Hội thảo công nghệ tưới phun tiết kiệm cho nông nghiệp công nghệ cao 4.0 (23/12/2020)
Hội thảo công nghệ tưới phun tiết kiệm cho nông nghiệp công nghệ cao 4.0
Ngày 22/12/2020 tại hội trường trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương, số 28 đường Huỳnh Văn Nghệ, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bình Dương tổ chức Hội thảo “Công nghệ tưới phun tiết kiệm cho nông nghiệp công nghệ cao 4.0”.
Đến dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Bình Phước, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đại diện Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố; đại diện công ty TNHH Mimosa Technology; ông Phạm Văn Bình, giám đốc công ty TNHH Nông nghiệp số Agriconnect; PGS.TS Vũ Ngọc Ánh, giảng viên ngành Kỹ thuật Hàng không Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cùng hơn 60 đại biểu là hội viên nông dân, chủ trang trại tiêu biểu cùng tham dự.
Đồng chí Nguyễn Bình Phước, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc
Ngành nông nghiệp ở Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng đang có những cơ hội để tăng tốc phát triển mạnh mẽ đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh trên toàn cầu, với thị trường xuất khẩu nông sản rộng mở, xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc; thị trường trong nước rộng lớn với 100 triệu dân. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng đứng trước những thách thức được đặt ra: chất lượng nông sản đòi hỏi phải an toàn; nông sản phải được quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, vùng trồng nông sản, hoa quả, nhập khẩu. Do đó, việc hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn và áp dụng công nghệ 4.0 là một điều tất yếu ở thời điểm hiện tại.
Quang cảnh buổi Hội thảo “Công nghệ tưới phun tiết kiệm cho nông nghiệp công nghệ cao 4.0”
Tại buổi hội thảo các đại biểu được nghe đại diện công ty TNHH Mimosa Technology trình bày công nghệ tưới chính xác cho cây trồng từ Mimosa TEK; ông Phạm Văn Bình, giám đốc công ty TNHH Nông nghiệp số Agriconnect đã giới thiệu một số tính năng hiện đại của việc ứng dụng nền tảng IoT vào sản xuất nông nghiệp như: điều khiển tưới thông minh cho vườn cây ăn trái có múi; trồng rau thủy canh; trồng rau, hoa trong nhà màng; trồng nấm trong nhà kính, …và trình diễn điều khiển hoạt động mô hình thông qua smartphone. Đặc biệt hội thảo được PGS.TS Vũ Ngọc Ánh, giảng viên ngành Kỹ thuật Hàng không Trường Đại học Bách khoa TP.HCM trình bày công nghệ phun thuốc tiết kiệm từ máy bay không người lái, ông cho rằng vấn đề về thiếu hụt nguồn lao động trong nông nghiệp buộc chúng ta phải tính đến phương án ứng dụng công nghệ phun thuốc tiết kiệm từ máy bay không người lái được ra đời để đáp ứng được vấn đề này, nó có thể giúp việc phun tưới trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn cho người nông dân. Phun thuốc bằng máy bay giúp tiết kiệm thời gian, một máy bay tương đương 28 công lao động, thời gian phun 1ha là 15 phút; năng suất gấp 10-30 lần phun thủ công, phun sương và phun đều trên 2 mặt lá; phun trên diện tích lớn, ứng dụng dập dịch; tiết kiệm 90% lượng nước phun và 30% lượng thuốc; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, người nông dân không tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật; thao tác đơn giản, sử dụng dễ dàng.

Đại biểu tham gia hội thảo đặt câu hỏi với các chuyên gia về mô hình tưới phun tiết kiệm
và phun thuốc tiết kiệm từ máy bay không người lái.
Tại hội thảo các đại biểu sôi nổi trao đổi chủ yếu vào các mô hình chủ lực tại địa phương như: rau thủy canh, trồng nấm, cây ăn trái có múi, nhà dẫn dụ nuôi chim yến, … những khó khăn trong thiết kế xây dựng hệ thống tưới, hệ thống làm mát, đã được các diễn giả trả lời thỏa đáng… Phát biểu tại hội thảo đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Tỉnh cho biết nông nghiệp 4.0 là nền nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật số và kết nối các thiết bị để điều khiển tự động trong quá trình sản xuất, nhằm tiết kiệm nhân công và công sức lao động, đồng chí mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh triển khai ứng dụng vào mô hình của trang trại mình, muốn vậy cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các ngành liên quan và nhà khoa học nhằm phát huy tối đa hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ 4.0, tiếp tục phối hợp với các ngành chuyên môn tạo điều kiện hiện có để người nông dân được tiếp cận dần với mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu ra thị trường nước noài và là nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Thành Quang