Nhiều giải pháp giúp nông dân đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ nông sản hiệu quả trong tình hình mới (24/09/2021)
Sáng ngày 23/9/2021 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Sở Thông tin truyền thông, Sở Công thương, Sở Lao động thương binh và xã hội, Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Tỉnh, Bưu điện tỉnh, … tổ chức diễn đàn trực tuyến các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản hiệu quả trong tình hình mới, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, đoàn thể, đại diện Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, các hệ thống phân phối bán lẻ, hợp tác xã, chủ trang trại và đặc biệt sự tham gia của tiến sỹ Trần Minh Hải, thành viên Tổ công tác 970 – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp chăn nuôi, các hợp tác xã nông nghiệp, chủ trang trại đã nêu một số khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ như: người lao động biến động không ổn định, diện tích sản xuất giảm xuống từ 30-50%, giảm giá bán sản phẩm, lưu thông hàng hóa rất khó khăn do giãn cách xã hội, … dẫn đến ảnh hưởng thu nhập và đời sống của người dân. Các hệ thống phân phối bán lẻ và nhà cung cấp cũng gặp khó khăn không ít trong việc nhập hàng hóa vào hệ thống như siêu thị lotte Bình Dương giảm 30% sản lượng rau củ quả, Cửa hàng Bách hóa xanh với hơn 150 shop trên toàn tỉnh cần 50-70 tấn rau củ quả mỗi ngày cũng gặp khó khăn trong nhập hàng do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Đồng thời Đại diện các đơn vị đã nêu một số kiến nghị về giải pháp sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời gian tới như: Bưu điện Tỉnh sẽ tổ chức chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản tới tay người tiêu dùng thông qua hệ thống 98 điểm bưu điện ở cơ sở; đại diện Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục triển khai gói chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hình thức thế chấp từ 100 triệu đến 01 tỷ đồng với lãi suất 4,5%/năm; đại diện Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa nông sản trong và ngoài tỉnh được lưu thông thuận lợi nhất; Sở Công thương đã xây dựng hướng dẫn an toàn phòng chống dịch cho các cơ sở kinh doanh thương mại, đặc biệt chuẩn bị hoàn tất điều kiện thủ tục ra mắt sàn thương mại điện tử tỉnh Bình Dương kết nối với hơn 100 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia với hơn 1000 sản phẩm; …
Theo đó,Tiến sỹ Trần Minh Hải, thành viên Tổ công tác 970 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin một số nội dung như hiện tại vấn đề sản xuất nông nghiệp đang gặp khó hiện đã có trình trạng hàng hóa từ các quốc gia lân cận xuất hiện nhiều tại thị trường nội địa, có dấu hiệu thiếu cục bộ vật tư sản xuất đầu vào như phân hữu cơ, bao bì, thùng xốp, túi xốp bao trái, …. Ông cũng kiến nghị địa phương thực hiện một số giải pháp như: hướng dẫn thực hiện ứng dụng nhật ký sản xuất điện tử làm cơ sở phát triển thành mã số vùng trồng; tỉnh phối hợp xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng của Bình Dương, từ đó có khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi phù hợp; tỉnh nghiên cứu phát triển hệ thống bảo quản nông sản mang tính kết nối đây là vấn đề Bình Dương còn yếu so với các địa phương khác; phối hợp các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân tỉnh ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới, đặc biệt tiến sỹ Hải đã giới thiệu website kết nối cung cầu https://htx.cooplink.com.vn hiện mỗi ngày website có trên 55.000 lượt tương tác, có trên 2000 cá nhân tổ chức đăng ký bán nông sản, hơn 200 cá nhân tổ chức đăng ký mua nông sản, nét mới trên website là thiết kế các gói bán hàng combo cho người tiêu dùng lựa chọn, ông kêu gọi các hợp tác xã nông nghiệp, chủ trang trại tham gia đăng ký mua – bán trên website với thủ tục các bước hết sức đơn giản.
Đồng chí Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
chủ trì diễn đàn trực tuyến (ảnh chụp từ màn hình)
Phát biểu kết luận diễn đàn, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu hai mục đích của diễn đàn là vừa làm thế nào để đảm bảo tái sản xuất hiệu quả an toàn, đáp ứng hàng hóa trong tình hình mới vừa tiếp tục xây dựng chuỗi cung ứng bền vững trong trạng thái bình thường mới. Trong thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương thành lập các tổ hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ ở cấp huyện do các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện làm đầu mối thực hiện, sở phối hợp với các ngành chuyên môn tăng cường phát triển thương mại điện tử đây được xem như là giải pháp vàng trong tình hình hiện nay./.
Thành Quang