Trái dưa lưới bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân xã An Lập, huyện Dầu Tiếng (12/05/2021)
Dưa lưới mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân xã An Lập, huyện Dầu Tiếng
An Lập là xã thuộc huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương có vị trí địa lý, khí hậu, thời tiết thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp (có trục giao thông DT 748 và sông Thị Tính chạy dọc theo chiều dài của xã) đặc biệt là các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với phần lớn diện tích đất là đất cát pha, thoát nước tốt, những năm gần đây khi cây cao su đã qua thời kỳ hoàng kim, nhiều nông dân đã chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng có giá trị kinh tế cao phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh, có thể kể đến như: cây ăn trái có múi, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, mô hình trồng tre lấy măng và đặc biệt là trồng dưa lưới trong nhà màng.
Năm 2018, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã An Lập đã tuyên truyền, vận động một số hộ nông dân có ý tưởng khởi nghiệp với mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, kết quả đã thành lập Hợp tác xã dưa lưới Tân Lập Phát với 7 thành viên theo quy định. Sau khi thành lập toàn thể thành viên hợp tác xã đã thống nhất xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao với diện tích 3500 m2, tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ, trong đó có 600 triệu đồng từ nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Dương .
Hợp tác xã chủ yếu trồng giống TL3 (do Việt Nam sản xuất), đây là giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, thời gian trồng mỗi vụ từ 70 – 75 ngày, mỗi năm trồng 03 vụ (02 vụ trồng dưới luống, 01 vụ trồng giá thể), thời gian còn lại để cải tạo đất và môi trường nhà màng. Chi phí sản xuất hiện tại của các thành viên hợp tác xã vào khoảng 18.000 – 20.000 đồng/kg, giá bán dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí dự kiến lợi nhuận mỗi kg dưa lưới đạt từ 8.000 – 15.000 đồng/kg (tỷ suất lợi nhuận đạt trên 15%).
Hiện tại hợp tác xã liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, huyện Phú Giáo thu mua toàn bộ sản lượng dưa lưới của hợp tác xã (khoảng 5 tấn/vụ), được biết HTX Kim Long trong năm 2020 đã tiêu thụ trên 1.000 tấn dưa lưới các loại trên toàn quốc, định hướng trong năm 2021 ngoài tiêu thụ ở thị trường trong nước, HTX Kim Long dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 300 tấn ra thị trường nước ngoài.
Ông Hồ Thanh Hiền, Giám đốc Hợp tác xã Tân Lập Phát cho biết: “Thời gian đầu các thành viên hợp tác xã chưa có kinh nghiệp chăm sóc nên gặp không ít khó khăn, tuy nhiên nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật vào mô hình, bước đầu cho thấy trái dưa sinh trưởng phát triển tốt, đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, năng suất đạt trên 5 tấn/1000m2/năm. Trong quá trình sản xuất các thành viên trong hợp tác xã thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau công chăm sóc, góp phần giảm chi phí sản xuất tăng lợi nhuận cho các thành viên. Về phương hướng trong thời gian tới hợp tác xã tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất, đầu tư các hạng mục phụ của mô hình như: nhà chắn côn trùng, hệ thống phun sương giảm nhiệt, vệ sinh hệ thống bạc nylon che mưa của nhà màng, …
Ông Hồ Thanh Hiền, Giám đốc hợp tác xã Tân Lập Phát bên mô hình nhà màng
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại xã An Lập, huyện Dầu Tiếng. Đây cũng là cơ hội giúp nông dân trong xã học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng trong và ngoài huyện./.
Thành Quang