Bất chấp thách thức bủa vây, nông nghiệp quyết đạt tăng trưởng 3% (16/04/2019)
Dù đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhưng ngành nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu mức tăng trưởng đạt 3% trong năm 2019.
Xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục khởi sắc. Ảnh: T.LNhiều thách thức
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, đang có băn khoăn liệu ngành nông nghiệp có đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay khi mới đầu năm đã có muôn ngàn khó khăn bủa vây.
Năm 2018, ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây: 4,05%. Trong 5 năm qua, mức tăng trưởng bình quân của quý I đạt 1,95% (quý I.2014 tăng 2,68%; năm 2015 là 2,25%; năm 2016 âm 1,31%; năm 2017 là 2,08%). Quý I.2019, mức tăng trưởng đạt 2,68%, tuy không cao nhưng cũng ở mức khá.
"Chúng tôi liên tục cử đoàn cấp Thứ trưởng sang làm việc với các đối tác thương mại, cố gắng để thẻ vàng được rút sớm. Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Chính phủ, nhân dân không để xấu hơn tình hình thẻ vàng và tiêu thụ bình thường”.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn
“Chúng tôi đã giao các đơn vị rà soát và phải khẳng định, đúng là chúng ta đang rất khó khăn. Ngoài đối mặt với dịch tả lợn châu Phi, thì thị trường là vấn đề quan trọng, quyết định đến tăng trưởng. Đây là vấn đề rất lớn, đã và đang được các ngành chức năng làm quyết liệt để giữ vững các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới” – Thứ trưởng Tuấn nói.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất. Trong khi miền Bắc chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ thì Tây Nguyên đối mặt với khô hạn, ĐBSCL đối phó với xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển ở nhiều địa phương.
Về ngắn hạn ngành nông nghiệp và các địa phương đã có giải pháp để né điều này, xuyên suốt là thực hiện chuyển dịch tái cơ cấu. Ngay vụ đông xuân năm nay, các địa phương vùng ĐBSCL đã chuyển dịch gieo cấy sớm hơn 15 ngày.
Ông Tuấn thông tin, các nước đang có kế hoạch xây dựng 142 thuỷ điện gồm 20 thuỷ điện dòng chính, còn lại là dòng nhánh trên dòng Mekong. Ước tính đến năm 2020, lượng phù sa về ĐBSCL giảm tới 67% so với trước cách đây 13 năm. Nếu cứ tiếp tục thế này, đến năm 2040 dự kiến lượng phù sa giảm xuống 97%, đây là hệ lụy rất lớn.
“Quan điểm điều tiết sản xuất vùng ĐBSCL là phù hợp với tình hình sinh thái, tận dụng công trình ngăn mặn, làm sao điều tiết mặn hợp lý. Những vùng nào phải giữ ngọt thì giữ, vùng nào có thể sử dụng mặn cho nuôi trồng thủy sản thì sử dụng” - ông Tuấn nói.
Không để các rào cản kìm hãm xuất khẩu
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, xuất khẩu nông sản quý I.2019 đạt 8,8 tỷ USD, thấp hơn năm trước. Nguyên nhân là do nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực (tiêu, điều, cà phê, gạo, sắn…) đều giảm. Rất may là hai lĩnh vực trọng yếu là thủy sản và đồ gỗ đều tăng (xuất khẩu thủy sản đạt 1,75 tỷ USD, tăng 0,5%; gỗ và lâm sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 16,5%).
Đặt câu hỏi tại sao cả thủy sản và lâm nghiệp đều tăng trong điều kiện thủy sản đang bị EC áp thẻ vàng và phía Mỹ chưa công bố việc công nhận đánh giá tương đương, Thứ trưởng Tuấn cho rằng, đó là do năng lực sản xuất tăng rất nhanh với sự xuất hiện của nhiều cơ sở chế biến sâu, và những khó khăn về mặt thị trường được giải quyết rất hiệu quả. “Cho đến giờ thẻ vàng của EC chưa gây ách tắc gì đến thương mại. Việc Mỹ chưa công nhận đánh giá tương đương cũng không ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra.
Vấn đề nữa là chất lượng sản phẩm đang tăng lên. Rau quả, sản phẩm thủy sản, đồ gỗ đều tiếp cận đáp ứng tiêu chí quản lý truy xuất nguồn gốc. Nhà nước với tinh thần kiến tạo hành động, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, chắc chắn trong thời gian tới, xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NNPTNT: Cơ hội mới cho doanh nghiệp
Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu nông sản lớn và quan trọng hàng đầu của Việt Nam, riêng mặt hàng rau, quả, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 2,8 tỷ USD năm 2018.
Ngoài các mặt hàng như gạo, cao su, sắn thì nhu cầu rau, quả của Trung Quốc cũng đang có xu hướng gia tăng.
Việt Nam có nhiều lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc khi có vị trí địa lý liền kề nhau và Trung Quốc đã cắt giảm tới 95% số dòng thuế nhập khẩu đối với nông sản của Việt Nam. Để thu hút nông sản, rau quả Việt Nam, phía Trung Quốc đã xây dựng luồng xanh tại các cửa khẩu, cho phép hàng hóa Việt Nam được thông quan trước, kiểm tra sau và hợp tác xây dựng các trung tâm giao dịch số lượng lớn. Nhu cầu tiêu dùng rau, quả của Trung Quốc đang có xu hướng tăng chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa.
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: Sớm giải quyết vấn đề gỗ nguyên liệu sạch
Năm 2018 là năm thành công rực rỡ của ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước đã chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đang vươn lên mạnh mẽ. Các doanh nghiệp của Việt Nam trong ngành gỗ đã có những nỗ lực và vai trò rất lớn trong xuất khẩu.
Tôi cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm gỗ vẫn tiếp tục được duy trì ở mức hai con số và có thể đạt mục tiêu như ngành nông nghiệp đã đặt ra. Để Việt Nam từng bước trở thành trung tâm, công xưởng sản xuất gỗ của thế giới, cần giải quyết vấn đề về gỗ nguyên liệu sạch phục vụ cho công nghiệp chế biến. Muốn vậy, cần phải đầu tư về công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, công nghiệp chế biến tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu và thân thiện môi trường.
Nguồn: http://www.hoinongdan.org.vn/