Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt (02/07/2019)
Cần nhận diện rõ cơ hội, thách thức để nông sản Việt 'cất cánh'
(TBTCO) - Việc nhận diện rõ hơn những cơ hội và thách thức của nông sản Việt Nam, khi tham gia CPTPP, sẽ góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân đối với sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và phát triển nông thôn.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Khánh Linh
Ngày 2/7/2019, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Công thương, Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt tổ chức hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”.
Cơ hội đi kèm thách thức
Ngày 14/1/2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam - thành viên thứ 7 của hiệp định. Là một hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới, CPTPP được dự báo sẽ có tác động toàn diện đến các hoạt động kinh tế, xã hội của Việt Nam, trong đó nông nghiệp được dự báo chịu tác động lớn cả tích cực và tiêu cực.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Việt Nam đã có một số ngành trong nông nghiệp phát triển thuộc hàng đi đầu trên thế giới như cà phê, gạo, thủy sản, đồ gỗ… Các FTA, trong đó có CPTPP và FTA Việt Nam – EU (EVFTA) là cơ hội để tăng xuất khẩu, góp phần xây dựng nhiều ngành mũi nhọn hơn cũng như nâng cao giá trị gia tăng của các ngành sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, bàn về khó khăn đến từ việc thực thi CPTPP, theo các chuyên gia, ngược lại, khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ thì hàng rào kỹ thuật sẽ nghiêm ngặt và khắt khe hơn. Chính vì vậy, CPTPP cũng đặt ra không ít thách thức đối với sản xuất tiêu thụ, phân phối nông sản Việt Nam.
Ông Thào Xuân Sùng – Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: “Dưới tác động của các FTA, thị trường nông sản trong nước cũng đang dần gia tăng áp lực cạnh tranh. Đó là sự hiện diện và gia tăng số lượng hàng hóa nông sản nhập khẩu từ nước ngoài. Trong số nhiều mặt hàng nông sản đó Việt Nam vẫn sản xuất được, thậm chí sản xuất với số lượng, chất lượng tốt nhưng khó cạnh tranh được với hàng nhập khẩu về giá thành và uy tín thương hiệu…”
Nâng cao nhận thức của DN
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: "Chính phủ đã và đang chỉ đạo các bộ, ngành chủ động chuẩn bị các chương trình thiết thực cho DN và người dân, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của địa phương, doanh nghiệp về các quy định, cam kết của các hiệp định, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp – lĩnh vực được dự đoán sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít thách thức từ quá trình thực thi..."
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đã đến lúc nông dân, DN cần phải thực sự chủ động, đổi mới trong mô hình sản xuất và cả trong mối quan hệ tương tác với các chủ thể của chuỗi giá trị sản phẩm, cũng như có cách tiếp cận bài bản vào các thị trường quốc tế nhiều tiềm năng.
Bên cạnh yêu cầu nâng cao nhận thức của DN, người dân trong quá trình thực thi CPTPP, các chuyên gia cũng cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm mà Việt Nam cần triển khai trong thời gian tới là xây dựng, vận hành các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Theo đó, cần thay đổi phương thức kết nối cung – cầu và tiếp cận chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam; phương thức tiếp cận các thị trường khu vực đối với nông sản Việt.
Đồng thời, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, có quy mô và tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể của thị trường xuất khẩu. Có như thế nông sản Việt mới có cơ hội "cất cánh"./.
Theo thời báo Tài chính