Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp nông dân xóa đói giảm nghèo và làm giàu (05/03/2020)
(Quỹ HTND)- Nhân dịp kỷ niệm 24 năm ngày thành lập Quỹ HTND (02/3/1996 - 02/3/2020), Ban Biên tập chuyên trang Quỹ HTND xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Điều hành Quỹ HTND Trung ương về quá trình hình thành, xây dựng và phát triển Quỹ HTND từ khi thành lập đến nay.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban điều hành Quỹ HTND Trung ương (người thứ 5 bên trái sang) thăm mô hình "Nuôi cá sông trong ao" tại xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy
Hội Nông dân Việt Nam đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thiết thực giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo và làm giàu qua công cụ, phương tiện Quỹ Hỗ trợ nông dân
Vận dụng tư tưởng của Bác, Nghị quyết số 8B – NQ/HNTW ngày 27/3/1990 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân nêu rõ: “…Đảng cần hướng dẫn sự đổi mới nội dung hoạt động của các đoàn thể và tổ chức quần chúng vào việc đoàn kết đoàn viên, hội viên cùng nhau chăm lo lợi ích thiết thực của mình và góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng…”. Với tinh thần công tác vận động quần chúng trong giai đoạn cách mạng mới phải lấy lợi ích làm động lực đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên, nông dân đồng thời đứng trước một đòi hỏi chính đáng và trở nên bức xúc về nhu cầu hỗ trợ vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm xóa đói giảm nghèo và làm giàu, ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ II (3/1993), Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động Hội, thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế. Triển khai việc thực hiện Nghị quyết, Ban Thường vụ Trung ương Hội (khóa II) đã xây dựng Đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân Việt Nam, với mục đích phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau trong nông dân, tạo thêm nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nhất là hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo; đồng thời xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng là điều kiện để tập hợp, thu hút hội viên, củng cố tổ chức Hội Nông dân Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Trên cơ sở đề nghị của Hội Nông dân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã tán thành chủ trương việc thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân bằng Văn bản số 4035/KTTH ngày 26/7/1995. Đây là hành lang pháp lý đầu tiên tạo điều kiện để ngày 02/3/1996 Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ra Quyết định số 80 – QĐ/HND thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân Việt Nam. Khi mới thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân, Thủ tướng Chính phủ chỉ định Ngân hàng Phục vụ người nghèo (nay là Ngân hàng Chính sách xã hội) cho Hội Nông dân Việt Nam vay 40 tỷ đồng làm nguồn vốn ban đầu của Quỹ hỗ trợ nông dân. Sau 5 năm triển khai có hiệu quả, đến tháng 4/2002, Chính phủ đồng ý giao Bộ Tài chính cấp 40 tỷ đồng cho Quỹ Hỗ trợ nông dân trực thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quản lý để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh.
Từ năm 2004, phương thức cho vay bắt đầu có bước chuyển dần từ cho vay hộ nghèo phân tán theo chi, tổ Hội sang cho vay tập trung theo dự án nhóm hộ cùng sản xuất, kinh doanh một loại sản phẩm. Đã tạo điều kiện cho các hộ tham gia dự án có vốn, có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng KHKT trong sản xuất, dần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương tạo ra các loại nông sản hàng hóa, dịch vụ năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn. Bằng nhiều hình thức vận động ủng hộ đóng góp từ hội viên, nông dân, cán bộ Hội, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; từ việc xin chủ trương và phối hợp phát hành xổ số hoặc đề nghị Ngân sách địa phương cấp, ủy thác cho Quỹ… sau hơn 14 năm đi vào hoạt động nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn hệ thống đến 31/12/2010 đạt 547 tỷ đồng.
Nguồn vốn Quỹ thời điểm đó tuy nhỏ bé, song đã giúp cho nhiều hộ nghèo ở nông thôn vươn lên no đủ, thoát nghèo và khá giả đồng thời góp phần vào thành công phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng do Hội Nông dân Việt Nam phát động. Kết quả bước đầu này khẳng định tư duy nhạy bén, cách làm sáng tạo của Hội Nông dân trong vận dụng thực hiện Nghị quyết 8B (khóa VI) của Đảng vào thực tiễn công tác Hội và phong trào nông dân trong giai đoạn cách mạng mới. Đặc biệt đã mở ra phương thức mới trong hoạt động công tác Hội: trực tiếp đem lại lợi ích to lớn cho nông dân.
Nhằm cụ thể hơn việc thực hiện Nghị quyết TW 7 (Khóa X) của Đảng về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời ghi nhận và đánh giá cao vai trò của Hội Nông dân trong việc tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho nông dân ngày càng thiết thực và hiệu quả, ngày 03/12/2009 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 61- KL/TW về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” đã tích cực tạo thêm nguồn lực cho Hội Nông dân hoạt động có hiệu quả cao hơn vào quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phê duyệt Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011 – 2020, đây là một trong 10 tiểu đề án trọng điểm của Hội thực hiện Đề án số 01 theo Kết luận số 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Theo đó, ngày 10/5/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 673/QĐ – TTg “Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn, giai đoạn 2011-2020”. Trong đó nêu rõ “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011 – 2020” vừa là nhiệm vụ, vừa là điều kiện tích cực để phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh. Ngay trong năm 2011, Chính phủ cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương 300 tỷ đồng, đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hàng năm cấp bổ sung vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân ở địa phương. Từ khi có Kết luận 61 của Ban Bí thư, Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân trong toàn hệ thống Hội đã có bước phát triển mạnh mẽ đã tạo điều kiện cho nông dân mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, giúp cho nhiều hộ nghèo ở nông thôn vươn lên no đủ, thoát nghèo và khá giả.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội về tập trung cho vay dự án nhóm hộ xây dựng mô hình quy mô lớn hơn theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế; các hộ đẩy mạnh liên kết, hợp tác (hộ vay liên kết, hợp tác với nhau, liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm…), tham gia vào chuỗi giá trị, hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giữ gìn, bảo vệ môi trường. Từ năm 2016, các cơ chế, định mức cho vay cũng được thay đổi, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện theo hướng nâng lên và mở rộng quy mô lớn hơn cho phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển kinh tế xã hội đất nước. Hiện nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay vốn với hộ gia đình hội viên nông dân tự nguyện tham gia vào dự án Nhóm hộ (từ 10 hộ trở lên) cùng phát triển sản xuất, kinh doanh một loại hình với mức cho vay được nâng lên 100 triệu đồng/hộ, quy mô một dự án từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, thời gian vay tùy loại hình sản xuất, kinh doanh (theo chu kỳ cây, con), đang cho vay đến 36 tháng, mức thu phí cho vay 0,7%/tháng, bằng khoảng 80% lãi suất cho vay cùng loại hình, thời gian (trung hạn – trên 12 tháng) của các ngân hàng thương mại đối với tổ chức, cá nhân phục vụ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân. Tính đến 31/12/2019, tổng nguồn vốn 3.410 tỷ đồng tăng hơn gấp 85,2 lần so với thời điểm khi mới thành lập. Có thể khẳng định, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng trưởng mạnh qua các năm là điều kiện thiết thực, trực tiếp hỗ trợ nông dân nguồn lực về tài chính giúp họ phát triển kinh tế đồng thời là công cụ, phương tiện, điều kiện quan trọng thúc đẩy công tác Hội và phong trào nông dân của Hội Nông dân Việt Nam, đã và đang mang lại những giá trị, hiệu quả hết sức tích cực cả về kinh tế, chính trị, xã hội.
Quỹ Hỗ trợ nông dân, nòng cốt trong hoạt động hỗ trợ vốn của Hội Nông dân Việt Nam giúp nông dân giải bớt cơn khát vốn ở nông thôn
Cùng với công tác vận động tạo nguồn vốn Quỹ giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp là cơ quan tham mưu và trực tiếp tổ chức thực hiện giúp Hội Nông dân cùng cấp ký kết chương trình phối hợp Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính trên địa bàn khơi thông kênh dẫn vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng đến với nông dân, với dư nợ tín dụng đang cho vay hội viên nông dân vay đạt gần 120.000 tỷ đồng, với trên 2,7 triệu lượt hội viên nông dân đang được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngày 30/3/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 67/1999/QĐ –TTg về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây là một chính sách có tác động to lớn, khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đến với người nông dân nói chung và hội viên nông dân nói riêng. Nhận thức rất rõ tầm quan trọng của Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 9/10/1999 Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động ký Nghị quyết liên tịch số 2308/NQLT- 1999 với Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam về tổ chức thực hiện chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Tiếp đà phát triển, Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận liên ngành về thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015; Nghị định 116/2018/NĐ- CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ. Trên cơ sở đó, nhiều tỉnh, thành Hội đã tổ chức ký chương trình phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT tỉnh, thành phố để tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi. Đây là cầu nối quan trọng đưa chính sách tín dụng ưu đãi đến với hàng trăm nghìn hộ nông dân trên cả nước có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, góp phần làm thay đổi tích cực chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn ở nhiều địa phương.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo đồng thời nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn chính sách phục vụ sản xuất, kinh doanh góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Căn cứ Điều 5 tại Nghị định 78 của Chính phủ “Việc cho vay của Ngân hàng CSXH được thực hiện theo phương thức ủy thác cho các tổ chức tín dụng, tổ chức chính trị - xã hội theo hợp đồng ủy thác hoặc trực tiếp cho vay đến Người vay”, ngày 15/04/2003, Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng CSXH đã ký Văn bản liên tịch số 235/VBLT về uỷ thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình ủy thác, với kết quả rất tích cực cùng với đòi hỏi của thực tiễn hoạt động phối hợp, nên ngày 03/12/2014, Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thống nhất và ký Văn bản thoả thuận số 3948/VBTT-NHCS-HPN-HND-HCCB-ĐTNCSHCM “Về việc thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác” thay thế văn bản 235 đã ký kết trước đây. Dư nợ nhận ủy thác cho vay qua Hội Nông dân liên tục tăng cả về khối lượng tín dụng và số lượng các chương trình tín dụng đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đề ra, giúp người nghèo cải thiện đời sống vật chất, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần đồng thời góp phần đảm bảo ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Có thể nói, Hội Nông dân Việt Nam thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với sự ra đời và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân, một tổ chức đặc thù riêng có của Hội Nông dân Việt Nam. Hơn 23 năm hình thành và phát triển (1996 – 2019) đã luôn đồng hành cùng hội viên, nông dân trực tiếp hỗ trợ, giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… và mở rộng phát triển nhiều ngành nghề ở các địa phương tạo hàng triệu việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Hoạt động Quỹ đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động công tác Hội và các phong trào nông dân trong nông thôn, qua đó khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nông dân trong hệ thống chính trị, có ý nghĩa đặc biệt trong các phong trào nông dân tham gia phát triển kinh tế, xã hội, đã và đang góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc Hội Nông dân khóa III, khóa IV, khóa V, khóa VI và đặc biệt Nghị quyết Đại hội khóa VII Hội Nông dân Việt Nam về “Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của tổ Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.
Để tiếp tục xây dựng hệ thống Quỹ Hỗ trợ nông dân phát triển bền vững, là công cụ, phương tiện, điều kiện quan trọng thúc đẩy công tác Hội và phong trào nông dân của Hội Nông dân Việt Nam. Quỹ HTND TW xin đưa ra một số giải pháp như sau:
- Chủ động và tích cực phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ ngành liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện xây dựng khung khổ pháp lý chung về thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ HTND với mô hình tổ chức và hoạt động đặc thù do Hội Nông dân trực tiếp quản lý nhằm phát huy những ưu điểm, kết quả tích cực đã đạt được của mô hình Quỹ HTND thuộc Hội Nông dân Việt Nam như hiện nay.
- Đẩy mạnh các hình thức vận động tạo nguồn vốn Quỹ HTND từ ngân sách, ngoài ngân sách, tranh thủ tối đa nguồn vốn vận động từ các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đóng góp đồng thời tích cực hơn nữa trong phối hợp với các ngân hàng để tạo điều kiện cho hội viên nông dân có vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chính trị chuyên môn, nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ Quỹ HTND các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt Quỹ và cán bộ nghiệp vụ tín dụng, kế toán, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác quản lý, điều hành hoạt động Quỹ trong giai đoạn mới.
- Đẩy mạnh hình thức cho vay đối với hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, hộ có kinh nghiệm, kỹ năng tay nghề cao đã có mô hình áp dụng thành công làm hạt nhân nòng cốt tham gia dự án vay vốn Dự án Nhóm hộ, tạo lập các Chi hội, Tổ hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác, Hợp tác xã thúc đẩy sản xuất phát triển.
- Tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát đảm bảo cho Quỹ hoạt động ổn định, an toàn. Trong đó, chú trọng kiểm tra việc chấp hành các chủ trương, nguyên tắc, quy định, hướng dẫn theo quy định của Ban Thường vụ Trung ương Hội, Bộ Tài chính...; kiểm tra công tác vận động tạo nguồn vốn, quản lý tài chính, tình hình sử dụng vốn và hiệu quả vốn vay đối với các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ vốn./.
Nguồn: http://quyhotronongdan.vn/