Khai giảng, Bế giảng lớp đào tạo nghề cho hội viên nông dân (11/06/2023)
Ngày 9/6/2023 Trung tâm Dạy nghề và Dịch vụ hỗ trợ nông dân tỉnh đã Khai giảng lớp kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm và rau mầm cho hội viên nông dân xã Thanh An và Bế giảng lớp kỹ thuật khai thác mủ cao su cho hội viên nông dân xã Thanh Tuyền huyện Dầu Tiếng; đến dự lễ có đồng chí Lê Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và dịch vụ hỗ trợ nông dân; lãnh đạo Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng; đại diện lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã; giảng viên trường Trung cấp nông lâm; Ban Thường vụ hội Nông dân xã và hơn 60 học viên của 02 lớp…
Lớp kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm và rau mầm xã Thanh An có 30 học viên là lao động nông thôn trên địa xã. Lớp học diễn ra trong 10 ngày, các học viên sẽ được truyền thụ các nội dung học gồm: kỹ thuật trồng rau mầm; kỹ thuật trồng nấm rơm, nấm mèo, nấm Linh chi và nấm Bào ngư; phòng và trị bệnh trên các loại nấm. Trong khóa học, các học viên sẽ được thực hành cấy meo trồng nấm Bào ngư và trồng nhiều loại rau mầm.
Đồng chí Lê Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Dịch vụ hỗ trợ nông dân
phát biểu tại lễ khai giảng
Phát biểu Khai giảng đồng chí Lê Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Dịch vụ hỗ trợ nông dân, đề nghị học viên tham gia lớp học đầy đủ, chấp hành tốt nội quy lớp học, tiếp thu thật tốt bài giảng của giáo viên để nắm được những kiến thức cơ bản, những kinh nghiệm mà giáo viên đã truyền đạt kết thúc khóa học, học viên tham gia học nghề phát huy tốt tay nghề của mình về trồng, chăm sóc nấm và rau mầm và vận dụng tốt vào sản xuất, kinh doanh mang lại thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm giàu cho bản thân và gia đình, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các tiêu chí chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của tỉnh Bình Dương.
Các học viên thực hành khai thác mủ cao su
Trong thời gian 10 ngày, các học viên là hội viên nông dân xã Thanh Tuyền đã được giáo viên của Trường Trung cấp nông lâm truyền đạt các kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây cao su theo từng giai đoạn, hướng dẫn một số cách phát hiện và phòng trừ sâu bệnh trên cây cao su. Phần thực hành cạo mủ cao su các học viên được hướng dẫn cách thiết kế mặt cạo, mở miệng cạo, cạo miệng ngửa, cạo miệng úp, cách trút mủ, vệ sinh miệng cạo và các dụng cụ cần thiết để cạo mủ cao su, cách gắn máng chắn mưa…
Học viên nhận giấy chứng nhận
Kết thúc khóa học có 35 học viên được cấp giấy chứng nhận trong đó 14 học viên đạt loại giỏi, loại khá 19 học viên, trung bình 02 học viên. Thông qua lớp đào tạo nghề trồng, chăm sóc, khai thác mủ cao su nhằm giúp cho hội viên nông dân nắm bắt được các quy trình, kỹ thuật cơ bản trong việc trồng và chăm sóc khai thác mủ cao su, từ các kiến thức đã được học sẽ áp dụng vào thực tiễn vườn cây của gia đình nhằm đạt hiệu quả cao. Qua đó, góp phần tạo việc làm ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân./.
Minh Cảnh