Bộ trưởng GTVT: Hàng hoá, xe cá nhân phải được lưu thông bình thường (02/04/2020)
Bộ trưởng GTVT: Hàng hoá, xe cá nhân phải được lưu thông bình thường
(Chinhphu.vn) - Không có chuyện “ngăn sông cấm chợ”, việc cấm triệt để việc đi lại của người dân là không đúng trong khi Nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp. Trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng cũng không nêu vấn đề “cấm”. Chính phủ cũng chưa ban hành lệnh phong toả nên phương tiện cá nhân và hàng hoá vẫn được lưu thông bình thường.
|
Bến xe Giáp Bát tạm thời dừng hoạt động từ ngày 1/4. Ảnh: VGP/Phan Trang |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết thực hiện Chỉ thị số 16 của Chính phủ về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Bộ GTVT đã có văn bản hoả tốc ngày 31/3 gửi đến các Sở GTVT địa phương về việc dừng hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, hàng hải, đường thuỷ nội địa và hạn chế vận tải đối với hàng không, đường sắt trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện về y tế trên phương tiện vận tải.
Thời gian thực hiện trong vòng 15 ngày, kể từ 0h ngày 1/4/2020.
Nói về tình trạng các địa phương lập các chốt chặn trên đường, xảy ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ” khiến người dân không thể đi từ địa phương này sang địa phương khác, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: Không có chuyện “ngăn sông cấm chợ”, việc cấm triệt để việc đi lại của người dân là không đúng trong khi Nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp. Trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng cũng không nêu vấn đề “cấm”. Chính phủ chưa ban hành lệnh phong toả thì phương tiện cá nhân và hàng hoá vẫn phải được lưu thông bình thường.
Về các “chốt chặn” tại cửa ngõ các thành phố, Bộ trưởng cho biết các chốt này lập ra để nhằm kiểm tra việc thực hiện dừng hoạt động vận tải hành khách, ví dụ như phát hiện ra xe taxi chở khách từ địa phương này sang địa phương khác thì các “chốt chặn” yêu cầu xe quay đầu. Đây là biện pháp ngăn chặn dịch bệch. Những biện pháp này không áp dụng với xe cá nhân và xe chở hàng hoá.
Riêng đối với đường bộ, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ chỉ đạo Sở GTVT trong trường hợp đặc biệt cần tham mưu cho lãnh đạo các địa phương. Một số trường hợp đặc biệt như: Xe công vụ, các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hoá.
Các bến xe địa phương thực hiện nghiêm việc dừng hoạt động của các tuyến vận tải hành khách cố định, liên tỉnh, nội tỉnh. Trong trường hợp đặc biệt, Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định.
Những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chỉ thị 15, 16 về các biện pháp phòng chống dịch, có đặt vấn đề cách ly xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế, đã có một số địa phương, cơ quan, đơn vị hiểu và thực hiện sai tinh thần của Chỉ thị này. Một số địa phương đã tiến hành rào đường, hạn chế người đi lại từ địa phương này sang địa phương khác hay tạm dừng các công trình xây dựng, thậm chí một số trung tâm đăng kiểm dừng hẳn hoạt động đến 15/4…
Giải thích thêm về Chỉ thị 16, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, không phải “ngăn sông cấm chợ”, chưa phải phong toả xã hội. “Điều quan trong là đảm bảo an toàn cho người lao động”.
Trong bối cảnh ấy, chúng ta vẫn phải duy trì sản xuất, lưu thông hàng hoá an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, duy trì xuất khẩu bình thường bằng đường biển, đường bộ. Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để làm việc tại nhà nhưng vẫn bảo đảm tốt tiến độ, chất lượng công việc. Chỉ thị 16 có hiệu lực trong vòng 15 ngày, từ ngày 1/4 đến 15/4, đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa dịch bệnh lây nhiễm ra cộng đồng.
Nguon:Chinhphu.vn