HỘI NÔNG DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG PHỐI HỢP SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỔ CHỨC LỚP TẬP HUẤN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ AI TRONG QUẢN LÝ VÀ SẢN XUẤT SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP (24/07/2024)
Trong bối cảnh nền nông nghiệp ngày càng phát triển, hiện đại hóa nên nông nghiệp là xu thế tất yếu thay thế cho tư duy canh tác truyền thống, lạc hậu. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ đắc lực, AI đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp, sử dụng AI có thể giúp nông dân tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng cường năng suất và giảm thiểu chi phí đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Nắm bắt xu thế trên, sáng ngày 23/7/2024, tại Trung Tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học Kỹ thuật. Hội Nông dân tỉnh Bình Dương phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức lớp tập huấn “Ứng dụng công nghệ AI trong quản lý và sản xuất sản phẩm nông nghiệp”.
Ảnh: Đồng chí Nguyễn Minh Châu - Phó Giám đốc Sở KH&CN phát biển chỉ đạo lớp học
Đến dự và chỉ đạo lớp tập huấn có đồng chí Nguyễn Minh Châu - Phó Giám đốc Sở KH&CN, đồng chí Trương Thành Quang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đồng chí Nguyễn Ngọc Thảo - Giám đốc Trung Tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học Kỹ thuật, cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố và đặc biệt là hơn 30 hội viên là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh.
Ảnh: Quan cảnh lớp học
Ông Trần Sỹ Hưng - Phó Giám đốc Giám đốc Công ty cổ phần Tương lai NEXTX chia sẽ lớp học:
Các ứng dụng AI trong sản xuất nông nghiệp: Dự đoán mùa vụ và năng suất: Sử dụng AI để phân tích dữ liệu thời tiết, đất đai, và cây trồng nhằm dự đoán năng suất; Quản lý dịch bệnh và sâu bệnh: Ứng dụng AI để phát hiện và kiểm soát sâu bệnh dựa trên hình ảnh và dữ liệu cảm biến; Tự động hóa và robot: Giới thiệu về các thiết bị robot và hệ thống tự động sử dụng AI trong trồng trọt và thu hoạch.
Các ứng dụng AI trong quản lý nông nghiệp: Quản lý chuỗi cung ứng: Sử dụng AI để tối ưu hóa chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ; Quản lý tài nguyên: Ứng dụng AI trong quản lý nước, phân bón, và các tài nguyên khác một cách hiệu quả; Thực tế ảo và thực tế tăng cường (VR/AR): Sử dụng các công nghệ này để đào tạo và hỗ trợ nông dân.
Thực hành và ứng dụng thực tế: Thu thập và phân tích dữ liệu: Hướng dẫn cách thu thập dữ liệu từ các cảm biến và thiết bị nông nghiệp; Phân tích dữ liệu với AI: Sử dụng các phần mềm và công cụ AI để phân tích dữ liệu và đưa ra các quyết định quản lý; Thực hành thực tế: Làm việc nhóm để giải quyết các bài toán cụ thể trong nông nghiệp bằng cách ứng dụng AI; Thảo luận về các cơ hội và thách thức trong việc áp dụng AI vào nông nghiệp trong tương lai.
Ông Lý Quốc An nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xã Phú An chia sẽ quan niệm về ứng dụng AI trong nộng nghiệp công nghệ cao: công nghệ AI giúp nông dân kiểm soát và đưa ra thông báo, cảnh báo để tiến hành vận hành farm nhằm đạt được năng xuất chất lượng cao, đây là một động lực có thể hấp dẫn các tầng lớp tri thức trẻ nhập cuộc vào nền nông nghiệp công nghệ số;… Vấn đề chung của nông nghiệp hiện tại là số lượng nông dân có kiến thức về công nghệ số còn rất ít, việc tiếp cận tới công nghệ AI sẽ là một hạn chế; hệ thống hạ tầng Big data, machine learning, Internet of things phải được triển khai đồng thời các địa phương.
Thông qua lớp tập huấn giúp cho hội viên nông dân tiếp cận được các ứng dụng của AI trong nông nghiệp, các quy trình sản xuất được tự động hóa và tối ưu hóa, từ việc dự báo thời tiết, đến giám sát sức khỏe của cây trồng và động vật, quản lý đàn gia súc và cải thiện chất lượng sản phẩm. AI cũng giúp cho nông dân có được một cách tiếp cận thông minh hơn đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Hoàng Phúc