Dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại (14/05/2019)
(Cổng ĐT HND)- Sáng nay 13-5, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Các chủ trang trại và bà con nông dân lao đao vì dịch tả lợn châu Phi
Trước bối thế giới hiện chưa có thuốc phòng, không có thuốc chữa thì dịch tả heo châu Phi đã lan ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố nước ta, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là hơn 1,2 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn heo của cả nước).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cho rằng, dịch tả lợn châu Phi đang là vấn đề nghiêm trọng, khó kiểm soát. Dịch này lây lan rộng, chưa có vắc xin, nên chưa thể xử lý trong ngày một ngày hai. Yêu cầu của Thủ tướng là ngăn chặn dịch bệnh lây lan và có biện pháp hữu hiệu dập dịch.
“Tôi đề nghị Bộ NN-PTNT với Bộ trưởng là Trưởng ban chỉ đạo, cùng các địa phương, doanh nghiệp, người dân, tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong phòng chống, đặc biệt là dập dịch”- Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Trước mắt, có một số nhiệm vụ trọng tâm: Phòng chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật liên quan đến thú y; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ NN-PTNT.
Tôi đề nghị Ban cán sự Đảng của Bộ NN-PTNT phối hợp với Chính phủ hoàn thiện dự thảo gửi Ban Bí thư về việc đẩy nhanh các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi; tham mưu với Chính phủ các biện pháp phù hợp điều kiện thực tế, khả năng của nền kinh tế để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo môi trường phát triển”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Sau một thời gian dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế thì nay dịch bệnh lại có xu hướng hoạt động trở lại và tiến sâu vào khu vực phía Nam. Các địa phương vừa gồng mình chống dịch vừa lo việc tiêu hủy đảm bảo quy trình, giá lợn lại sụt giảm.
Tại Đồng Nai, Bình Phước xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, là nơi giáp ranh và nơi cung cấp gần 50% lượng thịt heo cho TP HCM.
Việc bệnh dịch tả heo châu Phi áp sát, đặt TPHCM vào tình huống khó khăn khi Đồng Nai có tổng đàn heo lớn nhất, không chỉ ở vùng Đông Nam bộ mà còn cả các tỉnh phía Nam với khoảng 2 triệu con.
Mỗi ngày, tỉnh này cung cấp từ 40% - 50% lượng heo giết mổ tại TPHCM cũng như các tỉnh lân cận. Mật độ chăn nuôi cao, thời tiết đang chuyển sang mùa mưa, do đó nguy cơ dịch bệnh phát tán và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.
Trong bối cảnh TPHCM có 3.917 hộ chăn nuôi với trên 274.000 con, trong đó 274 hộ nuôi heo bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng quán ăn, nên có nguy cơ cao đối với bệnh dịch tả heo châu Phi.
TP. HCM đang thực hiện tiêu độc, khử trùng tại các điểm vào nội thành và điểm giết mổ trong thành phố. Sở NN-PTNT thành phố đã làm việc với Sở NN-PTNT của Long An, Đồng Nai để thống nhất không nhập heo từ vùng dịch, đồng thời ghi rõ thông tin hộ chăn nuôi được bán vào thành phố.
Ổ dịch tại Việt Nam được phát hiện ngày 1/2 tại Hưng Yên, sau đó lan nhanh ra 22 tỉnh, thành gồm: Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.
Khó bố trí mặt bằng chôn lợn bệnh cũng là vấn đề “đau đầu” của nhiều địa phương.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói: Bộ đề xuất 7 nhóm giải pháp, đặc biệt là kiến nghị về cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện để phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.
Ngoài những việc đã làm được, phải nhìn nhận thực tế là có những địa phương, có những khâu làm chưa tốt. Công tác chỉ đạo cũng cần siết lại, cùng với các nhóm giải pháp khác. Trước mắt là hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Bước sau này, chúng ta sẽ có thêm các biện pháp tái đàn khi dịch bệnh đi vào ổn định”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Nguồn: http://www.hoinongdan.org.vn/