Dịch tả heo Châu Phi áp sát Người chăn nuôi heo Phú Giáo như ngồi trên đống lửa (14/05/2019)
Dịch tả heo Châu Phi áp sát Người chăn nuôi heo Phú Giáo như ngồi trên đống lửa
Những ngày này, khi thông tin dịch tả heo Châu Phi được 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước công bố đã xảy ra trên đàn heo của một số huyện. Dù Bình Dương nói chung, huyện Phú Giáo nói riêng chưa có phát hiện dịch bệnh; nhưng với người chăn nuôi heo thì như ngồi trên đống lửa bởi nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan và xảy ra bất cứ lúc nào, bởi Phú Giáo là có nhiều cửa ngõ giáp ranh với 2 tỉnh trên. Trong khi đó, ngành chức năng bối rối trước những giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh đi vào địa bàn; bởi hiện nay các chốt kiểm dịch động vật đã được ngưng hoạt động hoàn toàn. Còn việc lập chốt kiểm dịch tạm thời thì còn đang chờ lệnh của trên phê duyệt.
Người chăn nuôi như ngồi đống lửa…
Để đối phó với nguy cơ dịch tả heo Châu Phi đang áp sát bên sườn tàn phá trại heo, mỗi ngày gia đình anh Đặng Hữu Đức, ngụ xã Phước Sang phải tổ chức phun xịt, rải vôi từ 4 đến 5 lần tùy thời điểm sau khi xử lý có bị mưa hay không (ảnh HOÀI PHƯƠNG)
Xe chở heo từ Bình Phước qua Phú Giáo đi qua tuyến đường Bờ Kênh, thuộc xã Phước Sang (ảnh HOÀI PHƯƠNG)
Ngồi đếm xe chở heo từ Bình Phước chạy trên tuyến đường Bờ Kênh, xã Phước Sang, qua trại heo nhà mình; anh Đặng Hữu Đức, ngụ xã Phước Sang, huyện Phú Giáo rầu rĩ: Mỗi ngày có hàng chục lượt xe chở heo từ Bình Phước đi qua con đường này, thì làm sao mà thoát cho được. Với tình hình này, rất mong chính quyền huyện Phú Giáo và ngành chức năng sớm có giải pháp khả thi để bảo vệ đàn heo cho người dân. Chứ không ch,ắc gia đình tôi cũng đến phá sản. Hai đợt cao điểm dịch bệnh đã tiêu tốn cả tỷ đồng của người chăn nuôi chúng tôi. Đợt trước là sự phòng ngừa từ xa, việc tổ chức tiêu độc sát trùng, cùng những biện pháp ngăn ngừa gia đình tôi mỗi ngày tiêu tốn cho trại heo 500 ngàn đồng; thì hiện nay dịch tả heo Châu Phi đã nằm ngay bên hông, nên việc tăng cường tiêu độc, sát trùng, phòng bệnh càng nhiều hơn; thêm nữa lại là đầu mùa mưa, nên càng tăng thêm chi phí, bởi có khi tôi vừa rắc vôi bột, xịt thuốc (chủ yếu bên ngoài chuồng trại) xong thì trời đổ mưa, coi như tiêu tan hết. Lại phải làm lại từ đầu; có khi ngày 4, đến 5 lần, tiêu tốn chi phí từ 1,5 đến 2 triệu đồng/ngày. Mấy bữa nay gia đình mất ăn, mất ngủ vì heo. Giờ phải chịu chứ biết làm sao. Chỉ mong địa phương có những giải pháp xiết chặt hoạt động vận chuyển heo từ địa phương khác vào huyện để người chăn nuôi chúng tôi được nhờ. Nói rồi anh Đức cho chúng tôi xem lại dữ liệu Camera quan sát được đặt tại trang trại, chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ ghi nhận có 4 xe chở heo từ Bình Phước chạy qua tuyến đường Bờ Kênh, ngang qua trại heo nhà anh Đức. Chúng tôi thắc mắc có chắc chắn đây là xe chở heo không. Anh Đức khẳng định, với kinh nghiệm lâu năm trong nghề chăn nuôi heo thì 100% xe chạy qua anh cung cấp cho chúng tôi là xe chở heo, bởi những đặc thù riêng rất dễ nhận biết.
Ông Nguyễn Phi Long, Giám đốc HTX chăn nuôi và dịch vụ Phú Giáo, cho biết: Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Phú Giáo hiện có khoảng hơn 15 ngàn con heo các loại; trong đó heo nái khoảng 5 ngàn con và heo thịt khoảng hơn 10 ngàn con. Từ khi nghe thông tin dịch bệnh tả heo châu Phi xuất hiện ở một số tỉnh ngoài Bắc, HTX đã có công văn hướng dẫn các thành viên triển khai thực hiện các phương án phòng bị, chủ động đối phó với bệnh dịch này. Theo đó, HTX hướng dẫn cho các xã viên chăn nuôi heo thực hiện việc tổ chức tiêu độc, sát trùng chuồng trại mỗi ngày 1 lần vào sáng sớm hoặc chiều tối. Tổ chức rải vôi bột chuồng trại với lượng thật nhiều, thật dày xung quanh chuồng trại, lối ra vào để hạn chế những nguy cơ có thể xảy ra. Tổ chức vệ sinh chuồng trại đều đặn, hạn chế tối đa người và phương tiện ra vào chuồng trại, nếu có vào thì phải thực hiện đúng theo quy định là thay đồ, phun thuốc sát chuồng lên các dụng cụ; phương tiện. Bên cạnh đó, chú trọng công tác chăm sóc, vệ sinh chuồng trại cho đàn heo; tăng cường sức đề kháng của heo bằng việc bổ sung thêm vitamin C và các chất điện giải vào thức ăn cho heo, tăng chất dinh dưỡng cho heo đề giúp heo tăng sức đề khang. Duy trì chặt chẽ việc tiêm phòng tất cả các mũi vaccine theo quy định. Nhưng hiện nay với tình hình dịch bệnh đã cận kề, chúng tôi không còn thời gian để có thể triệu tập thành viên họp bàn biện pháp ứng phó như trước nữa, mà mọi thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh được chúng tôi liên hệ và giữ liên lạc 24/24 giờ bằng điện thoại; có bất cứ tình huống gì đều phải chia sẻ cho nhau. Giờ phải căng mình mà chống dịch; biết là khó khăn chồng chất, nhưng phải nỗ lực để giữ của cải của mình.
Ngành chức năng bối rối…
Vừa trở về sau cuộc họp trực tuyến do Bộ nông nghiệp và phát triển Nông thôn tổ chức; ông Trần Minh Đức, Trưởng trạm chăn nuôi và thú y huyện Phú Giáo chỉ dành cho chúng tôi được khoảng 15 phút để thông tin về tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch bệnh tả heo Châu Phi của Phú Giáo; rồi sau đó ông lại chủ trì một cuộc họp khẩn triển khai công tác phòng chống dịch cho lực lượng thú y cơ sở. Ông Đức chia sẻ: Những ngày này, anh em cán bộ thú y huyện làm việc hết công suất, không có ngày nghỉ; thậm chí cuộc họp chiều nay (13-5) có thể kéo dài đến 6,7 giờ tối, còn anh em có thể phải thức 3 giờ sáng hôm sau. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của đơn vị được huy động hết công suất trong công tác tập trung, chủ động phòng chống với dịch bệnh tả heo châu Phi đang áp sát ngay bên hông. Một phút lơ là có thể sẽ bị kỉ luật hết.
Theo ông Đức, hiện nay ngành thú y huyện đang rất bối rối, gặp khó khăn không biết phải làm như thế nào. Dù đã chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, như tăng cường công tác kiểm tra phòng chống dịch tại các trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện về hồ sơ ghi chép, giấy tờ các trang trại chăn nuôi; nguồn gốc động vật xuất nhập tại các trại; iám sát tình hình chăn nuôi tại các trại. Phối hợp tổ chức kiểm tra vệ sinh thú y buổi sáng tại các lò mổ, các chợ, việc kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, công tác kiểm dịch tại trại, niêm phong phương tiện vận chuyển, truy xuất nguồn gốc, phun, xịt sát trùng các phương tiện. Kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ về môi trường, dịch bệnh; kiểm tra lâm sàng gia súc trước khi nhập lò mổ về nguồn gốc, giấy kiểm dịch, giấy chứng nhận tiêm phòng vv… Tổ chức tiêu độc, sát trùng vệ sinh chuồng trại đợt 1, năm 2019 đảm bảo 100% đàn heo.
Tuy nhiên, có một khó khăn mà ngành thú y huyện đang gặp phải đó là hiện nay, tuyến đường DT741 qua địa bàn huyện đã bỏ hết các chốt kiểm dịch động vật đối với các phương tiện vận chuyển đi qua tuyến đường này đã gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động kiểm soát dịch bệnh từ các xe chở động vật đi qua địa bàn. Trạm cũng đã xin ý kiến của Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh và tham mưu cho UBND huyện cho hoạt động lại chốt kiểm dịch động vật Cầu Phước Hòa và lập các chốt kiểm dịch tạm thời trên tuyến đường DT74 đi qua địa bàn huyện để kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua địa bàn huyện. Nhưng việc lập chốt đó chỉ giải quyết được một phần những xe qua tuyến đường DT741; trong khi đó, hiện tại Phú Giáo có 8 cửa ngõ nối các địa bàn giáp ranh 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước là xã Tam Lập, có một tuyến; xã An Bình có 1 tuyến đường DT741; xã An Thái có 1 tuyến đường DH507; xã Phước Sang có 2 tuyến là đường DH508 và đường bờ Kênh; xã An Long có 1 tuyến là đường DH516 và xã Tân Long có 2 tuyến là đường DH516 và DT750. Để kiểm soát chặt chẽ thì ngay lập tức cấp trên phải cho thành lập các chốt tạm thời này. Đây là một giải pháp rất khó khăn, dù trước đó Trạm đã tham mưu xin ý kiến. Còn một giải pháp nữa đó là tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo lực lượng liên ngành của Ban chỉ đạo 389 huyện tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ xe chở động vật ra vào các cửa ngõ trên. Tất cả các giải pháp trên đều chưa được sự phê duyệt của tỉnh, huyện nên đến thời điểm này, Trạm chỉ còn biết tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ, buôn bán heo và thịt heo tại các lò mổ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quầy sạp buôn bán thịt heo tại các chợ… Tuy nhiên đó là những giải pháp xử lý phần ngọn, không triệt để. Muốn xử lý triệt để, Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh, UBND huyện sớm cho hoạt động lại chốt kiểm dịch trên tuyến đường DT741 và các cửa ngõ đi vào địa bàn huyện mới có thể kiểm soát đến mức thấp nhất nguy cơ dịch bệnh xảy ra đối với đàn heo của người chăn nuôi.
Chốt kiểm dịch cầu Phước Hòa đã được cho nghỉ ngơi, khiến cho công tác phòng chống dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn huyện Phú Giáo gặp không ít khó khăn (ảnh HOÀI PHƯƠNG)
Với đàn heo hơn 234 ngàn con của 756 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và 107 trang trại heo, việc chưa có một giải pháp thống nhất, đồng bộ trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh heo của các phương tiện ngoài địa phương đi qua địa bàn, hoặc thậm chí tuồn heo có nguy cơ bệnh vào địa bàn sẽ là một thảm họa đối với ngành chăn nuôi của huyện nói riêng và ngành sản xuất nông nghiệp nói chung. Để không xảy ra những điều đáng tiếc với người chăn nuôi heo, người chăn nuôi heo giảm nhiệt lo lắng, ngành chức năng tỉnh Bình Dương và UBND huyện Phú Giáo cần sớm có giải pháp thống nhất, đồng bộ để kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tả heo Châu Phi đang áp sát địa phương hiện nay.
HOÀI PHƯƠNG