Hội Nông dân Bình Dương đổi mới cách làm đưa mật ong ra thị trường xuất khẩu (10/04/2025)
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện đã hình thành nhiều Hợp tác xã, doanh nghiệp, trang trại hoạt động trong lĩnh vực nuôi ong lấy mật và sản xuất mật ong. Bước phát triển của mô hình này không chỉ ở khâu sản xuất sản phẩm mới mà còn ở việc phát triển thị trường xuất khẩu.
Hơn 100 hộ nuôi ong ở Bình Dương và các tỉnh: Bình Phước, Đắc Lắc, Gia Lai, các tỉnh miền Trung là chuỗi cung ứng nguyên liệu cho Công ty Trách nhiệm hữu hạng Ong mật Thanh Hảo ở xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên. Tùy theo mùa hoa nở, mà thùng nuôi ong sẽ được các chủ trang trại di chuyển đến các khu vườn cây, nơi có hoa nở để ong hút mật. Các trang trại áp dụng nghiêm ngặt quy trình nuôi để khi vào mùa lấy mật đảm bảo độ chín, độ đặc của mật ong. Trong sản xuất mật ong, Công ty đặc biệt chú trọng quy trình vệ sinh và lọc sạch tạp chất cũng như kiểm tra những chất tồn dư trong mật ong để đảm bảo sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn mật ong thế giới. Đặc biệt là Công ty đã nỗ lực đưa sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh với nhiều hương vị đặc trưng như: mật ong hoa nhãn, mật hoa cà phê, mật điều, mật cao su…
Hiện nay, mật ong thiên nhiên đang thu hút sự quan tâm ngày càng nhiều của người tiêu dùng. Không chỉ vì giá trị dinh dưỡng cao mà còn có nhiều công dụng trong việc chữa bệnh
Hòa cùng xu thế của thế giới, Công ty đã tạo nhiều kênh bán hàng qua sàn thương mại điện tử như: Trang Fanpage, Zalo, Facebook… Hiện nay, công ty ngoài một phần tiêu thụ trong nước, phần lớn mật ong đã xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như: Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…với sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh Trung thu về khoảng 1 tỷ 500 triệu đồng.
Anh Đặng Dích Trung, Giám đốc Công ty TNHH Ong mật Thanh Hảo,
huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương
Với chị Phạm Thị Thảo, Giám đốc Hợp tác xã Ong mật Thảo Trinh ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng không chỉ đơn thuần nuôi ong theo cách truyền thống và sản xuất sản phẩm mật ong đóng chai, mà chị đã cải tiến cách nuôi và tạo ra sản phẩm mật ong hộp bánh tổ. Để có sản phẩm mật hộp bánh tổ, chị không nuôi ong bằng thùng đơn mà nuôi bằng thùng kế được thiết kế các vỉ nuôi với cách chăm sóc riêng.
Theo cách nuôi này, Hợp tác xã chú trọng khâu đầu vào, lựa chọn thức ăn tốt nhất để nuôi ong. Chủ lực là chọn hạt đậu nành tốt và rang xay vừa đủ chín để đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng hợp lý về độ đạm, độ béo, đủ tiêu chuẩn để nuôi ong phát triển nhanh và khỏe mạnh. Hiện nay, tổng số thùng kế nuôi ong của gia đình chị Thảo hơn 500 thùng với sản lượng thu hoạch hơn 18.000 hộp mật ong bánh tổ. Sản phẩm này hiện chủ yếu được xuất sang Hàn Quốc.
Chị Phạm Thị Thảo, Giám đốc HTX Ong mật Thảo Trinh,
xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương
Vừa nuôi ong theo mô hình mới để thu hoạch mật ong bánh tổ; chị Thảo còn thu mua, bao tiêu sản phẩm của 07 thành viên nuôi ong trong toàn Hợp tác xã để sản xuất mật ong đóng chai, vừa cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Từ việc thay đổi cách thức nuôi và chế biến sản phẩm, các doanh nghiệp, trang trại, Hợp tác xã ở Bình Dương đã đưa sản phẩm mật ong đến rộng hơn với thị trường thế giới, góp phần phát triển bền vững ngành ong mật Việt Nam./.
Ngọc Tuyết