Nông dân xã An Bình huyện Phú Giáo trồng tiêu theo tiêu chuẩn GLOBALGAP (22/12/2020)
Trong đợt kiểm tra công tác Hội và phong trào nông dân tại huyện Phú Giáo, Đoàn công tác do đồng Chí Đỗ Ngọc Huy – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh làm Trưởng đoàn đã có dịp xuống tham quan mô hình trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn GLOBALGAP của nông dân xã An Bình.
Đ/c Đỗ Ngọc Huy – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh (thứ hai từ trái qua phải) tham quan vườn tiêu tại xã An Bình
Dẫn chúng tôi tham quan vườn tiêu xanh mướt, Anh Trần Văn Chỉnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình chia sẻ “những năm trước đây nông dân trồng tiêu ở xã An Bình nói riêng và huyện Phú Giáo nói chung gặp rất nhiều khó khăn do cây tiêu lúc được mùa mất giá, được giá mất mùa, cộng thêm tình hình sâu bệnh hoành hành do bà con trồng theo lối cũ, giống cũ. Những năm gần đây, dù diện tích trồng tiêu khá khiêm tốn nhưng huyện Phú Giáo (toàn huyện khoảng 320 hec ta, trong đó xã An Bình còn khoảng 110 hec ta), đặc biệt là xã An Bình đã được Lãnh đạo các sở, ngành đặc biệt quan tâm, trăn trở, tìm giải pháp cho cây tiêu, đã kết nối với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam làm cơ quan chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu “Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp cây hồ tiêu tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương”. Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam ngay sau đó đã lên phương án và chính thức triển khai đề tài từ giữa năm 2017. Được biết nhóm nghiên cứu có báo cáo với Hội đồng Khoa học tỉnh. Theo đó, để phát triển vùng canh tác trồng cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Phú Giáo, nông hộ cần có sự đầu tư bài bản về mô hình cũng như có sự lựa chọn đúng về chủng loại giống tiêu, am hiểu sâu kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng ngừa và điều trị bệnh cho cây tiêu. Cũng nhờ có đề tài nghiên cứu về cây tiêu, có các ngành chức năng vào cuộc đã hướng dẫn cho bà con quy trình kỹ thuật canh tác tổng hợp bài bản và đúng quy chuẩn trên cây hồ tiêu theo hướng tiêu chuẩn GAP nên hiệu quả sản xuất hồ tiêu của vùng sẽ giữ vững ổn định tăng trưởng cao hơn trung bình từ 10-15% so với sản xuất phương thức truyền thống. Đặc biệt, khi ứng dụng quy trình chuẩn, bà con sẽ không còn phải lo ngại về việc mất mùa do dịch bệnh hay các loại sâu đục thân, sâu ăn lá…, sẽ giảm được đến 95% rủi ro cho người trồng tiêu… Anh Chỉnh cho biết thêm.
Đoàn tham quan mô hình hồ tiêu nhà anh Phạm Văn Dũng - ấp Cà Na, xã An Bình
Đ/c Trịnh Đức Dũng – Chủ tịch HND huyện cho biết, với sự chỉ đạo sát sao của UBND huyện, Phòng Nông nghiệp huyện đã phối hợp với Hội Nông dân huyện đẩy mạnh triển khai tìm kiếm và gầy dựng giống hồ tiêu Vĩnh Linh, tiêu sẻ Lộc Ninh để hỗ trợ đầu vào cây giống cho bà con. Để xây dựng thương hiệu nâng cao giá trị cây hồ tiêu, thời gian qua một số hộ dân ở đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap. Áp dụng quy trình sản xuất này không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, sản xuất không gây ô nhiễm môi trường mà còn giúp tăng năng suất chất lượng của cây hồ tiêu tạo giá thành cạnh tranh hơn.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm với các thành viên Chi Hội Nông dân trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn GLOBALGAP tại ấp Cà Na xã An Bình
Kết quả thật đáng vui mừng, đến nay các hộ trồng tiêu ở xã An Bình đã tham gia vào tổ hợp tác sản xuất hồ tiêu An Bình và đã có giấy chứng nhận tiêu chuẩn Globalgap 5.2. chuẩn GLOBALGAP là tiêu chuẩn quốc tế nên sẽ có yêu cầu và kiểm tra khắt khe hơn trong việc giám sát an toàn thực phẩm cùng với vai trò và trách nhiệm của người nông dân đối với sản phẩm. Hiện nay, giấy chứng nhận GLOBALGAP chỉ có giá trị trong vòng một năm, sau đó phải đăng ký tái chứng nhận. Trong bộ tiêu chuẩn Globalgap yêu cầu người sản xuất, trang trại phải thiết lập một hệ thống nội bộ để kiểm tra, giám sát, phòng ngừa mối nguy qua từng công đoạn của quá trình trồng trọt bao gồm: chuẩn bị đất, canh tác, thu hoạch, sơ chế chế biến, lưu trữ…
Giấy chứng nhận tiêu chuẩn GLOBALGAP 5.2 cho Tổ hợp tác sản xuất hồ tiêu An Bình
Để giúp các hộ nông dân tiếp tục giữ vững và tái đăng ký thành công tiêu chuẩn GLOBALGAP, Hội Nông dân huyện đã tuyên truyền hướng dẫn cho Hội Nông dân xã An Bình phối hợp với chính quyền, địa phương vận động thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp sản xuất trồng tiêu theo tiêu chuẩn GLOBALGAP. Chi hội có 18 thành viên, do ông Doãn Xuân Dưỡng làm Chi hội trưởng, được thành lập với mục đích đoàn kết, tập hợp các hội viên nông dân cùng sản xuất kinh doanh để giữ vững tiêu chuẩn GLOBALGAP và tổ chức các hoạt động nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập cho hội viên. Đồng thời tập hợp nhu cầu, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của hội viên để phản ánh với cấp ủy, chính quyền, tổ chức Hội về những chủ trương chủ trương, chính sách, những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Đặng Trọng Quảng, PCT HND huyện (thứ 2 bên trái) chụp hình cùng chi hội nghề nghiệp sản xuất hồ tiêu GlobalGAP xã An Bình
Trong buổi lễ ra mắt, đồng chí Đặng Trọng Quảng, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện biểu dương Hội nông dân xã An Bình trong việc triển khai thành lập chi hội nghề nghiệp; hội Nông dân xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia vào mô hình. Đây là chi hội nghề nghiệp thứ ba của huyện được thành lập theo đề án xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp của Trung ương hội nông dân Việt Nam triển khai, nhằm góp phần đổi mới, đa dạng hóa mô hình tổ chức Hội ở cơ sở theo hướng thực hiện hiệu quả.
Nguyễn Oanh