệ sinh rất dễ dàng giúp chậu nuôi luôn sạch sẽ, phía trong chậu lót từ 2 đến 3 tấm tre đan để dế leo trèo. Tấm tre đan này làm rất đơn giản, nhưng ưu điểm của nó lại rất lớn: bền, thoáng và gọn nên dễ thu gom, dễ quan sát, vệ sinh chuồng nuôi thuận lợi, đồng thời dế có thể đi lại ăn uống được đều hơn, hiệu quả tốt hơn mà tiết kiệm được chi phí.
Mô hình nuôi dế của ông Sinh theo quy trình khép kín từ giai đoạn đẻ trứng, ấu trùng, dế con, dế sữa đến dế trưởng thành. Từ dế con đến khi lên được đĩa ăn của nhà hàng chỉ mất 40 - 45 ngày, thức ăn cho dế chủ yếu là cám hỗn hợp và cỏ. Giai đoạn nuôi khó nhất là giai đoạn sinh sản. Trong giai đoạn này ông đã nghĩ ra cách lấy đất bột ẩm lót thành khuôn cho dế đẻ ấu trùng vào đất. Sau một thời gian, ấu trùng nở trong đất và tự chui ra. Thông thường thì dế sẽ đẻ trứng trong thời gian là 2 ngày và trong 7 ngày chúng sẽ nở. Kỹ thuật nuôi dế khá đơn giản, ông Sinh cho biết: “Dế rất dễ nuôi, không cần thức khuya dậy sớm, không mất nhiều công sức, công việc phù hợp với nhiều người có thời gian rảnh rỗi”.
Không dừng lại ở những gì mình có, ông sữ dụng nguồn vốn tích luỹ từ nuôi dế ông trồng nấm linh chi đỏ - loại nấm dược liệu rất ít người trồng được. Sau 2 năm gầy dựng ông Sinh sở hữu trang trại trồng nấm linh chi thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Sinh cho biết: “ năm 2012, sau khi xem chương trình nông nghiệp-nông dân ở truyền hình Bình Dương , tôi bắt đầu mê những tai nấm màu đỏ. Tôi nghĩ tại sao mình không mở một trại trồng nấm?”. Nghĩ là làm, ông dựng trại trồng nấm. Ban đầu chưa có nhiều vốn, ông làm mô hình nhỏ với 40 ngàn bịch phôi nấm linh chi. Lứa đầu, nấm ra đạt hơn 90%, ông thu hơn 100 kg nấm khô trị giá hơn 300 triệu đồng.
Ông Sinh cho biết thêm, để có lứa nấm thành công thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Nguyên liệu trồng nấm phải là mùn cưa cao su, vì gỗ cao su mềm rất hợp để nấm phát triển. Trước khi đưa mùn cưa vào bịch phải qua xử lý vôi và phân DAP. Sau đó, đóng vào bịch ni-lon trọng lượng 1kg và dùng nắp nhựa đậy kín. Để có mùn cưa trồng nấm.
Sau khi đóng gói nguyên liệu sẽ được đưa vào lò hấp khử trùng. Những bịch mùn cưa được hấp trong 12 giờ với nhiệt độ khoảng 100oC. Sau đó đưa ra, chờ nguội hẳn mới cấy mô. Cấy được một ngày thì chuyển vào trại để chăm sóc. Nấm đậu hay không có thể biết được sau một tuần theo dõi. Nếu nấm chuyển sang màu đen thì xem như bỏ đi. Bịch đạt yêu cầu thì những tơ nấm phát triển từ từ. Loại nấm này ưa ẩm, sau 1,5 tháng bắt đầu tưới nước, một ngày tưới khoảng 5 phút buổi sáng và 5 phút buổi chiều khi tắt nắng, không tưới trực tiếp lên tai nấm mà phải sử dụng hệ thống phun sương. Nấm trồng hơn 3 tháng cho thu hoạch. Với 100 ngàn bịch phôi, ông Sinh thu hơn 3 tấn nấm tươi. Nấm tươi được phơi dưới ánh nắng trực tiếp 2 ngày có thể bán giá sỉ (600 ngàn đồng/kg). Doanh thu của ông mỗi năm sau khi trừ chi phí thu về cho mình khoảng 800tr đồng từ dế và nấm linh chi. Sản phẩm làm ra đều được bán cho các công ty dược tại tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Sinh: “Đây là loại nấm dược liệu quý nên rất khó trồng. Người trồng ngoài kinh nghiệm còn phải chuyên tâm chăm sóc. Khâu quan trọng và khó khăn nhất là xử lý trang trại và bịch nấm. Trước khi trồng thì khu vực trồng nấm phải được khử trùng, diệt côn trùng, khử mùi. Khi đã treo những bịch phôi vào thì tuyệt đối không được dùng một biện pháp xử lý nào khác để tránh ảnh hưởng đến phôi nấm. Ngoài ra, tất cả các giai đoạn từ nguyên liệu đóng thành bịch đến cấy mô đều phải được khử trùng xử lý các mầm bệnh”.
Ngoài ra ông còn tham gia tốt các hoạt động từ thiện xã hội tại địa phương như ủng hộ gia đình chính sách, giúp đỡ gia đình bị thiên tai, đóng góp xây dựng giao thông nông thôn, đóng góp quỹ hỗ trợ nông dân….
Chia sẻ về những kinh nghiệm trong chăn nuôi, ông cho biết, yếu tố thành công của ông chính là làm mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Ngành chăn nuôi tuy chiếm diện tích nhỏ nhưng đem lại lợi nhuận cao. Biết học tập các mô hình làm ăn có hiệu quả để vận dụng cho phù hợp, có sự tác động, hỗ trợ của Nhà nước và quan trọng nhất vẫn là đức tính cần cù, chịu khó và tiết kiệm của người nông dân
Với những khó khăn và phấn đấu, ông Nguyễn Thành Sinh đạt danh hiệu NDSXKDG cấp tỉnh, cùng nhiều giấy khen của cấp thị xã Dĩ An./.
Như Ngọc