Bài phỏng vấn đồng chí Đỗ Ngọc Huy – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương (30/09/2020)
Nhân dịp Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2020). Ban Biên tập Website Hội Nông dân Bình Dương có cuộc phỏng vấn đồng chí Đỗ Ngọc Huy – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương về kết quả xây dựng và phát triển các Chi Hội, Tổ Hội nghề nghiệp trong thời gian qua, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Xin giới thiệu đến bạn đọc.
Đồng chí Đỗ Ngọc Huy – UV BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam,
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương
PV: Đồng chí có thể cho biết những thuận lợi, khó khăn trong việc xây dựng và phát triển các Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trong thời gian qua?
Đ/c Đỗ Ngọc Huy:
Về mặt thuận lợiCó thể nói thuận lợi bước đầu trong việc xây dựng mô hình Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp là Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Đề án số 24 – ĐA/HNDTW năm 2016 về về xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp viết tắt là (ĐA 24), sau 03 năm triển khai thực hiện, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổng kết ĐA 24 đồng thời ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW, ngày 05/8/2019 tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp và đánh giá chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp đi vào hoạt động hiệu quả, nền nếp, thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân, tạo được mốiliên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên theo mô hình hoạt động ba loại hình chi Hội Nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp trong một chi Hội Nông dân.
Mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp thể hiện sự đổi mới phương thức, tăng thêm màu sắc, cách thức tập hợp hội viên, góp phần xây dựng tổ chức Hội cơ sở ngày càng vững mạnh, tăng cường sự gắn kết giữa hội viên với tổ chức Hội và tính tiên phong của chi Hội trưởng, từng bước nâng cao năng lực tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản. Công tác Hội và phong trào nông dân có bước phát triển mới về cách thức tuyên truyền, vận động, đoàn kết nông dân; cán bộ của Hội có sự trưởng thành, có khả năng tham gia sâu hơn vào nhiệm vụ phát triển kinh tế ở địa phương; an ninh trật tự ở nông thôn được giữ vững; hội viên nông dân gắn bó bền lâu với tổ chức Hội, an tâm lao động, sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập ổn định và bền vững hơn cho hội viên do có thể liên kết nhiều ngành nghề khác nhau, cùng chia sẽ trao đổi, hỗ trợ những kinh nghiệm hay cùng nhau phát triển.
Thực hiện và Chương trình hành động số 65-CTr/HNDT, ngày 31/10/2019 của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bình Dương. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 10-HD/HNDT, ngày 27/3/2020 của Hội Nông dân tỉnh Bình Dương về việc xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm cuối tháng 9/2020 đã thành lập được 16 Chi, Tổ Hội nghề ngiệp, với 199 hội viên và đang hoàn tất các thủ tục thành lập Chi hội Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Bình Dương trực thuộc Hội Nông dân tỉnh dự kiến ra mắt trong tháng 10/2020 nhằm thiết thực kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2020).
Về những khó khăn Bên cạnh những thuận lợi việc xây dựng và phát triển các Chi Hội, Tổ Hội nghề nghiệp trong thời gian qua còn những khó khăn đó là: Tâm lý nông dân còn e ngại, giấu nghề, giữ bí quyết riêng khi tham gia vào kinh tế tập thể cũng do một phần họ chưa hiểu và chưa nắm rõ những thuận lợi và xu hướng phát triển của kinh tế tập thể trong thời gian tới; một số nông dân sản xuất truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ nên mối liên kết của một số tổ hợp tác chưa cao; chưa phát huy tiềm năng của địa phương và lợi ích của kinh tế tập thể; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn đơn điệu; năng lực quản lý của cán bộ tổ hợp tác còn lúng túng; nguồn vốn vay còn thấp so với nhu cầu thực tế; chi phí đầu vào sản xuất cao, giá cả không ổn định; Một bộ phận cán bộ Hội nhận thức chưa sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, thiếu hướng dẫn giúp đỡ cơ sở; Năng lực tổ chức, sự liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị còn hạn chế, phương pháp và kỹ năng công tác của cán bộ Hội cơ sở và chi Hội trưởng, tổ trưởng tổ Hội Nông dân nghề nghiệp chưa được các cấp Hội tập huấn.
PV: Đồng chí có thể cho biết thời gian tới cần làm gì để đẩy mạnh thành lập chi Hội Nông dân nghề, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp?
Đ/c Đỗ Ngọc Huy:Trước tiên là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trong giai đoạn mới để tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Hội Nông dân; Tăng cường Chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở trong việc lựa chọn, phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của địa phương để xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phù hợp, đảm bảo theo tiêu chí 5 cùng của Đề án 24-ĐA/HNDTW, ngày 23/6/2016, Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW, ngày 05/8/2019 tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đó là: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Lấy hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp gắn với xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Phát huy vai trò của lực lượng trí thức trẻ, cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ được đào tạo có mong muốn, nguyện vọng và nhiệt huyết tham gia phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cùng với lực lượng hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi để ưu tiên lựa chọn bố trí làm chi hội trưởng, tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp.
Tiếp tục củng cố chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đã được thành lập; hướng dẫn xây dựng các mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp kiểu mẫu; tăng cường tổ chức các hoạt động tham quan mô hình; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị cho hội viên, nông dân.Chủ động xây dựng mối liên kết giữa hội viên, nông dân với doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã trong quá trình tổ chức sản xuất, nhất là việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với nhu cầu của thị trường, khắc phục tình trạng “được mùa rớt giá”.
Tập trung đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp, kỹ năng tổ chức vận động quần chúng, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành, kiến thức về canh tác nông nghiệp và quy trình thành lập chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Coi trọng hình thức đào tạo, bồi dưỡng theo các khóa học, lớp bồi dưỡng, tập huấn của Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam, của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố; kết hợp với tổ chức tham quan, học tập mô hình, kinh nghiệm từ những địa phương, đơn vị làm tốt, thành công.
Tập trung các chương trình, dự án của Trung ương Hội, tỉnh Hội và các huyện thị thành Hội để hỗ trợ các điều kiện và nguồn lực trong quá trình xây dựng các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.Tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu sản phẩm, ngành hàng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là cấp mã vùng sản xuất và cơ sở đóng gói, chế biến để đảm bảo điều kiện xuất khẩu chính ngạch cho nông dân.Phối hợp với các ngân hàng và các tổ chức tín dụng tạo điều kiện và cơ chế ưu đãi, thủ tục thuận lợi cho hội viên nông dân tham gia các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vốn kinh doanh; tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm cho hội viên nông dân ở các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Chú trọng liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ hội viên nông dân ở các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các mô hình sản xuất nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho hội viên nông dân.Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mối liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các hội viên nông dân, giữa hội viên nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng, hiệp hội ngành hàng, nhà phân phối để sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn có hiệu quả ở nông thôn, đặc biệt là sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị.Phối hợp với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền hỗ trợ pháp lý và tư vấn cho các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp.
Các cấp Hội cần chủ động và tăng cường tham mưu với các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và sự quản lý của các cấp chính quyền để xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp theo Hướng dẫn số 10/HD/HNDT, ngày 27/3/2020 của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bình Dương về xây dựng mô hình Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương; phối hợp với các ban, ngành, các đoàn thể để khai thác thêm nguồn lực hỗ trợ các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả.Xây dựng mối quan hệ phối hợp chỉ đạo giữa chi bộ Đảng và ban chấp hành Hội Nông dân cơ sở trong việc định hướng nội dung, hình thức hoạt động của các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đẩy mạnh xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Hội ở cở sở nhằm nâng cao năng lực cho hội viên nông dân trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệpvững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động sẽ phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp sẽ góp phần xây dựng mẫu hình người nông dân thế hệ mới xuất sắc, tiêu biểu, đổi mới, nâng cao tư duy tự lực, tự thân, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, có khả năng dẫn dắt đông đảo hội viên nông dân cùng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho gia đình và quê hương, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn Đồng chí!
Nguyễn Oanh