Nông thôn chuyển mình với sự góp sức của vốn tín dụng: [Bài 1] Nâng cao thu nhập từ vốn vay (18/11/2019)
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều vùng nông thôn thuộc Tây Ninh đã có những thay đổi lớn về kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng...
Trường THCS Thanh Phước do Agribank đầu tư xây dựng, trị giá 14 tỷ đồng.
Trong quá trình xây dựng NTM ở Tây Ninh, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) đã có những đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ vốn vay kịp thời, qua đó giúp cho nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Làm giàu từ vốn vay
Trang trại trồng lan của ông Trần Tấn Hiếu ở ấp Lộc Tiến (xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh), có diện tích gần 1,2 ha. Sự đầu tư khá miệt mài và bài bản của ông Hiếu trong suốt 5 năm qua đã biến mảnh đất này từ một ruộng lúa có hiệu quả kinh tế không cao thành một thành một vườn lan kiểu mẫu.
5 năm trước, nhận thấy cứ làm lúa sẽ khó giàu lên được, ông Hiếu đã bỏ thời gian đi học hỏi kỹ thuật trồng lan rồi mạnh dạn gõ cửa Agribank Chi nhánh Trảng Bàng, và được chấp thuận cho vay 500 triệu đồng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nguồn vốn vay đến một cách kịp thời, nhanh chóng, đã giúp ông Hiếu có thể bắt tay ngay vào trồng lan trên diện tích ban đầu là 5.000m2.
Lứa lan đầu tiên mang lại hiệu quả kinh tế tốt. Từ đó, ông Hiếu liên tục đầu tư mở rộng diện tích trồng lan bằng nguồn vốn tích lũy được và vốn vay từ Agribank. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa của gia đình ông đều đã chuyển sang trồng lan, với giống chủ lực là Dendro. Mỗi năm, trang trại đạt doanh thu 5-6 tỷ đồng và lợi nhuận là hơn 1 tỷ đồng.
Cũng ở xã Lộc Hưng, tại ấp Lộc Tân, có một trang trại tổng hợp cũng đang ăn nên làm ra của ông chủ trẻ Phạm Thanh Bình. Năm 2012, Bình vay 200 triệu từ Agribank Chi nhánh Trảng Bàng, cộng với vốn liếng trong nhà, mua 20 con bò về vỗ béo.
Đến lúc bán bò, thấy hiệu quả kinh tế cao hơn cả nuôi heo, gà, Bình tiếp tục vay vốn ngân hàng, mở rộng dần quy mô đàn bò vỗ béo. Đến nay, trong chuồng của Bình đang có 89 con bò lớn nhỏ. Bình thường mua bò loại 250 - 300 kg/con, về vỗ béo trong 6 tháng, đạt 400 - 500 kg/con là xuất bán. Bình quân, mỗi con bò mang về lợi nhuận từ 1 - 1,2 triệu đồng/tháng.
Để tận dụng hết diện tích của trang trại, Bình trồng rau rừng theo theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 7.000m2. Mỗi ngày, vườn rau rừng cho thu hoạch bình quân 50 - 60kg rau và được tiêu thụ bởi hệ thống Co.op Mart. Bên cạnh đó là khu chuồng trại nuôi chim trĩ, vịt xiêm, gà tre...
Các mô hình này đều đem lại hiệu quả kinh tế tốt. Bình đang dự tính sẽ tiếp tục vay vốn của Agribank, mở rộng quy mô đàn bò vỗ béo trong thời gian tới. Bởi với số lượng bò nuôi hiện nay, trang trại chưa đáp ứng được nhu cầu thu mua, giết mổ của các thương nhân trong vùng.
Vay vốn qua tổ đạt hiệu quả cao
Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Hưng, cho biết, từ khi có chủ trương xây dựng NTM (năm 2016), đến nay, bộ mặt của xã có nhiều thay đổi, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao với mức thu nhập bình quân hiện nay là 59 triệu đồng/người/năm. Năm 2017, Lộc Hưng đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Theo ông Hải, vai trò của Agribank Chi nhánh Trảng Bàng đối với việc xây dựng NTM ở Lộc Hưng là rất quan trọng, nhất là cho vay qua tổ liên kết vay vốn. Cụ thể, Agribank phối hợp tốt với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, xây dựng được mạng lưới các tổ liên kết vay vốn ở 12 ấp, với 14 tổ và 518 tổ viên.
Đến 30/9/2019, tổng dư nợ của Agribank thông qua 14 tổ liên kết vay vốn ở Lộc Hưng là 41,5 tỷ đồng, chiếm 36,5% tổng dư nợ của Agribank trên địa bàn. Thông qua các tổ, nguồn vốn đã đến tận tay người dân một cách nhanh chóng, kịp thời, giúp nông dân mua sắm các phương tiện sản xuất như máy phóng, máy kéo, máy cày, máy gặt đập liên hợp, chăm sóc bò, heo, gà... Nhờ vậy, nông dân đã phát triển được sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, từ đó tham gia đóng góp để thực hiện nhiều tiêu chí NTM trên địa bàn.
Mô hình tổ liên kết vay vốn đang chứng minh sự hiệu quả không chỉ ở Lộc Hưng mà trên toàn huyện Trảng Bàng và trên toàn tỉnh Tây Ninh. Bà Trần Thị Ngọc Thủy, PGĐ Agribank Tây Ninh, cho biết, trên toàn tỉnh hiện có 1.335 tổ liên kết vay vốn, với 36.156 thành viên và dư nợ cho vay gần 2.500 tỷ đồng. Các tổ liên kết vay vốn đã giải quyết kịp thời nhu cầu của nông dân. Vốn vay qua các tổ được nông dân sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và hoàn trả rất tốt.
Bà Trần Thị Ngọc Thủy, PGĐ Agribank Tây Ninh
Agribank Tây Ninh đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ vốn kịp thời cho hộ nông dân trong đầu tư sản xuất, kinh doanh... giúp người dân vươn lên trong cuộc sống và xây dựng NTM trên địa bàn.
Trong 10 năm qua, doanh số cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Chi nhánh đạt hơn 98.280 tỷ đồng, với gần 545.600 lượt khách hàng vay vốn. Hầu hết các đối tượng vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả và trả nợ lãi vay đúng hạn.
Đẩy mạnh hoạt động an sinh xã hội
Những năm qua, Agribank Chi nhánh tỉnh Tây Ninh còn đóng góp vào xây dựng NTM trên địa bàn thông qua các hoạt động an sinh xã hội như thực hiện các chính sách với người nghèo, ủng hộ đầu tư xây dựng một số công trình góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, với tổng số tiền gần 35 tỷ đồng. Điển hình là việc xây Trường THCS Thanh Phước, huyện Gò Dầu, trị giá 14 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Dân, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Phước, cho biết, nhờ có sự đầu tư của Agribank mà xã đã có được ngôi trường THCS khang trang, sạch đẹp, được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2018, và giúp xã hoàn thành được tiêu chí về trường học.
Nguồn: http://www.hoinongdan.org.vn/